Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn: Vẫn còn rào cản
14:18 - 18/05/2023
 Những năm qua, tỉnh đã quan tâm phát triển các sản phẩm công nghiệp địa phương nhằm lưu giữ, phát triển các nghề truyền thống gắn với vùng nguyên liệu vùng miền. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn nhiều rào cản, chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.
   Chế biến chè Shan tuyết Na Hang của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang).


Xây dựng “thương hiệu”

Phát triển công nghiệp nông thôn được triển khai mạnh sau khi Nghị định 134/2004/NĐ-CP, ngày 9-6-2004 của Chính phủ về phát triển công nghiệp nông thôn được ban hành. Trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương đã phát huy tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu, lao động để xây dựng, phát triển các cơ sở công nghiệp ở nông thôn với nhiều ngành nghề đa dạng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành trên 100 sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn gắn với lợi thế vùng miền như nghề khai thác, chế biến chè, miến dong, chế biến đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, rượu… tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Sản phẩm bún khô Đà Vị (Na Hang) đã và đang chinh phục được thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2022. Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đà Vị đã cung cấp ra thị trường 55 tấn, doanh thu đạt 2 tỷ đồng. Cũng ở Na Hang, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn đã có thương hiệu như chè Shan tuyết đã được Thủ tướng Chính phủ chọn làm quà tặng Thủ tướng Malaysia thăm Việt Nam năm 2019. Nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường như dầu lạc Trường Thịnh (Sơn Dương), chè đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa)... Những sản phẩm này đã được các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn thành phố Tuyên Quang và nhiều tỉnh bày bán, được khách hàng ưa chuộng. Chị Nguyễn Thúy Hạnh ở quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, một lần về Tuyên Quang chị đi mua hàng làm quà biếu người thân và chọn sản phẩm trà đậu đen xanh lòng. Quả thực khi dùng ưng ngay bởi chất lượng sản phẩm đậm đà, giúp tăng cường giấc ngủ, lưu thông khí huyết...

Ông Đàm Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết, để hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp được tiếp cận nguồn vốn khuyến công đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ trong sản xuất, tạo ra sản phẩm mới mang lại giá trị kinh tế cao hơn, trung tâm đã thực hiện khảo sát, đánh giá những đơn vị sản xuất có hướng phát triển lâu dài, tiêu thụ hàng nông lâm sản cho người dân để hỗ trợ, tăng tính hiệu quả và có giá trị cộng đồng chứ không riêng cơ sở sản xuất đó được hưởng lợi. Trong 5 năm qua (2018 - 2022), trung tâm đã thực hiện hỗ trợ 10 nhóm đề án với kinh phí gần 7,3 tỷ đồng. Các đề án tập trung hỗ trợ vào ứng dụng máy móc thiết bị trong gia công cơ khí, sản xuất chè, chế biến gỗ rừng trồng, may mặc...

Cần những chính sách ưu đãi thiết thực hơn

Tuy đã đạt được một số kết quả khả quan, song phát triển công nghiệp nông thôn còn nhiều rào cản, khó khăn do phần lớn các cơ sở công nghiệp ở các địa phương thiếu vốn đầu tư, thiếu lao động tay nghề cao, tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, tự phát. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công quốc gia và địa phương còn hạn chế, nội dung triển khai chưa phong phú, định mức hỗ trợ một số nội dung còn rất thấp. Để gỡ khó cho việc phát triển công nghiệp nông thôn tại các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, tỉnh ta đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển đầu tư hạ tầng cho các cụm công nghiệp, vay vốn... Tuy nhiên, do cần số vốn đầu tư lớn nên tiến trình thu hút và thực hiện đầu tư còn chậm.

Sản phẩm bún khô Đà Vị (Na Hang) mặc dù được thị trường ưa chuộng nhưng để mở rộng quy mô sản xuất thì HTX không đủ sức. Anh Hứa Văn Hướng, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Đà Vị chia sẻ, hiện HTX cần có quỹ đất để mở rộng quy mô nhà xưởng và thêm nữa là phải có vốn đầu tư hệ thống sấy khô thì mới đảm bảo được sản phẩm có liên tục  cung ứng cho thị trường tiêu thụ. Hai vấn đề này thì chỉ HTX không đủ “sức” mà cần có sự hỗ trợ từ chính quyền các cấp và nhà đầu tư.

Một trong những hạn chế, điểm yếu của nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh là chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Nguyên nhân của thực trạng trên là do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vẫn trong tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.  

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh: để tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn thì các địa phương nên chú trọng hơn trong việc xác định sản phẩm công nghiệp mũi nhọn, từ đó quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đào tạo đội ngũ lao động tay nghề cao để không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thương trường.

Ngành Công Thương cần nghiên cứu, có những chính sách ưu đãi thiết thực hơn về đầu tư hạ tầng cơ sở tại các cụm công nghiệp đã được quy hoạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuê đất đầu tư các cơ sở chế biến. Đồng thời, nghiên cứu, triển khai các đề án, chương trình khuyến công phù hợp để động viên doanh nghiệp, người lao động tham gia. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cũng cần chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư, để phát triển ngày càng bền vững.
 


Nguồn: baotuyenquang.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn