Hơn 600 ha rừng ở huyện Hàm Thuận Nam được khai thác để làm hồ thủy lợi Ka Pét, dung tích hơn 51 triệu m3, 1.844 ha rừng thay thế sẽ được trồng ở nơi khác.
|
Mô hình thiết kế đập trong dự án hồ thủy lợi Ka Pét. Nguồn: Ban quản lý dự án Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận |
Hồ chứa nước Ka Pét có tổng vốn hơn 874 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào năm tới, hoàn thành năm 2025. Công trình đã được Quốc hội duyệt chủ trương đầu tư năm 2019 và điều chỉnh cuối tháng 6. Mục tiêu dự án là cung cấp nước cho nông nghiệp; khu công nghiệp, sinh hoạt, cải tạo môi trường và điều tiết nước vùng hạ du Hàm Thuận Nam.
Hồ có dung tích hơn 51 triệu m3, được xây dựng tại xã Mỹ Thạnh, trên diện tích hơn gần 700 ha, trong đó có hơn 619 ha đang là rừng tự nhiên, gồm cả 3 loại: đặc dụng, phòng hộ và sản xuất.Theo đại diện UBND tỉnh Bình Thuận, diện tích rừng được khai thác để nhường đất cho dự án đang thuộc quản lý của 3 đơn vị, gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Công ty Lâm nghiệp Bình Thuận. Công tác cắm mốc ở thực địa đang được thực hiện nhằm quản lý chặt phần rừng ngoài ranh giới khi bắt đầu khai thác rừng.
Hiện, Ban quản lý dự án Đầu tư Công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chuẩn bị đấu thấu, chọn tư vấn lập phương án khai thác, định giá lâm sản, làm cơ sở đấu giá. Đơn vị trúng thầu sẽ được bàn giao rừng để khai thác gỗ và lâm sản có giá trị.Để bù lại diện tích rừng tự nhiên bị "xóa sổ", địa phương sẽ phải trồng lại hơn 1.800 ha ở những nơi khác trong tỉnh theo quy định của Luật Lâm nghiệp (chủ đầu tư phải trồng rừng thay thế bằng 3 lần diện tích rừng tự nhiên bị chuyển mục đích sử dụng).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đang tổng hợp danh sách đăng ký trồng rừng của các đơn vị chủ rừng trong tỉnh để tham mưu UBND tỉnh duyệt hồ sơ thiết kế trồng rừng thay thế. Tổng chi phí trồng lại rừng gần 177 tỷ đồng.