Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn gợi mở 5 vấn đề trong công tác Hội, phong trào nông dân ở Đồng Nai
Dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai lần thứ X nhiệm kỳ 2023-2028, ngày 19/9, ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gợi mở 5 nội dung quan trọng trong công tác Hội và phong trào nông dân ở Đồng Nai.
Công tác Hội và phong trào nông dân cần tham gia tích cực để giải quyết nhiều vấn đề đặt ra
Ngày 19/9, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai lần thứ X nhiệm kỳ 2023-2028 bước vào phiên toàn thể. Báo cáo kết quả phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai khóa X, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, Đại hội đã Bầu Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai khóa X gồm 28 ủy viên.
Đại hội cũng bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 12 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và tỉnh Đồng Nai. Đại hội cũng là dịp để ghi nhận ý kiến chính đáng, các tâm nguyện gửi gắm của cán bộ, hội viên, nông dân để Hội Nông dân tiếp tục hoàn thành vai trò, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.
Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, cho biết, trong nhiệm kỳ qua, tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp. Nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là sự chủ động, nỗ lực cố gắng của cán bộ, hội viên, nông dân, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Đồng Nai đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo Chủ tịch Lương Quốc Đoàn, trước mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập, công tác Hội và phong trào nông dân cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng còn nhiều vấn đề đặt ra, cần tham gia tích cực để giải quyết.
Đó là, trong quan hệ sản xuất, nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế, hầu như chưa được đưa ra các quyết định trong chuỗi sản xuất. Trong khi đó, thách thức trong sản xuất nông nghiệp rất gay gắt, mức độ rủi ro cao.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đổi mới cách thức sản xuất trong nông dân còn chậm; năng suất, chất lượng, giá trị nhiều mặt hàng nông sản còn thấp; liên kết 4 nhà chưa chặt chẽ.
Việc phát triển nông thôn thiếu quy hoạch; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế; môi trường ngày càng ô nhiễm; dự báo thị trường và thiên tai còn nhiều bất cập.
Vấn đề chế biến, tiêu thụ nông sản đang là thách thức lớn nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Nông dân không đủ năng lực dự báo thị trường dẫn dến tình trạng được mùa, rớt giá. Chất lượng, mẫu mã nông sản không đồng đều... đang là những cản trở lớn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nông sản.
Làm thế nào để nâng cao đời sống của cư dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị; để kết quả xóa đói giảm nghèo ở nông thôn bền vững; để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn; để nông dân phát huy vai trò chủ thể, trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới...?
"Tất cả những vấn đề đó cần tổ chức Hội Nông dân các cấp quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ để tham gia giải quyết", Chủ tịch Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
5 nội dung quan trọng trong công tác Hội và phong trào nông dân ở Đồng Nai
Thống nhất với Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh và gợi mở thêm 5 vấn đề trong công tác Hội và phong trào nông dân ở Đồng Nai.
Thứ nhất:
Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục đổi mới nội dung và làm tốt công tác tuyên truyền theo hướng bám sát thực tiễn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền gắn với thực hiện Chương trình chuyển đổi số.
Hội Nông dân tỉnh cần phối hợp xây dựng bộ công cụ tuyên truyền, ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội để chuyển tải các thông tin hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, nâng cao tính dẫn dắt, định hướng và sức thuyết phục của hoạt động tuyên truyền.
Thứ hai:
Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với giải quyết quyền lợi và nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, mở rộng đối tượng để kết nạp hội viên vào tổ chức Hội.
Hội Nông dân tỉnh nâng cao chất lượng hoạt động và tiếp tục quan tâm xây dựng mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp; cần lựa chọn những nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong các phong trào thi đua làm cán bộ chi, tổ Hội.
Các cấp Hội cần tập trung kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, thường xuyên chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt.
Đội ngũ cán bộ phải đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng tập hợp, vận động, thuyết phục nông dân, có tâm huyết và luôn sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội; có trách nhiệm chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân.
|
Chủ tịch Lương Quốc Đoàn tặng hoa chúc mừng thành công Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai lần thứ X nhiệm kỳ 2023-2028. Ảnh: Nguyên Vỹ |
Thứ ba:
Các cấp Hội Nông dân cần tăng cường tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học công nghệ, những cơ hội, thách thức của quá trình hội nhập cũng như thách thức của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp và đời sống nông dân.
Công tác này nhằm giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện, nguồn lực để phát triển kinh tế, làm giàu và xóa nghèo bền vững; có đủ năng lực hiểu biết về thị trường trong nước và quốc tế, có khả năng ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là trong thời kỳ số hóa mạnh mẽ.
Hội Nông dân cần tăng cường đào tạo nghề, nâng cao trình độ mọi mặt cho nông dân, xây dựng nông dân mới có đủ bản lĩnh chính trị và trình độ để làm chủ nông thôn mới. Người nông dân mới không chỉ là lực lượng mạnh về kinh tế mà còn là lực lượng chính trị văn hóa xã hội.
"Nông dân phải thực sự làm chủ được quá trình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, đáp ứng được các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước", Chủ tịch Lương Quốc Đoàn lưu ý.
Thứ tư:
Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cần bám sát thực tiễn cuộc sống, các Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Hội Nông dân tỉnh cần tìm ra cách làm phù hợp, có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động, tích cực tham gia và nâng cao chất lượng giám sát phản biện xã hội; chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân để phản ánh và đề xuất để chính quyền có biện pháp giải quyết kịp thời.
Thứ năm:
Các cấp Hội Nông dân cần xác định khâu then chốt trong chất lượng công tác Hội và phong trào nông dân là công tác cán bộ. Cán bộ là gốc của mọi phong trào, muôn sự thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém. "Vì vậy Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cần tập trung nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động của Ban Chấp hành Hội Nông dân", Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đề nghị.