Nuôi cá rô đồng dày đặc dưới ao, bắt bán hàng tấn, một nông dân Thái Bình thu tiền tỷ
Gia đình ông Bùi Văn Suy, thôn Tràng, xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) có diện tích nuôi cá rô đồng nhiều nhất của xã với hơn 1,2 mẫu. Vài năm trước, cũng như nhiều hộ gia đình trong xã, ông Suy chủ yếu nuôi cá trắm, cá chép truyền thống nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Thay vì duy trì những mô hình chăn nuôi truyền thống, hiệu quả kinh tế thấp, với tư duy nhạy bén trong phát triển kinh tế, hiện nay rất nhiều gia đình trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) đã mạnh dạn chuyển đổi trong chăn nuôi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình là mô hình nuôi cá rô đồng của một số hộ nông dân xã An Tràng thu lãi tiền tỷ mỗi năm.
Gia đình ông Bùi Văn Suy, thôn Tràng, xã An Tràng có diện tích nuôi cá rô đồng nhiều nhất của xã với hơn 1,2 mẫu.
Vài năm trước, cũng như nhiều hộ gia đình trong xã, ông Suy chủ yếu nuôi cá trắm, cá chép truyền thống nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu, ông nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cá rô đồng ngày càng lớn, giá ổn định nên ông quyết tâm chuyển đổi.
Ông Suy tâm sự: Nuôi cá rô đồng không khó, dễ chăm sóc, chủ yếu để ý đến nguồn nước và vệ sinh nguồn nước sạch sẽ.
Thời gian thu hoạch cá rô đồng cũng nhanh khoảng 4 - 5 tháng. Năm nay giá cá rô thương phẩm tăng 1,5 lần so với năm ngoái, giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Với 1,2 mẫu nuôi cá rô đồng, trừ chi phí một lứa có thể thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng. Một năm 2 vụ, nếu giá cá ổn định ở mức 50.000 đồng/kg như năm nay thì gia đình tôi cầm chắc lãi hơn 1 tỷ đồng.
|
Ông Bùi Văn Suy, thôn Tràng, xã An Tràng (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) chăm sóc 1,2 mẫu ao nuôi cá rô đồng của gia đình |
Với gia đình anh Lê Sỹ Điều, thôn Tràng, xã An Tràng, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) dù vẫn kết hợp nuôi một số cá truyền thống: trắm cỏ giống, trắm cỏ thịt, rô phi, diêu hồng... nhưng với anh nuôi cá rô đồng vẫn cho thu nhập cao hơn.
Trong 4 mẫu vườn và ao, anh Điều dành 3 mẫu để nuôi cá các loại. Theo anh, nuôi cá rô đồng không khó nhưng cá cũng rất dễ mắc bệnh. Ngoài việc chọn con giống từ những địa chỉ có uy tín, quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi thời tiết, nhất là sau mưa nước ao sẽ có nhiều axit cá dễ bị mắc bệnh.
Thông thường cá rô hay mắc các bệnh: nấm ngoài da, nấm mang, bệnh đầu đen, do vậy việc theo dõi và khử khuẩn nước là rất quan trọng.
Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật và làm tốt khâu khử khuẩn nguồn nước, nuôi cá rô đồng cho giá trị kinh tế rất cao, 1 sào ao nuôi cá rô như năm nay cho thu nhập từ 60 triệu đồng trở lên, cao hơn nhiều so với nuôi các loại cá truyền thống.
Xã An Tràng hiện có trên 20 hộ nuôi cá rô đồng với diện tích 6ha. Khoảng 4 năm nay, mô hình nuôi cá rô đồng thương phẩm mới phát triển mạnh ở vùng quê này. Những năm trước, người nuôi cá rô đồng nuôi khoảng 8 - 10 tháng mới cho thu hoạch.
Hiện nay, với hình thức nuôi thâm canh chỉ từ 4 - 5 tháng đã cho thu hoạch. Dù nuôi với hình thức công nghiệp nhưng với đặc tính riêng nên thịt cá rô vẫn bảo đảm chất lượng và được thị trường ưa chuộng.
Ông Nguyễn Hữu Lương, Giám đốc HTX DVNN xã khẳng định: Nuôi cá rô đồng để phát triển kinh tế là cách làm không mới nhưng giá lại cao hơn rất nhiều so với nuôi một số loại cá truyền thống.
Qua khảo sát nuôi cá rô đồng từ một số hộ đã thu hoạch từ đầu năm đến nay, trung bình 1 sào ao có thể thu lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng, bà con nhân dân rất phấn khởi. Hiện nay, địa phương đang khuyến khích các hộ nông dân tiếp tục tận dụng diện tích mặt nước để nuôi cá rô đồng, mang lại lợi nhuận trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) hiện có 25ha nuôi cá rô đồng, tập trung chủ yếu tại một số xã: Đông Hải, An Dục, An Tràng..., sản lượng mỗi năm đạt hơn 1.700 tấn.
Để nâng cao giá trị, một số địa phương đã hình thành cơ sở chế biến cá rô đồng cung cấp nguồn nguyên liệu cho các quán canh cá từ đó hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ nuôi đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đỗ Tiến Công, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) cho biết: Với những lợi thế từ việc nuôi cá rô đồng, thời gian tới, huyện cùng với các địa phương tiếp tục tạo điều kiện trong việc chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, hỗ trợ người dân kỹ thuật để nâng cao giá trị diện tích đất sử dụng, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.