Không còn trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua, đã có hàng trăm lượt hộ nghèo, cận nghèo người đồng bào DTTS ở huyện Sa Thầy thoát khỏi hộ nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Sự chuyển biến ấy có được là nhờ người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thay đổi phương thức lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
Ông A Náo ở xã Ya Xiêr chuyển đổi 2,5ha trồng cao su sang trồng sầu riêng |
Thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở huyện Sa Thầy đã vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm; đồng thời, triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế để người dân học tập, làm theo.
Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền phân công, phân nhiệm từng đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ, tích cực về các thôn làng tuyên truyền vận động để người dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu của thị trường, thực hiện chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư tái sản xuất, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.Từ đó, đồng bào DTTS đã thay đổi nhận thức, tích cực lao động, đổi mới cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả và năng suất lao động.
Do đó, nhiều hộ DTTS đã vươn lên thoát nghèo, trở thành các hộ khá, giàu, đời sống người dân ngày một được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 1.676 hộ (chiếm tỷ lệ 21,25%), hộ cận nghèo là 851 hộ (chiếm tỷ lệ 10,79% tổng số hộ toàn huyện).
Điều đáng mừng là đến nay, toàn huyện có 535 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Có 376 hộ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích luỹ vốn tái đầu tư sản xuất và có 209 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
Trường hợp của ông A Pheo (làng Lung Leng, xã Sa Bình) là một ví dụ. Trước đây, gia đình ông chủ yếu chăn nuôi heo làng thả rông vừa không hiệu quả, vừa gây ô nhiễm môi trường. Năm 2021, được chính quyền địa phương vận động, ông là người tiên phong trong làng tiến hành nuôi heo sọc dưa có chuồng trại cẩn thận và trồng cỏ xung quanh vườn nhà làm thức ăn cho heo. Cũng nhờ đó, mà từ 4 con heo sọc dưa ban đầu được xã hỗ trợ, đến nay, ông A Pheo đã phát triển đàn heo này lên hơn 30 con. Theo ông A Pheo, hiện tại, với 5 con heo nái, mỗi năm ông bán được hai lứa, đem về cho gia đình ông thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Bên cạnh nuôi heo sọc dưa bán, gia đình ông còn nuôi bò vỗ béo để nâng cao thu nhập và mỗi năm cho thu thêm hàng chục triệu đồng.
Ông A Pheo chia sẻ: Trước đây gia đình nghèo, khổ lắm, khi Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ, tôi quyết tâm thay đổi cách chăn nuôi từ thả rông sang nuôi nhốt có chuồng trại nên hiệu quả cao hơn nhiều, đời sống được cải thiện, nâng cao. Giờ đây, tôi đã thoát khỏi hộ nghèo, không còn cảnh phải chạy lo ăn từng bữa mùa giáp hạt nữa.
“Cũng từ mô hình chăn nuôi có chuồng trại của ông A Pheo hiệu quả kinh tế cao nên đến nay, tại làng Lung Leng đã có hàng chục hộ gia đình đến học tập mô hình nhà ông A Pheo chăn nuôi bài bản, có chuồng trại, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây cũng là một trong những mô hình điểm để bà con học tập và làm theo”- ông Trần Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Bình cho biết.
Tương tự, ông A Náo (làng Rắc, xã Ya Xiêr) có hơn 2,5ha đất trồng cao su. Được sự vận động và hỗ trợ cây giống, ông A Náo đã quyết định chuyển sang trồng sầu riêng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, ông A Náo đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động. Hiện tại cây sầu riêng của ông đã và đang phát triển tốt và triển vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng cao su.
Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, bà Rơ Châm Lan- Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết: Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS số vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân hưởng ứng tham gia, nhiều mô hình, cách làm hay đã được triển khai nhân rộng bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, đi vào cuộc sống giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cũng theo bà Lan, trong quá trình triển khai Cuộc vận động, ngoài trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể thì huyện đã tận dụng và phát huy tốt trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, trong việc tăng cường kiểm tra giám sát và hỗ trợ cho bà con. Đồng thời, tranh thủ và phát huy được vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín, già làng ở các thôn, làng trong công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức, nếp nghĩ và cách làm. Nhờ đó, mà Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn đã thực sự mang lại hiệu quả. Bà con đồng bào DTTS có sự chuyển biến mạnh về tư duy, nếp nghĩ, cách làm và từ đó, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao về mọi mặt.