Muốn phát triển thủy sản bền vững phải hiểu nguyện vọng ngư dân
17:22 - 23/11/2023
Chiều 22/11, Bộ NN-PTNT tổ chức tọa đàm cùng đại diện đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương ven biển để phát triển ngành thủy sản xanh và bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, muốn ngành thủy sản phát triển bền vững, gỡ được "thẻ vàng" của EC cần sự chung tay của các bộ, ngành và địa phương. Ảnh: Trung Quân

 
 
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, hiện nay cả nước có hơn 86.000 tàu, thuyền khai thác thủy sản, 83 cảng cá, 7.500 cơ sở nuôi biển, 76 khu neo đậu, tạo việc làm cho gần 4 triệu lao động. Tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thủy sản đạt 4,9%/năm, đóng góp 25% GDP ngành nông nghiệp.
 
 
Hiện nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; yêu sách chủ quyền của các nước trên biển Đông; xu thế gia tăng, lan rộng áp đặt rào cản kỹ thuật (thẻ vàng EC…); phát triển không bền vững, hiệu quả sản xuất thấp; sinh kế của ngư dân chậm được cải thiện và không bền vững. Bên cạnh đó, suy thoái môi trường và hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản xuất manh mún, tự phát…
 
 
Nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng trên là mất cân đối giữa cường lực khai thác và khả năng nguồn lợi; đầu tư hạ tầng còn hạn chế, chưa quan tâm tới đào tạo nghề; hoạt động điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản chưa đầy đủ; nguồn lực quản lý nhà nước tại địa phương hạn chế; liên kết chuỗi giá trị ngành hàng chưa hiệu quả; thực thi pháp luật yếu kém; công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa được quan tâm đúng mức...
 
 
Theo ông Luân, Bộ NN-PTNT luôn xác định, phát triển ngành thủy sản vì sự thịnh vượng của ngư dân. Bên cạnh đó, cấu trúc lại ngành thủy sản theo hướng chuyển từ khai thác tài nguyên thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững; cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân.
 
 
Duy trì trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở mức bền vững, không khai thác cá non, chưa trưởng thành. Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tạo sinh kế thay thế để nâng cao đời sống ngư dân.
 
 
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, thông tin, hiện nay nguồn lợi thủy sản trên biển đang bị suy giảm nghiêm trọng (từ 5,07 triệu tấn giai đoạn 2000-2005 giảm xuống 3,95 triệu tấn giai đoạn 2016-2020). Trong khi đó, số lượng tàu cá lớn, hoạt động khai thác quá mức (năm 2022 sản lượng khai thác hơn 3,6 triệu tấn).
 
 
Công tác gỡ “thẻ vàng” của EC đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần khắc phục. Do đó, trong giai đoạn tới, sẽ tập trung thực hiện 5 nhóm khuyến nghị của EC để gỡ được "thẻ vàng" trước tháng 6/2024 (hoàn thiện khung pháp lý, quản lý tốt đội tàu khai thác, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thực thi nghiêm quy định pháp luật, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU ở vùng biển nước ngoài). Trong đó, cấp bách ngăn chặn chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và khắc phục tình trạng mất kết nối VMS trước tháng 4/2024.
 
 
 
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, muốn ngành thủy sản phát triển bền vững, gỡ được "thẻ vàng" của EC không chỉ có sự vào cuộc của Bộ NN-PTNT mà cần sự chung tay của các bộ, ngành và địa phương. Việc ngăn chặn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU là hoạt động trước mắt, còn mục tiêu lâu dài là bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước, vì thế hệ tương lai. Do đó, chúng ta phải tái trúc lại ngành hàng, đưa ngư dân vào hoạt động theo một quỹ đạo thống nhất.  
 
 
Trước đây, khi Bộ NN-PTNT đưa ra chủ trương phát triển nuôi biển với mục đích giảm khai thác, tăng nuôi trồng, rất nhiều địa phương háo hức mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển ở các vùng biển mà chưa quan tâm đúng mức đến đối tượng ưu tiên đầu tiên là lực lượng ngư dân mà mình muốn chuyển đổi sang ngành nghề khác.
 
 
“Muốn người dân chủ động chuyển đổi ngành nghề để giảm khai thác thì phải tích cực đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tập trung nguồn lực giải quyết những trăn trở đó. Khi người dân tự giác, nhận thức đầy đủ được việc chuyển đổi ngành nghề là việc làm có ý nghĩa, trong khi sinh kế, cuộc sống vẫn được đảm bảo thì mục tiêu phát triển thủy sản bền vững mới có thể thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
 
 
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho rằng, thời gian qua, tại nhiều địa phương các doanh nghiệp, người dân ngần ngại khi tiến hành đầu tư nuôi biển vì lo âu những nơi đầu tư sẽ rơi vào những khu vực quy hoạch. Do đó, mong muốn các tỉnh ven biển sớm hoàn thiện các quy hoạch, đề án chuyển đổi sinh kế để doanh nghiệp, người dân an tâm phát triển.
 
 
Trong năm 2024, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo ngành thủy sản tăng cường củng cố lại chi hội nghề cá, tạo không gian để ngư dân sinh hoạt, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống. Bên cạnh đó, thiết lập lại cộng đồng đồng quản lý theo chủ trương đã ban hành.
 
 
Đồng thời, mong muốn các đại biểu Quốc hội của các địa phương thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, nắm bắt những khó khăn, bất cập, tâm tư, nguyện vọng mà các ngư dân đang gặp phải, thông tin tới Bộ NN-PTNT để kịp thời điều chỉnh những chủ trương, chính sách, phương thức quản lý, ứng xử với ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn