Góp ý dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam sửa đổi về sinh hoạt định kỳ của chi Hội
Dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam sửa đổi, bổ sung đã được lấy ý kiến từ Đại hội cấp cơ sở và nhận được nhiều ý kiến quan tâm, góp ý liên quan đến sinh hoạt định kỳ của các chi Hội Nông dân nghề nghiệp.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 dự kiến được tổ chức trung tuần tháng 12 năm 2023.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. Dự thảo Điều lệ đã được lấy ý kiến từ Đại hội cấp cơ sở và nhận được nhiều ý kiến quan tâm, góp ý liên quan đến sinh hoạt định kỳ của các chi Hội Nông dân nghề nghiệp.
Trên cơ sở tinh thần của phương hướng, nhiệm vụ Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII là tập trung xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, mà trước hết nền tảng là xây dựng các chi Hội. Vì vậy, dự thảo sửa đổi Điều lệ Hội đề xuất thời gian sinh hoạt của chi Hội nên là một tháng 1 lần nhằm hướng mạnh về cơ sở và đổi mới, sáng tạo, đa dạng các loại hình tập hợp, vận động nông dân thông qua sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ Hội Nông dân.
Tránh "hành chính hóa" công tác sinh hoạt của chi Hội Nông dân
Mô hình chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được triển khai trên cơ sở Đề án số 24/HNDTW ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội với mục đích tập hợp những hội viên cùng chí hướng, cùng sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm ngày càng có chất lượng theo chuỗi giá trị.
Mô hình cấp chi Hội tại cơ sở tạo ra được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên và tăng cường sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội theo mô hình hoạt động ba loại hình chi Hội Nông dân – hợp tác xã – doanh nghiệp trong một chi Hội Nông dân.
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp trở thành một trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, và đang đứng trước những biến động về khí hậu, tiêu dùng và mô hình sản xuất bền vững, vai trò của các chi, tổ Hội nghề nghiệp càng có vị trí quan trọng trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp tại cấp cơ sở.
Qua hơn 7 năm triển khai Đề án, đến nay, các cấp Hội cả nước đã thành lập 3.165 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, với trên 72.673 hội viên và 26.419 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, với 381.758 hội viên.
Thông qua sinh hoạt định kỳ của các chi Hội, kết hợp với hội nghị, hội thảo, hội thi, tọa đàm, đối thoại, diễn đàn, hội viên, nông dân đã thường xuyên được trao đổi, nắm bắt các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất nông nghiệp và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sinh hoạt chi Hội đã trở thành một nề nếp thường xuyên của hội viên để lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và cấp Hội lắng nghe và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đồng thời có các ý kiến phản biện chính sách, tham gia vào quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Về chế độ sinh hoạt chi Hội, Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam khóa VII quy định "Chi Hội họp ba tháng một lần, khi cần thiết có thể họp bất thường" và "Mỗi tháng tổ Hội họp một lần". Về tổ chức chi Hội, Điều lệ khóa VII cũng quy định, chi Hội có trên 100 hội viên được chia thành các tổ Hội (theo địa bàn, đối tượng, nghề nghiệp, sở thích…).
Qua thực tiễn cho thấy, việc tổ chức thực hiện chưa được đầy đủ, thường xuyên và thường được lồng ghép với họp thôn, tổ dân phố, vì vậy nội dung sinh hoạt thường nghèo nàn, không đủ thời gian thảo luận và chưa thu hút được hội viên tham gia.
Nhiều nơi không thực hiện chia tách thành các tổ Hội nên hội viên không có nơi để sinh hoạt, hội họp, khó khăn trong việc tập hợp hoạt động trong cùng một thôn, ấp, sóc, khu phố…
Một số chi Hội khác có chia thành các tổ Hội, nhưng hội viên, nông dân lại sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, do vậy tổ chức chi Hội, tổ Hội khó xây dựng được nội dung sinh hoạt phù hợp với tất cả hội viên trong cùng một chi Hội, tổ Hội dẫn đến, việc sinh hoạt chung trong một chi Hội, tổ Hội thường không thiết thực, hiệu quả thấp.
Vì vậy, dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII đã đề xuất thay từ "họp" thành "sinh hoạt" nhằm thay đổi hình thức tập hợp hội viên, nông dân ở cấp chi, tổ Hội nghề nghiệp cơ sở, tránh tình trạng "hành chính hóa" việc sinh hoạt và không "hình thức hóa" việc trao đổi thông tin của hội viên.
Thông qua đổi mới mô hình sinh hoạt, hội viên, nông dân tại cơ sở được tập trung thảo luận các vấn đề về thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, về thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây, con, về phòng trừ dịch, bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, về sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, về cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay, tiến đến hình thành liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh tại nông thôn.
Khi sinh hoạt đi liền với quyền lợi hội viên
Qua cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy, thu nhập và mức sống của hội viên chi Hội Nông dân nghề nghiệp cao hơn hẳn so với hội viên sinh hoạt ở chi Hội truyền thống. Thông qua các hình thức hội, họp và sinh hoạt của chi Hội, nông dân đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm và giúp nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Tuy nhiên, hình thức "họp" của chi Hội không còn phù hợp và dễ bị đánh đồng với các buổi họp tổ dân phố, thôn xóm, một số nơi lồng ghép trong các buổi họp của cấp ủy, chính quyền nên hội viên chưa có thời gian để phát biểu ý kiến về tâm tư, nguyện vọng.
Việc thay đổi hình thức "họp" sang "sinh hoạt" gắn với nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các buổi sinh hoạt tại cấp chi Hội sẽ làm phong phú nội dung sinh hoạt, và hội viên có đủ thời gian trực tiếp trao đổi các vấn đề của nông dân, và có thể tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, gắn với giải quyết từng vấn đề nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Các hình thức sinh hoạt có thể không cần bó hẹp trong không gian hội trường mà có thể đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như tham quan dã ngoại tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp, nói chuyện chuyên đề, tập huấn kiến thức khoa học công nghệ,…
Từ đó, sinh hoạt chi Hội cũng là một địa chỉ đáng tin cậy của hội viên trong việc nâng cao kiến thức, vừa cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, kết hợp văn hóa, văn nghệ tại nông thôn.
Chính vì vậy, dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung trình Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII đã đề xuất "Chi Hội không chia thành các tổ Hội sinh hoạt một tháng 1 lần, khi cần thiết sinh hoạt bất thường" và "Tổ Hội sinh hoạt một tháng 1 lần" nhằm tăng cường việc kết nối hội viên, và thúc đẩy liên kết, hợp tác sản xuất nông nghiệp, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của hội viên, nông dân.
Kết quả khảo sát, lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Điều lệ sửa đổi về nội dung sinh hoạt chi Hội cho thấy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau đối với hai phương án: Chi Hội không chia thành tổ Hội sinh hoạt một tháng 1 lần, khi cần thiết sinh hoạt bất thường (phương án 1) và chi Hội không chia thành tổ Hội sinh hoạt 3 tháng 1 lần, khi cần thiết sinh hoạt bất thường (phương án 2).
Một số ý kiến chọn phương án 1 cho rằng, sinh hoạt chi Hội một tháng 1 lần sẽ tạo sự thống nhất giữa các chi Hội có đông và ít hội viên, bởi vì trong khi các tổ Hội sinh hoạt định kỳ hàng tháng, các chi Hội ít hội viên phải đợi đến ba tháng sau mới được sinh hoạt.
Đối với phương án 2, các ý kiến sinh hoạt định kỳ 3 tháng là hợp lý bởi vì các yếu tố địa lý, nhất là nông dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hoặc ngư dân ra khơi đánh bắt thường hơn một tháng.
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, đối chiếu các quy định của Đảng và Nhà nước hiện nay, chưa có một khái niệm về hình thức sinh hoạt đối với các đoàn thể. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, cụ thể cấp chi bộ Đảng ở địa phương, sinh hoạt chi Hội Nông dân là hình thức hoạt động tập thể chủ yếu của chi Hội sẽ tạo ra sự thống nhất về nhận thức và hành động của một tổ chức Hội trong một thời gian nhất định, hoặc khi thực hiện một công việc cụ thể.
Thông qua sinh hoạt, tạo ra mối quan hệ mật thiết trong hội viên và đảm bảo việc thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân bằng chủ trương, nghị quyết gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương cấp cơ sở.
Liên quan đến vấn đề thời gian sinh hoạt chi Hội còn nhiều ý kiến khác nhau, đối với một tỷ lệ ý kiến không chênh nhau nhiều, cần phải được nhìn nhận trên góc độ khoa học, thực tiễn, trong đó lấy quyền lợi và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân làm trung tâm.
Sinh hoạt hàng tháng của cấp chi Hội, tổ Hội cần đặt trong bối cảnh có tính dự báo từ sớm, từ xa, đón đầu xu thế chuyển đổi số và cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cùng với một góc nhìn đa chiều về tập hợp nông dân trong đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với củng cố và tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với giai cấp nông dân tại cơ sở.
Mô hình có thể tiến đến là chi bộ Đảng tại địa bàn có chi Hội Nông dân hàng tháng ra Nghị quyết liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chi, tổ Hội tổ chức sinh hoạt liền sau đó để thảo luận, trao đổi và ra Nghị quyết thực hiện chủ trương của cấp ủy cơ sở, bảo đảm thống nhất từ chủ trương, nhận thức và hành động trong thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Thường xuyên sinh hoạt thông qua chuyển đổi số
Để khắc phục những khó khăn trong công tác sinh hoạt hiện nay tại các chi, tổ Hội, triển khai công tác chuyển đổi số cần được chú ý áp dụng sẽ đảm bảo được hàng tháng, hội viên, nông dân các chi Hội và tổ Hội đều có quyền lợi như nhau trong việc sinh hoạt định kỳ.
Thông qua sinh hoạt hàng tháng, nông dân sẽ dạy nông dân và nông dân sẽ học hỏi lẫn nhau về tinh thần, ý chí vươn lên, cách làm, kiến thức của nhau, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiện nay, cần đổi mới và thay đổi nhận thức của nông dân về hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, gắn với chuỗi tiêu thụ trên không gian mạng đối với các sản phẩm nông sản. Các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau của sản xuất nông nghiệp đều có mối quan hệ với nhau tạo thành một chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ trên một địa bàn dân cư.
Hàng tháng, các chi Hội không chia thành các tổ Hội, cũng như các chi Hội đông hội viên (trên 100 hội viên) được phân chia thành các tổ Hội theo quy định của Điều lệ Hội cần tổ chức sinh hoạt định kỳ để hội viên có cơ hội nắm bắt, học hỏi các mô hình sản xuất khác nhau, đa dạng hóa các loại hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.
|
Ra mắt Ban Điều hành mạng lưới tại lễ ra mắt "Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc". Ảnh: Báo Dân Việt |
Ngày 12/10 vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VIII, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức ra mắt "Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc". Mạng lưới này sẽ được hoạt động chủ yếu trên nền tảng số, kết nối online và tổ chức những buổi sinh hoạt trực tuyến, kết hợp với trực tiếp. Đổi mới hình thức thường xuyên sinh hoạt chi Hội thông qua chuyển đổi số trên cơ sở Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc có thể khắc phục những khó khăn về địa lý, thời gian và hình thức sinh hoạt.
Cùng với độ phủ sóng Internet 4G đạt 99,8% như hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang khẩn trương hỗ trợ điện thoại thông minh, chữ ký điện tử và tài khoản thanh toán cá nhân cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn thông qua Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, việc tăng cường tần suất sinh hoạt cấp chi Hội không chia thành các tổ Hội và sinh hoạt tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoàn toàn khả thi, tiến tới tạo ra môi trường sinh hoạt trên không gian số thông qua các ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh.
Sinh hoạt chi Hội gắn với hỗ trợ nông dân trẻ ứng dụng công nghệ số và hình thành nông nghiệp số tại nông thôn có thể được xem là giải pháp căn cơ và có tính lâu dài để giữ nông dân trẻ ở lại nông thôn, góp phần xây dựng nông nghiệp thông minh và xã hội số nông thôn.
Đây là tiền đề để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với phương châm hướng về cơ sở, tiến tới khẳng định vai trò cầu nối quan trọng đến hội viên, nông dân của chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tại cơ sở.