Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đăk Tô đề ra các giải pháp mang tính cấp bách và lâu dài; đó là vừa bảo đảm hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2023, vừa từng bước nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống ở khu vực nông thôn.
|
Nhiều tuyến giao thông được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. |
Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 3 xã của huyện Đăk Tô (gồm Diên Bình, Tân Cảnh, Kon Đào) đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, nếu đánh giá theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Ban hành kèm Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) thì 3 xã kể trên hiện có một số tiêu chí chưa đạt theo chuẩn mới; theo đó, xã Diên Bình và xã Tân Cảnh đạt chuẩn 17/19 tiêu chí, xã Kon Đào đạt chuẩn 15/19 tiêu chí.
Hướng đến mục tiêu các xã Diên Bình, Tân Cảnh và Kon Đào hoàn thành 19/19 tiêu chí của xã nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoàn 2021-2025) vào cuối năm 2023, UBND huyện Đăk Tô chỉ đạo các địa phương rà soát các tiêu chí chưa đạt, chủ động phát huy nội lực để thực hiện các tiêu chí này, báo cáo để UBND huyện Đăk Tô kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.Ông Nguyễn Hồng Lĩnh- Chủ tịch UBND xã Diên Bình chia sẻ: Đến đảm bảo đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trong năm 2023, xã Diên Bình hiện đang tập trung xây dựng trang thông tin điện tử của xã, phấn đấu tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên tổng số thủ tục hành chính của xã đạt từ 30% trở lên. Về phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 12,1% xuống dưới 8,5% theo quy định, địa phương đang tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn về cây giống mắc ca, giống lúa chất lượng cao, giống bò sinh sản; tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình hỗ trợ chăn nuôi heo địa phương, bò sinh sản cho hộ nghèo trước đây. Đồng thời, vận động người dân chăm sóc, khai thác hiệu quả các loại cây trồng có thế mạnh tại địa phương như cà phê, cao su; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Ngoài 3 xã kể trên, hiện nay huyện Đăk Tô vẫn còn 5/8 xã chưa được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 3 xã (gồm Ngọk Tụ, Đăk Trăm và Pô Kô) đạt 13/19 tiêu chí; 2 xã (gồm Văn Lem và Đăk Rơ Nga) đạt 12/19 tiêu chí. Huyện Đăk Tô đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023, xã Ngọk Tụ và Văn Lem về đích nông thôn mới, các xã còn lại tăng ít nhất 2 tiêu chí so với cuối năm 2022. Ngoài ra, huyện Đăk Tô phấn đấu đến cuối năm 2023 có 10 thôn đạt chuẩn thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS; 3 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Đặng Quang Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô cho biết: Để đạt kế hoạch xây dựng nông thôn mới trong năm 2023, huyện Đăk Tô tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Chỉ đạo UBND các xã tập trung ưu tiên nguồn lực hoàn thành các tiêu chí đảm bảo chất lượng và chiều sâu; quan tâm lĩnh vực phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội, cảnh quan, môi trường nông thôn, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và thay đổi diện mạo khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện Đăk Tô đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong xã hội; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua, có nhiều đóng góp cho việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn chú trọng công tác quy hoạch để tạo ra các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào trong sản xuất. Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; trọng tâm là liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục vận động hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và nâng cao chất lượng hoạt động để tạo mối liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp bền vững; triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để nâng tầm thương hiệu và giá trị nông sản của bà con nhân dân.