Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn: Nông dân Hà Nội phát triển nông nghiệp đô thị, nông thôn mới thông minh
16:40 - 22/09/2023
Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 – 2028, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội. 
  

Xuất hiện nhiều cán bộ Hội Nông dân tâm huyết, nhiều hội viên, nông dân xuất sắc

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chúc mừng, ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích trong công tác Hội và phong trào nông dân mà Hội Nông dân TP Hà Nội đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
 

Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn tặng hoa chúc mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân TP Hà Nội lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Ảnh: Viết Thành

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh: Nhiệm kỳ 2018-2023, trước ảnh hưởng, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền Thành phố, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự chủ động, nỗ lực cố gắng của mỗi cán bộ, hội viên, nông dân, công tác Hội và phong trào nông dân Thành phố nhiệm kỳ qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
 

Các cấp Hội đã thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; hưởng ứng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
 

Các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân Thành phố khóa IX đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Từ thực tiễn phong trào đã xuất hiện nhiều tổ chức Hội xuất sắc, nhiều cán bộ Hội tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công tác Hội và phong trào nông dân; nhiều hội viên, nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và các phong trào thi đua yêu nước được biểu dương, tôn vinh; nhiều cách làm mới có hiệu quả được nhân rộng.
 

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi để hội nhập nhanh với nền kinh tế quốc tế, không giống như các ngành sản xuất khác có thể dễ dàng chuyển đổi phương thức sản xuất thì ở ngành nông nghiệp, sự chuyển dịch lên hiện đại có sự khó khăn rất lớn. Việc chuyển dịch ngành Nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại, đòi hỏi cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng lao động nông thôn, nhất là nâng cao năng lực trình độ, ý thức trách nhiệm và khát khao của nông dân.
 

Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân, Hội Nông dân có vai trò quan trọng trong việc tổ chức vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
 

Hội Nông dân TP Hà Nội tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới
 

Tại Đại hội, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm Hội Nông dân thành phố Hà Nội tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ mới 2023 – 2028.
 

Thứ nhất, đối với công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng: Với vị trí là trung tâm chính trị của đất nước, các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội cần tuyên truyền, phổ biến nhanh nhất, sâu rộng nhất, kịp thời nhất đến đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…


Thứ hai, trong công tác xây dựng củng cố tổ chức Hội Nông dân các cấp, Hội Nông dân thành phố cần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động. Rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo số lượng, chất lượng, nhất là đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở.
 

Hội Nông dân TP Hà Nội cần quan tâm xây dựng đội ngũ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp đủ năng lực, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 

Hội Nông dân cần chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp quan tâm bố trí cán bộ là cấp ủy viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, am hiểu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, gắn bó, tâm huyết, có kinh nghiệm thực tiễn vận động quần chúng để giữ vị trí người đứng đầu Hội Nông dân các cấp; tạo điều kiện cho cán bộ Hội được trưởng thành ở các môi trường công tác Đảng, chính quyền.
 

Tập trung phát triển mạnh hệ thống chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các Câu lạc bộ của nông dân. Đa dạng hóa hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả. Hội Nông dân Thành phố cần đi đầu trong ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý hội viên.
 

Thứ ba, tập trung tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân. Hội Nông dân thành phố cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, hàng hoá, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thiết lập mã số vùng trồng, đăng ký, bảo hộ thương hiệu hàng hoá nông sản, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm; hỗ trợ nông dân tiếp cận phương thức thương mại điện tử, tham gia các sàn giao dịch thương mại nông sản.
 

Các cấp Hội Nông dân cần tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề cho hội viên, nông dân gắn với giải quyết việc làm, nhu cầu lao động của thị trường; chuyển giao khoa học, kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân.
 

Nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân Thành phố; nhân rộng và nâng cao hiệu quả mô hình Hội Nông dân tín chấp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng dư nợ với các ngân hàng, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn vay.
 

Thứ tư, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tích cực hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng. Vận động nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát huy tính nhân văn, tính gắn kết cộng đồng, trách nhiệm xã hội của nông dân, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị.
 

Hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới thông minh, ứng dụng công nghệ số, thí điểm xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh; nông nghiệp kết hợp công nghiệp, nông nghiệp kết hợp dịch vụ; nông nghiệp đô thị theo hướng "thành phố xanh", "khu đô thị sinh thái".
 

Thứ năm, trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cần chủ động tham gia ngay từ đầu và trực tiếp đối với các nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức và liên kết, hợp tác với các giai tầng khác. 
 

Hội Nông dân cần nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội; đổi mới việc tập hợp ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nông dân theo hướng đi sâu, đi sát, khơi dậy ý thức làm chủ của hội viên, nông dân; nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp với hội viên.

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn