Nâng cao giá trị cây chè
Sinh năm 1975, tại Hà Nội, nhưng lại gắn bó với vùng đất chè Khe Cốc từ khi 5 tuổi (theo gia đình đi xây dựng kinh tế mới), nhưng phải đến năm 2011 ông Tô Văn Khiêm mới tập trung phát triển kinh tế từ cây chè theo hướng hữu cơ.
Trước khi quyết định trở về gắn bó với chè, ông Khiêm cũng đã trải qua nhiều nghề và đó cũng là quãng thời gian quan trọng để anh được đi đây, đi đó, biết nhiều đến sản xuất, chế biến, bán hàng… từ cây chè và sản phẩm trà chất lượng cao ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành trên cả nước. Cũng từ những chuyến đi đó ông đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu để về phát triển vùng chè Khe Cốc ở quê hương, đặc biệt là phải sản xuất chè theo hướng hữu cơ mới thì mới thực sự bền vững.
Vùng chè Khe Cốc có tiểu vùng khí hậu khá đặc biệt biệt, luôn có sương mù vào tất cả các mùa trong năm; vào lúc bình minh và chiều muộn đều có một lớp sương nhẹ… Đây là những điều kiện rất lý tưởng để phát triển cây chè.
Vì vậy nhiều năm qua người dân Khe Cốc đã tận dụng tốt những lợi thế này để trồng và phát triển cây chè nhưng vẫn manh mún theo kiểu mạnh ai người đấy làm, vì vậy mà giá trị kinh tế từ cây chè đem lại không cao.
Từ những năm 2011, sau khi quyết định gắn bó với cây chè quê hương, ông Khiêm đã vận động bà con nông dân trồng và phát triển cây chè theo hướng hữu cơ để đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Khiêm cho hay, thay đổi sản xuất chè truyền thống phụ thuộc vào thuốc hoá học từ nhiều năm trước đây để chuyển sang áp dụng mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ là cả một quá trình gian nan và vất vả, không chỉ có lời nói mà phải bằng những việc làm cụ thể. Chính vì vậy trên diện tích chè sẵn có của gia đình, ông đã tự đi mua phân chuồng về ủ với nấm đối kháng trichoderma để bón cho cây chè 3 lần mỗi năm, thay thế hoàn toàn phân hóa học và không dùng thuốc trừ cỏ…
Tranh thủ các buổi họp xóm, ông Khiêm đều vận động bà con cùng làm chè an toàn theo VietGAP, hữu cơ. Nhân công được thuê tới để làm chè cho gia đình, đều được ông chia sẻ về kỹ thuật và lợi ích khi trồng chè theo hướng hữu cơ sẽ an toàn cho con người và môi trường xung quanh. Cùng với đó ông đã vận động 31 hộ gia đình thành lập Tổ sản xuất chè an toàn.
Mô hình sản xuất chè an toàn của ông Khiêm và Tổ sản xuất chè an toàn đã nhanh chóng thu quả ngọt: Từ khi áp dụng sản xuất chè theo hướng hữu cơ sản lượng chè không những không giảm, mà giá bán lại cao hơn 30.000 - 50.000 đồng/kg; ngày công bỏ ra chăm sóc chè và chi phí phân bón giảm 50-80%; đất đai trồng chè thì ngày càng màu mỡ, giàu mùn ẩm, giun và côn trùng sinh sôi, phát triển… Đặc biệt những người trồng chè đã được làm việc trong không gian không hoá chất hoá học từ đó sức khoẻ đã ngày càng được đảm bảo.
Trà Khe Cốc chinh phục thị trường trong và ngoài nước
Để nâng cao giá trị cây chè và các sản phẩm trà, từ năm 2018, ông Khiêm đã cùng các thành viên của Tổ sản xuất chè an toàn thành lập Hợp tác xã (HTX) Chè an toàn Khe Cốc và trở thành là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Hiện nay HTX đang thực hiện giúp bà con nông dân chuyển đổi từ chè VietGAP, chè sản xuất thông thường sang sản xuất chè an toàn, hữu cơ.
|
Ông Tô Văn Khiêm, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. (Ảnh KN Thái Nguyên) |
HTX đã đứng ra trở thành tổ chức đại diện cho các thành viên và các hộ trồng chè tại địa phương để thực hiện liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm… Dưới sự dẫn dắt của HTX, hiện nay, các thành viên và người dân địa phương đang sản xuất chè theo hướng hữu cơ ngày càng kinh tế khá giả hơn.
Hiện nay, vùng nguyên liệu chè của HTX Chè an toàn Khe Cốc có gần 100ha, trong đó có 20ha đã được chứng nhận hữu cơ và 30ha đang được tiếp tục chuyển đổi sang tiêu chuẩn hữu cơ.
Bên cạnh việc phát triển ổn định vùng chè sạch theo hướng hữu cơ, HTX Chè an toàn Khe Cốc còn đẩy mạnh đầu tư nâng cấp: Nhà xưởng, trang bị máy móc, thiết bị, phát triển mẫu mã bao bì, đóng gói... thực hiện mô hình sản xuất chè khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. HTX Chè an toàn Khe Cốc đang sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 12 – 13 sản phẩm trà khác nhau với giá bán dao động từ 500 nghìn đồng–1,2 triệu đồng/kg. Trong đó, tập trung vào 5 dòng sản phẩm chính: Trà đinh, trà tôm nõn, trà móc câu, matcha trà xanh và trà túi lọc. Nhiều sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận OCOP và đạt nhiều danh hiệu như: Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất và chế biến an toàn nên giá trị sản phẩm chè của HTX không ngừng được nâng lên, lợi nhuận bình quân đạt tới 250-300 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay HTX đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 6 lao động thường xuyên và 25–30 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 6–9 triệu đồng/người/tháng.
Với chất lượng được đảm bảo hiện thị trường tiêu thụ sản phẩm trà của HTX đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng…
Đặc biệt năm 2019 HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp tại Ba Lan (với 3 sản phẩm kẹo trà xanh, matcha trà xanh và trà túi lọc sang thị trường châu Âu). Năm 2022 HTX đã xuất khẩu trà sang thị trường Cộng hòa Séc hơn 10 tấn trà búp khô. Trong năm 2023, HTX tiếp tục kết nối với thị trường Mỹ để đàm phán và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Với những đóng góp của mình trong việc phát triển cây chè và các sản phẩm trà, năm 2023 ông Tô Văn Khiêm đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc.