Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa xác định phát triển nông nghiệp nói chung và bảo đảm an ninh lương thực nói riêng luôn là nhiệm vụ căn bản, là một trong những chương trình trọng tâm, trụ đỡ cho phát triển kinh tế, làm giàu cho nông dân. Để làm được điều đó, việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, bảo vệ được môi trường sinh thái… là những mục tiêu mà ngành nông nghiệp tỉnh đang hướng đến.
|
Thu hoạch lúa ở Thanh Hóa |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa Hoàng Viết Chọn cho biết: “Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị chung tay, góp sức phát triển nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nên đã đạt được những kết quả phấn khởi”.
Hiện nay, sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt 1,585 triệu tấn, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,6%, tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 97%, 359 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 xã kiểu mẫu, 391 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng.
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh bình quân 3 năm gần đây đạt 3,42%/năm; quy mô giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt hơn 36,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3.667 tỷ đồng so năm 2020. Đặc biệt, cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản có những chuyển biến tích cực: Nông nghiệp giảm từ 69,1% năm 2020 xuống 67,2% năm 2023; lâm nghiệp tăng từ 7,9% lên 9,2%; thủy sản từ 23% lên 23,6%; quy mô ngành chăn nuôi trong tốp đầu cả nước- Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Đặc biệt, Thanh Hóa xác định an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng và thiết thực nên đã quan tâm thực hiện trong giai đoạn vừa qua bằng những quyết định, kế hoạch phù hợp. Nổi bật như Quyết định số 622-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 220-KH/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030…
Qua đó đã huy động được cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn.
Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ hơn 2.500 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp, qua đó giúp hạ tầng sản xuất được hoàn thiện, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi, dịch vụ sản xuất, chế biến được nâng lên, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh được mở rộng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Viết Chọn, đến nay toàn tỉnh đã hình thành vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng cao với diện tích 75 nghìn ha, vùng ngô thâm canh gần 20 nghìn ha. Trên địa bàn có 7 nhà máy chế biến lúa gạo, 19 doanh nghiệp sản xuất phân bón.
Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) Trần Văn Tân cho biết: “Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi chọn cách liên kết với bà con nông dân nhằm tạo việc làm ổn định cũng như bảo đảm nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy sản xuất. Hiện nay mỗi hộ dân trong vùng liên kết của doanh nghiệp trồng 5 đến 7 sào, trừ chi phí người dân có thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng".
Nhằm tạo điều kiện cho phát triển vùng nguyên liệu, hiện nay tại 11 huyện chúng tôi đã thành lập ở mỗi huyện một hợp tác xã để vận động người dân có đất tham gia vào hợp tác xã trồng rau má, tía tô, diếp cá… Mặt khác chúng tôi đang quy hoạch ở hai huyện là Bá Thước và Lang Chánh xây dựng vùng trồng nguyên liệu cây bồ công anh để xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc- Ông Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới
Mặc dù vậy, sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa hiện nay gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn, nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Ngoài ra thiên tai, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cũng như gây thiệt hại đối với bà con nông dân.
Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh với tổng sản lượng lương thực khoảng hơn 1,5 triệu tấn, trong đó khoảng 455 nghìn tấn được mua bán, trao đổi trên thị trường tự do dẫn đến giá trị gia tăng chưa cao, chưa hình thành được các chuỗi chế biến và tiêu thụ quy mô lớn…
Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa Hoàng Viết Chọn, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị.
Trong đó, trồng trọt hướng đến sản xuất hàng hóa, quy mô lớn gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung để nâng cao hiệu quả sản xuất; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, tỉnh cũng hướng đến phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gia tăng; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đặc sản.
Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường; áp dụng nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển quy mô lớn, công nghệ cao, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ dân để tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao…