Hiện nay mức lương, thu nhập thực tế của người lao động ở khu vực doanh nghiệp thay đổi chưa nhiều, thậm chí còn giảm dần.
|
(Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà) |
Chương trình cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước được triển khai từ năm 2019. Tuy nhiên đến nay mức lương, thu nhập thực tế thay đổi chưa nhiều, thậm chí giảm.
Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiêp được ban hành năm 2018, triển khai từ năm 2019. Đến nay, các cải cách đã thực hiện được 5 năm, nhưng thay đổi phần lớn mới dừng trên quy định, còn thu nhập thực tế của người lao động chưa chuyển biến nhiều, thậm chí giảm do kinh tế khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19.
Giai đoạn 2019-2023, thu nhập của người lao động có xu hướng giảm. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2018 thu nhập bình quân người lao động là 4,8 triệu đồng/người/tháng, riêng nhóm làm công hưởng lương (lao động hợp đồng) đạt 5,8 triệu đồng/tháng; năm 2019 con số tương ứng tăng lên 5,6 và 6,7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hai năm tiếp theo lương bình quân tương ứng giảm còn 5,5 và 6,6 triệu đồng/tháng, do doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Tới năm 2022, thu nhập phân chia theo 2 nhóm trên tăng lên 6,7 và 7,5 triệu đồng/tháng.
Về thí điểm tiền lương khối doanh nghiệp Nhà nước, nghị quyết 27 đặt mục tiêu, từ năm 2021, thực hiện quản lý lao động, tiền lương theo phương thức khoán, tiến tới giao khoán nhiệm vụ vào năm 2030.
Trên cơ sở đó, đầu năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20 thí điểm cơ chế tiền lương với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay trong 1 năm.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc thí điểm lương vẫn kéo dài tới nay.
Với khối doanh nghiệp nhà nước, song song với thí điểm 3 doanh nghiệp trên, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng quy định quản lý tiền lương áp dụng chung, ban đầu dự kiến áp dụng từ năm 2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên cơ chế này chưa áp dụng.