Nỗ lực nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu
14:50 - 06/10/2023
Để nâng cao giá trị hàng xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tìm giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, xuất khẩu nông sản.

Nỗ lực của doanh nghiệp

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, xuất khẩu nông sản chịu nhiều ảnh hưởng khi sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực bị giảm sút. Tuy nhiên, nông sản vẫn là nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD tới nhiều thị trường lớn trên thế giới, nên vẫn còn nhiều tín hiệu tích cực. Chẳng hạn như cà phê, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê giảm 5,4% về lượng nhưng tăng 3,1% về kim ngạch và tăng 8,9% về giá so với cùng kỳ năm 2022 khi đạt trên 1,2 triệu tấn, tương đương gần 2,96 tỷ USD, giá trung bình 2.463 USD/tấn.
 

Chia sẻ về nỗ lực của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Hoài Trinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH G20 Coffee Việt Nam (Đắk Lắk) cho biết, cùng với trồng cà phê, Công ty còn kết hợp trồng cả tiêu để xen canh, tận dụng quỹ đất và năng lực của người nông dân. Với những loại cây này, thay vì cách làm truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thời tiết như trước kia, Công ty đã áp dụng công nghệ, kỹ thuật từ việc làm hoa đậu trái, đến phòng ngừa bệnh giúp cây khỏe, phát triển tốt. Đến khi sau thu hoạch, Công ty cũng sử dụng máy móc tiên tiến để thực hiện các quy trình bảo quản, chế biến, sử dụng mã vạch, mã QR để truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm đã đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
 

Tương tự, một doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu rau quả sấy khô chia sẻ, tiêu chuẩn của người tiêu dùng quốc tế ngày càng khắt khe nên doanh nghiệp không những phải tìm tòi cải tiến mẫu mã mà phải tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các khâu sản xuất để làm ra sản phẩm chất lượng. Các sản phẩm của doanh nghiệp này được đóng gói theo dây chuyền hiện đại, mẫu mã bắt mắt, thông tin rõ ràng, có mã vạch để truy xuất nguồn gốc… Thậm chí, doanh nghiệp còn xây dựng dữ liệu hệ sinh thái khách hàng và thói quen sử dụng sản phẩm, nhu cầu của đối tác để đánh giá thị trường, hướng đến phục vụ khách hàng được tốt hơn.
 

Ngoài ra, nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp đã và đang triển khai hết sức hiệu quả. Chẳng hạn như các doanh nghiệp đã phát triển được công nghệ nuôi tôm hùm trong bể với hệ thống tuần hoàn bằng thức ăn công nghiệp; sử dụng hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới tích hợp nhiều công nghệ cao trong trồng trọt; ứng dụng BigData, IoT, AI trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng, truy xuất nguồn gốc; ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất, tự động hóa và chế biến sâu sau thu hoạch…
 

Vì thế, hiện các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là tại những thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo ông Ywert Visser, Thành viên Tiểu ban thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam – EuroCham), nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu đã tăng lên đáng kể từ khi EVFTA có hiệu lực năm 2020.
 

“Sự thành công này được xác định là không chỉ thông qua số lượng sản phẩm đưa vào thị trường mà còn thông qua mức độ các sản phẩm này có thể đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường nhập khẩu”, ông Ywert Visser nêu rõ.
 

Sức ép cạnh tranh

Báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, quá trình hội nhập quốc tế làm gia tăng cạnh tranh. Việt Nam đã ký kết tham gia và đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tham gia FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI (đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp, đây là một thách thức lớn đặt ra, xu hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường.
 

Với lợi ích thu được từ Hiệp định, nhất là những ưu đãi về thuế quan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia khác sang Việt Nam, gây áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước. Khi đó nông sản trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm.
 

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, một trong những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế

Quá trình hội nhập làm thu hẹp một số lĩnh vực sản xuất có khả năng cạnh tranh thấp. Các nước đang phát triển mạnh sản xuất nông sản với chất lượng cao cũng trở thành đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu gạo như Campuchia, Myanmar; xuất khẩu thủy sản như Ấn Độ, Mexico, Indonesia.
 

Đề cập về yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng nông sản xuất khẩu ngày càng cao, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, thị trường tiêu dùng hàng nông sản hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội đòi hỏi các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được khai thác hợp lý; từ đó đưa ra các tiêu chuẩn tương ứng về nguồn gốc sản phẩm như thủy sản, rau quả, gỗ...
 

Các quốc gia và người tiêu dùng trên thế giới đang đặt mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải carbon. Nông sản Việt Nam đối mặt với nguy cơ chịu mức thuế đối với sản phẩm có mức phát thải lớn. Đây cũng là một trong những thách thức với xuất khẩu nông sản Việt Nam trong khi hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bắt đầu quá trình đổi mới để thích ứng được với bối cảnh mới.
 

“Nông sản sẽ đối mặt với nhiều rào cản thương mại, chính sách nhập khẩu của các nước với những yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và xã hội” – ông Trần Thanh Hải lưu ý.
 

Ứng dụng công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn cao

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành nông nghiệp phát triển theo chuỗi, chế biến để đảm bảo những tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
 

Đặc biệt, công nghệ được xác định là giải pháp quan trọng giúp tăng giá trị cũng như nâng cao thị phần của nông sản của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
 

TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho rằng, nhằm đảm bảo các quy định về kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn về chất lượng, yêu cầu về môi trường, doanh nghiệp cần đáp ứng các yêu cầu về công nghệ sản xuất hàng nông sản xuất khẩu.


“Doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại song song với ứng dụng nền tảng số, công nghệ số vào quy trình sản xuất, kinh doanh. Đây là một thách thức nhưng cũng là điều kiện để tạo ra năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam” – TS Nguyễn Văn Hội nêu quan điểm.
 

Nhấn mạnh về giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Phạm Đức Nghiệm khuyến nghị, cần tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ nông nghiệp với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Cùng với đó, xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 

Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã nên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp thông minh, quản trị quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản xuất, quy mô hàng hoá.
 

Ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nuôi trồng, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu được các chuyên gia nhìn nhận là hết sức cần thiết nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Ông Phạm Đức Nghiêm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học, công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, một trong những nguyên nhân là cơ chế, chính sách khuyến khích chưa đáp ứng kịp thời, cụ thể, chưa có chính sách thực sự hấp dẫn để thu hút được nhiều doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao công nghệ; chưa có chính sách hỗ trợ về đầu tư mạo hiểm; chính sách tín dụng chưa hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
 

Trước những vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách khuyến khích từ công nghệ, nhân lực đến tài chính; đồng thời phải xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp, tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ nông nghiệp với các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Các doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao trình độ, năng lực để nhanh chóng tiếp nhận, vận hành các công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp./.

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn