Dấu ấn thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam: 3,6 triệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi (Bài 2)
08:51 - 09/11/2023
Một trong những chỉ tiêu quan trọng được nêu trong Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam (nhiệm kỳ 2018- 2023), đó là về phong trào thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi. Và chỉ riêng trong 5 năm qua, cả nước đã có 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi, vượt 6,74% chỉ tiêu đề ra. 

Vượt chỉ tiêu về số hộ sản xuất kinh doanh giỏi

Đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2018- 2023) cho thấy, một trong những chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội VII là về số hộ đăng ký và đạt danh hiệu SXKD giỏi. Để thực hiện chỉ tiêu này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp Hội đã tiếp tục đẩy mạnh "Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững".
 

Đồng chí Lương Quốc Đoàn- Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao Danh hiệu Nông dân SXKD giỏi cho hộ bà Nguyễn Thị Hồng ở Quốc Oai, Hà Nội ngày 13/9/2022. Ảnh: Tổ Ảnh Dân Việt

Có thể nói, đến nay Phong trào đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn; phát huy tính chủ động, sáng tạo của hội viên, nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, "dồn điền, đổi thửa" tạo vùng sản xuất tập trung, cánh đồng liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.

Thông qua phong trào ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, có mức thu nhập cao; Hằng năm bình quân có trên 6,2 triệu hộ đăng ký (đạt 104,04% so với chỉ tiêu Đại Hội VII), trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, vượt 6,74% so với chỉ tiêu Đại Hội VII. 

Nhiều địa phương đã sáng tạo, đa dạng các mô hình tập hợp, thu hút phát triển phong trào như thành lập "Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "Câu lạc bộ nông dân tỷ phú", "Câu lạc bộ nông dân phát triển kinh tế"... với hàng vạn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tham gia, góp phần đẩy mạnh phong trào ở địa phương(31). Các cấp Hội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đạt chỉ tiêu Đại Hội VII về số hộ hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm đăng ký, cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và số hộ hội viên được công nhận.

Trong 5 năm qua, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp trên 815.000 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm... trị giá trên 6.720 tỷ đồng; trên 108.000 hộ nông dân thoát nghèo và đang vươn lên làm giàu; đóng góp xây dựng hàng nghìn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa, mái ấm nông dân và giúp cho trên 1,2 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất; đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các quỹ ở địa phương.

Công tác tổng kết đánh giá kết quả phong trào được các cấp Hội chú trọng, tổ chức thành công hội nghị tổng kết ở các cấp và Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI giai đoạn 2017-2022.

Phát biểu tại Hội nghị Biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 – 2022 (diễn ra vào ngày 13/9/2022), đồng chí Lương Quốc Đoàn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: "Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá, giầu; người khá, giầu thì giầu thêm"; từ năm 1989, Hội Nông dân Việt Nam đã phát động Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Qua gần 35 năm triển khai thực hiện, phong trào đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực".

Có thể nói, trong giai đoạn 2018 – 2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức với sự bùng phát của đại dịch Covid-19... Song các cấp Hội đã nhạy bén, sáng tạo, tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai Phong trào.

"Từ thực tế sinh động của Phong trào đã xây dựng được một đội ngũ nông dân mới năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dũng cảm vượt qua khó khăn thử thách; mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; biết khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, sẵn sàng tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho gia đình và giúp đỡ nhiều hộ khác vươn lên thoát nghèo và làm giầu"- Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Tuấn Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá: "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đạt được nhiều kết quả rất tích cực, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao. 

Là một phong trào thi đua lớn của Hội Nông dân Việt Nam, các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện chủ trương lớn trong nông nghiệp, nông thôn như: Tích tụ, tập trung đất đai, "dồn điền, đổi thửa"; liên kết hợp tác giữa nông dân với nông dân để xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; liên kết nông dân với doanh nghiệp hợp tác xây dựng "cánh đồng lớn" tạo vùng sản xuất tập trung để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn; tín chấp cho nông dân vay vốn, mua vật tư, máy móc nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể; phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn..., do đó đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia phong trào và ngày càng có nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. 

Cũng từ phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, cải tiến, chế tạo máy móc, nông cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới tổ chức, liên kết sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản, gắn sản xuất kinh doanh với giữ gìn chủ quyền biển, đảo, an ninh quốc gia.

Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân vào thực chất, hiệu quả

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp Hội đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân với 7 hoạt động lớn.

Hỗ trợ vốn cho nông dân: Chỉ trong 5 năm (2023- 2028), tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân đã đạt 1.761,2 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 11,5%, vượt chỉ tiêu Đại hội VII; nâng tổng nguồn vốn Quỹ toàn hệ thống Hội đạt 4.827 tỷ đồng. Đặc biệt, tại các Đại hội Hội Nông dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa qua, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền; nhiều địa phương đã cam kết, trao tặng ngay số tiền hàng chục tỷ đồng vào Quỹ Hỗ trợ nông dân như Hà Nội, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hậu Giang, TP HCM, Cà Mau...

Bên cạnh việc phát triển thêm nguồn Quỹ, công tác cho vay, thu hồi vốn được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo an toàn nguồn vốn. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp được sử dụng ngày càng hiệu quả, thiết thực, hỗ trợ nhiều hộ nông dân vươn lên khá giàu, khởi nghiệp thành công, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển hàng nghìn mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, mô hình tổ, nhóm liên kết, hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân. 

Các cấp Hội đã tích cực tín chấp hỗ trợ hàng triệu nông dân vay vốn trên 170.000 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, hạn chế nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Phối hợp tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023, tạo cơ sở pháp lý, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Tổ chức đào tạo nghề cho nông dân: Công tác đào tạo nghề cho hội viên, nông dân gắn chuỗi tiêu thụ nông sản với phát triển dịch vụ, du lịch nông thôn được các cấp Hội chú trọng với nhiều mô hình và hình thức đào tạo phù hợp, thu hút nhiều lao động trẻ tham gia, góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tạo cơ hội việc làm, thu nhập ổn định cho nông dân. Hằng năm trực tiếp, phối hợp đào tạo nghề cho trên 110.000 nghìn nông dân, trên 80% có việc làm, thu nhập ổn định; tạo việc làm tại chỗ cho hàng triệu lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 20.000 nông dân, giới thiệu đưa hơn 700 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp: Các cấp Hội đã tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp bảo lãnh cung ứng giống, vật tư đầu vào có chất lượng tốt cho nông dân theo hình thức trả chậm không tính lãi gắn với chuyển giao kỹ thuật, bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tạo điều kiện cho nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. 

Phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu, hướng dẫn nông dân những thiết bị nông nghiệp cần thiết để giúp cho nông dân giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Hướng dẫn, giới thiệu, hỗ trợ nông hộ xây dựng nhà lưới, nhà kính, nhà màng và ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, tự động vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ: Phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho trên 11,8 triệu lượt hội viên, vượt 39,24% so với chỉ tiêu Đại hội VII. Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng thành công 12.927 mô hình điểm, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân tham quan học tập để nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; xây dựng và duy trì hàng trăm "Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông", tổ chức cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông" để lựa chọn các giải pháp sáng tạo đưa vào ứng dụng. 

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động hội viên sử dụng và truy cập mạng Internet, các trang mạng xã hội để khai thác thông tin về thị trường, giá cả, cập nhật quy trình sản xuất mới tiên tiến phục vụ sản xuất, kinh doanh; đến nay có trên 7,3 triệu hội viên truy cập Internet, vượt 23% chỉ tiêu Đại hội VII đề ra.

Hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm: Hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản cho nông dân được quan tâm đẩy mạnh. Trung ương Hội phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai kế hoạch đưa các sản phẩm nông nghiệp của nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn để kết nối, tiêu thụ nông sản. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố ký kết thoả thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong nông nghiệp và kết nối tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử.

Thông qua thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, xúc tiến các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp kết nối đưa sản phẩm của nông dân tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ đầu mối. Trung ương Hội đã xây dựng điểm trưng bày - kết nối - hỗ trợ tiêu thụ nông sản; Hội Nông dân các tỉnh, thành phố xây dựng, duy trì, phát triển hệ thống "Cửa hàng Nông sản an toàn", tích cực tổ chức, tham gia Festival, hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại để giới thiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Kết quả công tác tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân: Hoạt động tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân được các cấp Hội đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp; tổ chức tư vấn pháp luật cho 98.290 lượt người; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho trên 5,2 triệu lượt người, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của nông dân. 

Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng xây dựng và duy trì 5.363 mô hình "Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội" và 6.068 Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật". Tổ chức tư vấn, hỗ trợ giải quyết vấn đề bạo lực gia đình thông qua đường dây nóng 19001768; thí điểm, duy trì và nhân rộng mô hình "Người cha trách nhiệm" góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho hội viên, nông dân.

Hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân: Ban Chấp hành Trung ương Hội ban hành Kết luận số 454-KL/HNDTW ngày 06/7/2022 để nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm Hỗ trợ nông dân, bàn giao tài sản đầu tư cho Hội Nông dân tỉnh, thành phố quản lý, sử dụng. Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực tổ chức các dịch vụ khai thác cơ sở vật chất; tổ chức được nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao để hội viên, nông dân học tập, nhân rộng (đạt 100% so với chỉ tiêu Đại hội VII), qua đó nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập nông dân; tổ chức điểm giới thiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản, góp phần phát huy vai trò, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội.

Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn

Hằng năm, Trung ương Hội đã hỗ trợ kinh phí, chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển hàng trăm mô hình sản xuất, kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố; Hội Nông dân các cấp đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình trang trại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao; mô hình liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp hội viên, nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội. 

Các cấp Hội tích cực hỗ trợ, hướng dẫn hội viên tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ xây dựng 5.003 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, mở ra cơ hội liên kết sản xuất chuỗi, nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội về "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025", các cấp Hội phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác; thu hút nhiều hộ nông dân gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn thành lập 10.561 mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả (trong đó 2.127 hợp tác xã, 8.434 tổ hợp tác), đạt chỉ tiêu Đại hội VII. 

Thực hiện Đề án số 03-ĐA/HNDTW của Trung ương Hội, các cấp Hội đã định hướng, vận động đông đảo hội viên, nông dân tích cực khởi nghiệp, sáng tạo, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Vận động nông dân tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường

Công tác vận động hội viên, nông dân tham gia thực hiện phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" được các cấp Hội triển khai hiệu quả, thiết thực. Hằng năm hội viên, nông dân hiến hàng trăm héc ta đất, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, trên 3 triệu ngày công lao động, sửa chữa, bê tông hóa trên 36.000km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa, sửa chữa trên 27.000km kênh mương…, đóng góp lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu(49); tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, thôn, ấp, bản, làng, xã văn hóa, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nâng cao đời sống tinh thần của hội viên nông dân. Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế (đạt 103,15% chỉ tiêu Đại hội VII) (51), bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
 

Hằng năm, các cấp Hội tổ chức các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, đạt chỉ tiêu đề ra xây dựng 34.004 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu, đạt 152,24% so với chỉ tiêu Đại hội VII.

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn