Nông sản Việt nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu
09:32 - 22/05/2023
Giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước tính đã giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu cho thấy nông sản có thể tăng tốc trong thời gian tới.

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4.2023, giá trị xuất khẩu ước tính giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2022.
 

Giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 ước tính giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
 

Xét về cán cân thương mại nông lâm thủy sản tháng 4.2023, thặng dư thương mại đạt 754 triệu USD, giảm 40,1% so với tháng 4.2022. Thặng dư thương mại 4 tháng đầu năm 2023 đạt 2.436 triệu USD, giảm 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
 

Giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam ước tính đã giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Quý An

Sự sụt giảm mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ, thủy sản và cao su trong tháng 4.2023 do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh tại các thị trường lớn…
 

Xuất khẩu rau quả, gạo và chăn nuôi tăng trong tháng 4.2023 do xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước khối ASEAN tăng. Xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm 41,5% so với cùng kỳ năm 2022.
 

Xuất khẩu gạo của Việt Nam bị ảnh hưởng từ nhu cầu vĩ mô toàn cầu. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022-2023 sẽ giảm nhẹ, trong khi nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng so với dự báo trước đó. Tồn kho gạo toàn cầu trong niên vụ này cũng được dự báo sẽ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua với con số ước tính chỉ đạt 173,3 triệu tấn (giảm hơn 10 triệu tấn so với niên vụ 2021-2022).
 

Dù vậy, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) vẫn dự báo tình hình xuất khẩu gạo trong quý II/2023 sẽ duy trì đà tăng trưởng. Nhu cầu tích trữ lương thực của nhiều nước đang tăng lên do bất ổn về kinh tế, địa chính trị. Giá gạo xuất khẩu dự kiến vẫn ở mức cao.
 

Ngoài gạo, tình hình xuất khẩu rau quả vẫn được dự báo lạc quan. Nhiều cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tích cực tiếp nhận xe hàng. Điều này cho thấy sức hút từ Trung Quốc đang rất lớn do một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
 

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) dự báo thị trường cà phê thế giới sẽ thiếu hụt 7,27 triệu bao. Giá cà phê trong nước tăng mạnh làm sức mua của đa số doanh nghiệp xuất khẩu yếu đi do nguồn vốn thiếu trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức cao và biến động tỉ giá thất thường. Ngoài ra, còn có tình trạng người dân găm hàng để chờ giá nội địa leo cao hơn, khiến doanh nghiệp gặp khó khi tìm mua nguyên liệu.
 

Lạm phát và suy thoái kinh tế trên thị trường thế giới dẫn tới việc người dân thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn này và có xu hướng tiêu thụ sản phẩm có giá thấp hơn khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản giảm sút.
 

Ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, để đáp ứng thay đổi căn bản của thị trường nông sản, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng năng lực cạnh tranh mới khi tham gia hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng; cơ cấu lại sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, xây dựng chuỗi liên kết giá trị và có chính sách bảo hiểm thích hợp để xử lý rủi ro, biến động thị trường ngày càng mạnh; bảo đảm tuân thủ các quy định ngày càng khắt khe của thị trường cả về kinh tế, xã hội và môi trường của thị trường toàn cầu.
 

Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Thái Quang nhận định, dù quy định pháp luật về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung song vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, các giải pháp quản lý của cơ quan hải quan cần thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro về nhóm mặt hàng là nông sản xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành là hoạt động cốt lõi, xuyên suốt trong công tác đánh giá rủi ro.


Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn