Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới
09:38 - 08/09/2023
(MTNT) -Môi trường là một trong những tiêu chí cần thiết và quan trọng trong Bộ tiêu chí quốc gia của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã nghiêm túc triển khai công tác bảo vệ môi trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân trên hệ thống truyền thanh, panô, băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến đường trục chính xã, tại các hội nghị, các lớp tập huấn...
 


Chính vì vậy, các địa phương trên cả nước luôn quan tâm thực hiện công tác vệ sinh môi trường, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp.


Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người nông dân. Trong 19 tiêu chí qui định theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17; trong đó, có nói đến 5 nội dung, đó là: Tỷ lệ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.


Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên  luôn quan tâm, coi trọng nhiệm vụ cải thiện, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống một cách toàn diện và đồng bộ.


Nhờ vậy diện mạo nông thôn ở xã ngày một đổi mới, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Cùng với đó, Đảng ủy, UBND, MTTQ và các tổ chức đoàn thể của xã tăng cường công tác phối hợp vận động người dân thông qua các hình thức như tuyên truyền, qua các buổi họp của các chi hội, đoàn thể, tổ nhân dân tự quản… Trong tuyên truyền, xã chú trọng làm cho người dân hiểu rõ mục tiêu của tiêu chí, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và từ đó có hành động cụ thể.


Thực hiện tiêu chí về môi trường, xã đã giao cho các tổ chức chính trị - xã hội phụ trách từng thôn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phân loại rác thải ngay từ gia đình. Rác hữu cơ sẽ được tận dụng để làm phân bón cho cây trồng, rác thải nhựa, túi ni-lon sẽ được thu gom, phân loại để xử lý.


Đồng thời, Hội Nông dân thực hiện phát triển kinh tế, xây dựng mô hình tổ tự quản an ninh trật tự; Đoàn Thanh niên hỗ trợ thanh niên phát triển doanh nghiệp, mô hình kinh tế của các bạn trẻ tại địa phương; Hội Cựu chiến binh vận động xóa nhà tạm bợ, xây dựng nhà vệ sinh tự hoại…được phát động sôi nổi ở các thôn, bản trên địa bàn xã.


Tại xã Mường Pồn, xác định môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, xã đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, các chương trình hành động, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm để triển khai rộng khắp đến tất cả các đơn vị trên địa bàn xã.


Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh, lắp đặt panô, khẩu hiệu, tổ chức thực hiện các mô hình như: Trồng hoa ven đường, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật.


Đến nay, xã Mường Pồn đã được công nhận đạt chuẩn về tiêu chí môi trường, với trên 90% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt gần 80%.


Hiện toàn huyện có trên 90% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; các công trình vệ sinh môi trường cho hộ gia đình, xây dựng bể thu gom rác thải tại các xã trên địa bàn huyện được các cấp chính quyền chú trọng thực hiện.


Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, và triển khai thành lập tổ tự quản môi trường tại các xã, thôn bản được phát huy qua đó nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức về bảo vệ môi trường.


Tại huyện Chương Mỹ (Thành phố Hà Nội), các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thành lập các câu lạc nông dân tham gia bảo vệ môi trường, mô hình thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, mô hình không đốt rơm rạ sau thu hoạch trên cánh đồng.


Hội Nông dân huyện đã thành lập được 46 mô hình bảo vệ môi trường trong sản xuất, xử lý chất thải trong sinh hoạt ở địa bàn nông thôn, trồng 15km đoạn đường hoa nông dân tự quản.


Những năm qua, huyện Chương Mỹ triển khai xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng nhiều việc làm thiết thực như: Triển khai mô hình “Biến điểm tập kết rác tự phát thành vườn hoa thanh niên”, “Con đường bích họa”, “Con đường hoa”; “sân chơi thiếu nhi”.


Các hoạt động tình nguyện vì môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh được các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện: 100% số đồng loạt tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm; phong trào “Ngày chủ nhật xanh” được duy trì và có hiệu quả.


Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các xã trên địa bàn đã nghiêm túc triển khai công tác bảo vệ môi trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân trên hệ thống truyền thanh, panô, băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến đường trục chính xã, tại các hội nghị, các lớp tập huấn.


Đồng thời, tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng các chiến dịch, như “Ngày Môi trường thế giới”, “Ngày nước thế giới”, “Giờ Trái đất”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”, Ngày Chủ nhật không túi nilon…


Xác định tiêu chí môi trường là tiêu chí khó thực hiện trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nên ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân về công tác bảo vệ môi trường.


Đặc biệt là đẩy mạnh truyền thông nhằm thay đổi tư tưởng, thói quen, tập quán của Nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống từ những việc làm nhỏ nhất.
 

Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở các xã đã có sự chuyển biến tích cực. Phong trào trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đời sống văn hoá được triển khai và duy trì tốt ở nhiều khu dân cư, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn.


Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đã cơ bản ý thức được công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường... và thực hiện theo các nội dung được phê duyệt. Nhiều gia trại chăn nuôi đã đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi.


 
Xác định vấn đề môi trường - cảnh quan là yếu tố cốt lõi để phát triển nông thôn bền vững, vì thế, ngoài ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung môi trường, tỉnh cũng đã hỗ trợ các địa phương và đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ người dân xây dựng công trình xử lý môi trường nông thôn, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, lò đốt rác tập trung, cung cấp công cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt...


Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nội dung bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn ngày càng nâng cao.


 
Trọng Toàn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn