|
Ảnh minh họa/internet |
Tìm hiểu về thực trạng bỏ ruộng ở các tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình nhận thấy, nguyên nhân chính là: Do diện tích canh tác nhỏ lẻ, manh mún. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thủy lợi...) chưa đồng bộ. Sản xuất phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Lao động nông nghiệp bị thiếu hụt do xu thế chuyển dịch từ nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất nông nghiệp cao, trong khi lợi nhuận, thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp và nhiều bấp bênh.
Chính vì vậy, họ chọn đăng ký đi làm ở các nhà máy, xưởng sản xuất tư nhân hoặc tham gia vào các loại hình cung cấp dịch vụ cho giá trị thu nhập đều hơn, cao hơn. Đặc biệt, do biến đổi khí hậu, do giá trị từ sản xuất nông nghiệp của nông dân thấp hơn so với các lĩnh vực kinh tế khác nên không thu hút được lao động. Các loại dịch vụ làm đất, gặt hái và chi phí vật tư nông nghiệp gồm phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... khá đắt đỏ nên giá trị công lao động trong sản xuất nông nghiệp không cao.
Thực tế các địa phương nông thôn vùng Đồng bằng Bắc Bộ nhận thấy, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi trồng lúa sang các loại cây trồng khác như cây ăn quả có múi, cây cảnh, rau hoặc nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi nhưng giá trị thu nhập cũng không cao và ổn định vì khủng hoảng thừa, nhu cầu tiêu thụ hạn chế và dịch bệnh.
Thay vì sản xuất nông nghiệp tại địa phương như trước đây, nhiều gia đình đã chọn giải pháp cho con em đi làm công nhân, tham gia vào cung cấp các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu xã hội, canh tác lúa hạn chế, chỉ cung cấp đủ lương thực cho gia đình. Nhiều người kéo ra thành phố và các khu đô thị lớn để mưu sinh, trong đó phổ biến là làm các công việc phổ thông, nặng nhọc trong nghề xây dựng, đã khiến cho mật độ dân số khu vực đó tăng lên. Đây là nguyên nhân trực tiếp tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn cho xã hội mà phổ biến nhất là hiện tượng kẹt xe, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tệ nạn xã hội...
Đất bỏ hoang nhưng không dễ để thuê được
Mặc dù, theo Luật Đất đai, đất trồng cây hằng năm nếu không được sử dụng liên tục trong 12 tháng sẽ bị thu hồi. Chính quyền các địa phương đã tổ chức rà soát để thu hồi những diện tích đất bỏ hoang. Tuy nhiên, việc làm này cũng không đơn giản, bởi thực chất người dân vẫn tổ chức sản xuất, cho dù chỉ là một vụ hoặc trong thời gian ngắn.
Mặc dù không có nhu cầu sản xuất hoặc không còn mặn mà với đồng ruộng nhưng nông dân vẫn muốn giữ ruộng, e ngại khi cho doanh nghiệp thuê đất. Nhiều hộ dân muốn giữ đất để tự chủ một phần lương thực, nhưng cũng có một bộ phận người dân mang tâm lý sợ mất ruộng, chờ cơ hội để được đền bù khi có dự án. Mặt khác, người dân cho rằng giá thành thuê đất còn thấp trong khi thời gian thuê dài. Nhà nước cần nghiên cứu tạo ra một cơ chế, quy định thuê đất giữa nông dân và doanh nghiệp để đôi bên cùng có lợi, sửa đổi, điều chỉnh quy định về định giá đất, khung giá đất phù hợp với thực tế từng địa phương.
Theo giải thích của người dân và chính quyền địa phương một số nơi: Mặc dù vụ hè thu không sản xuất thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình, bởi người dân không sản xuất nông nghiệp thì làm các ngành nghề công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Thậm chí, thu nhập tính ra còn cao hơn so với sản xuất nông nghiệp. Nhưng điều băn khoăn của chính quyền địa phương đó là nguồn lực đất đai, hiệu suất sử dụng đất bị lãng phí.
Chính quyền địa phương các cấp cũng đã khuyến khích người dân, doanh nghiệp triển khai mô hình liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu sản phẩm, gieo trồng kết hợp với chế biến. Huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm tại nhiều xã như: Diễn Liên, Diễn Phong, Diễn Thành.
Theo đó, các hợp tác xã đứng ra làm khâu trung gian, các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng cho người dân, sau đó sẽ thu mua nông sản. Mục đích của những mô hình này là sản xuất có hiệu quả, có lợi nhuận để người dân tích cực canh tác, không bỏ hoang ruộng đồng. Tuy nhiên, những mô hình này số lượng còn khá khiêm tốn và đa phần thực hiện ở những diện tích đất sản xuất hoa màu.
Trong khi người dân không mặn mà sản xuất nông nghiệp nhưng nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp muốn thuê đất hoặc liên kết sản xuất thì lại rất khó khăn. Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời-một trong những đơn vị chuyên liên kết sản xuất theo chuỗi, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp trong cả nước-cũng đã tích cực tìm về các địa phương của Nghệ An liên kết sản xuất hoặc thuê lại diện tích đất nông nghiệp bỏ trống để cải tạo đồng ruộng, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Đất đai manh mún, phân mảnh quá nhiều khiến doanh nghiệp khó đạt đồng thuận của tất cả các hộ nông dân. Chỉ cần vài hộ không đồng tình hoặc phá vỡ hợp đồng thì dự án đầu tư nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Hay như Công ty Cổ phần An An Agri (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm mì rau củ hữu cơ, đang muốn mở rộng vùng nguyên liệu cũng không hề dễ dàng. Chị Đặng Thị Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần An An Agri cho biết: “Hiện nay, đất để trồng nguyên liệu chúng tôi đang thuê của Nhà nước, liên kết với nông dân được ký kết từng năm một nên rất bấp bênh. Thời gian tới, chúng tôi cần thêm 50ha đất cho vườn trồng nguyên liệu lúa gạo, rau, củ nhưng muốn thuê được diện tích đất rộng, lâu dài để đầu tư sản xuất, chế biến là rất khó”.
Hiệu quả từ mô hình đại điền “liên kết 3 nhà”
Không còn ai xa lạ gì tình trạng ruộng bị bỏ hoang tràn lan ở Hải Phòng, có những xã chỉ hơn 100ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng có đến 100ha bị bỏ hoang. Để giải quyết bài toán này, cơ quan quản lý nhà nước và nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp, cùng ngồi lại với người dân để cùng tìm cách tháo gỡ và cách tốt nhất là để người dân “yêu ruộng” trở lại.
Thực tế hóa chủ trương này, để đảm bảo sản xuất hiệu quả và đầu ra nhằm khuyến khích người dân tham gia sản xuất, vụ xuân 2023, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã lựa chọn và thí điểm các mô hình liên liên kết giữa 3 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà nước) để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tại huyện Vĩnh Bảo, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai mô hình sản xuất lúa được chọn tại hộ ông Trần Mạnh Hùng, xã Trấn Dương với quy mô 5ha, cán bộ khuyến nông được giao bám sát mô hình ngay từ khi làm đất đến thu hoạch và người dân được giới thiệu ký hợp đồng với Công ty An Đình từ đầu vụ với giá là 6.500đ/kg nên hộ.
Ngay từ đầu vụ, cán bộ Trung tâm Khuyến nông đã tư vấn, khuyến cáo, hướng dẫn kỹ thuật cho chủ hộ thay đổi thói quen, tập quán từ việc thay đổi giống lúa, quy trình sản xuất như làm đất, bón phân, điều tiết nước, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)...Doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã thống nhất giá thu mua ngay từ đầu vụ, có quy trình kỹ thuật hướng dẫn chủ hộ ngay từ đầu vụ cam kết thực hiện tuân thủ theo quy trình đặc biệt là việc sử dụng thuốc BVTV để đảm bảo chất lượng xuất khẩu.
Ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ, các vụ trước đây gia đình tập trung sản xuất giống lúa nếp, năng suất tối đa đạt 4,4 tấn/ha, có vụ chỉ đạt 3,3tấn/ha, thường phải phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn đến 3 lần/vụ và cây hay bị đổ khi có mưa đặc biệt vào vụ mùa giai đoạn thu hoạch, dễ bị cháy rầy. Bên cạnh đó, thị trường thu mua bấp bênh không ổn định, với 1 ha canh tác, gia đình chỉ thu về được khoảng 30-40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được giao động từ 3-13 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, sau khi tham gia mô hình với giống lúa mới, đã thể hiện được các ưu điểm nổi trội như: khả năng chống chịu điều kiện thời tiết tốt, không bị đạo ôn, cứng cây, chống đổ tốt, năng suất đánh giá đạt 7,6 tấn/ha, tổng thu đạt 49,6 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 15,3 triệu đồng/ha.
“Trước đây tôi sản xuất thuần túy và hiệu quả sản xuất thường không cao nhưng sau khi tham gia mô hình, qua trao đổi tôi thấy mình làm chưa đúng theo nguyên tắc phát triển cây lúa và đã có sự thay đổi tư duy về sản xuất. Năm đầu tiên dù chưa được như mong muốn do chất đất kém nhưng cái này khắc phục được. Chúng tôi đang lập câu lạc bộ đại điền Hải Phòng, tôi khẳng định, người dân nên làm theo mô hình này, vì ổn định đầu ra đảm bảo, năng suất tốt, giá trị hạt thóc cao”, ông Hùng bày tỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Đam – Giám đốc TTKN Hải Phòng cho biết, thời gian qua đơn vị đã triển khai các mô hình đại điền, liên kết 3 nhà “nhà nông, nhà nước và nhà doanh nghiệp” trên địa bàn 6 huyện ở Hải Phòng với mong muốn của đơn vị là qua mô hình người dân sẽ tìm được cách sản xuất tốt, hiệu quả nhất.
Quá trình triển khai, phía doanh nghiệp cần lên kế hoạch chi tiết từ đầu các khâu như làm đất, phun thuốc, tiêu thụ. Các bên phối hợp rất chặt chẽ giữa các để đạt hiệu quả tốt nhất. Các giống lúa được lựa chọn để triển khai các mô hình cho năng suất cao, sinh trưởng khỏe, khả năng chống đổ tốt, cứng cây, chắc mạ, rễ trắng đẹp, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
“Các giống lúa được chọn lọc kỹ càng, không bị đạo ôn, trong khi lúa khác phải phun 4 lần, dù bị mưa nhưng không bị mọc mầm và chi phí bình quân chỉ 70 nghìn đồng cho 1 sào canh tác. Bình thường giá không ổn định nhưng tham gia mô hình người dân không còn lo vấn đề này. Thông quan mô hình, nếu được nhân rộng sẽ giải quyết tình trạng bỏ ruộng, tháo gỡ tắc nghẽn trong sản xuất”, ông Đam chia sẻ.
Thông qua mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, đã tư vấn thành lập câu lạc bộ đại điền với số thành viên là 40 người có diện tích trên 600ha, đại điền nhiều nhất là 50ha, ít nhất là 4 ha. Với mô hình triển khai tại xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, đánh giá bước đầu cho thấy, giống lúa được triển khai tại mô hình cho thấy sinh trưởng, phát triển khỏe; không bị nhiễm đạo ôn, sâu đục thân, rầy nên giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giúp cho hạn chế ô nhiễm môi trường và sức khỏe người sản xuất.
Mô hình liên kết sản xuất lúa hàng hóa theo liên kết chuỗi giá trị phục vụ xuất khẩu mới chỉ là thí điểm trong vụ xuân với quy mô nhỏ 5ha/1.263,6 ha các đại điện tích tụ ruộng đất trên cả thành phố Hải Phòng. Theo định hướng phát triển nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.
Để triển khai, nhân rộng mô hình ra vụ tiếp theo, trước mắt là vụ mùa năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã đề nghị thành phố Hải Phòng bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình này cho các đại điền với diện tích từ 200-300ha. Trên cơ sở này, Sở NN-PTNT cũng chỉ đạo Trung tâm tiếp tục tư vấn thành lập các HTX đại điền, câu lạc bộ đại điền nhằm tích tụ ruộng đất, giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang, tháo gỡ những điểm nghẽn trong sản xuất lúa hiện nay là nhỏ lẻ, manh mún; khó tổ chức sản xuất, khó ứng dụng cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Kiến nghị thu hồi và quản lý đất nông nghiệp bỏ hoang
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); trong đó, đã đưa ra một số chính sách về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp và dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp.
Mục tiêu nhằm tăng quy mô diện tích đất sản xuất nông nghiệp, gắn với quy hoạch lại giao thông, thuỷ lợi nội đồng; tiến tới tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, liên kết sản xuất, tiêu thụ và hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất.
Bên cạnh các giải pháp về quản lý đất nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc thực hiện nghiêm túc Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là cần thiết.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sẽ bị xử phạt tiền.
Chủ thể còn được yêu cầu sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.
Căn cứ theo quy định pháp luật, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội) chỉ đạo sở ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân, đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng đất nông nghiệp, tránh tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai (để đất nông nghiệp bị bỏ hoang) và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để quản lý hiệu quả đất nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý sử dụng đất trồng lúa, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP. Cùng với là Nghị định số 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác để hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả.
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, trên cơ sở các nghị định của Chính phủ, hàng năm, Bộ NN&PTNT phối hợp với các tỉnh, TP tiến hành rà soát, ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Mục đích nhằm tạo điều kiện cho người dân linh hoạt, chủ động trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tăng thu nhập cho người sản xuất.
“Năm 2023, cả nước dự kiến thực hiện chuyển đổi khoảng 146.460ha cây trồng trên đất lúa. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm là gần 79.882ha, cây lâu năm là hơn 24.854ha, và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thuỷ sản vào khoảng 16.869ha…” - ông Nguyễn Như Cường thông tin thêm.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là khu vực có diện tích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa lớn nhất của cả nước trong năm 2023 với gần 85.978ha. Tiếp đến là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với hơn 17.915ha, vùng Đồng bằng sông Hồng (14.637ha), vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (hơn 10.688ha)…
Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan, việc xử lý đất nông nghiệp bỏ hoang đã được quy định rất rõ trong Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tại Điều 32, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP nêu rõ: Hành vi không sử dụng đất trồng cây hằng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục, mà không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sẽ bị xử phạt tiền. Trong trường hợp đã bị xử phạt, mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai.
|