Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân
11:14 - 24/03/2023
(Cổng ĐT HND) – Chiều nay 23/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 454 -KL/HNDTW ngày 6/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của các Trung tâm Hỗ trợ nông dân trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân chủ trì Hội nghị
 


Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trung ương Hội và kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu Hội Nông dân các tỉnh, thành phố.


Hội nghị nhằm đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Kết luận 454, làm rõ khó khăn, vướng mắc nhất là ở cơ sở pháp lý và điều kiện hoạt động của các Trung tâm, về tổ chức bộ máy, quản lý tài sản công và điều kiện hoạt động của các Trung tâm để tìm ra giải pháp, khả năng thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Trương Xuân Quý báo cáo tại Hội nghị


Báo cáo tóm tắt tình hình và hoạt động của các Trung tâm Hỗ trợ nông dân, ông Trương Xuân Quý – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Hiện nay cả nước có 01 Trung tâm ở Trung ương Hội và 51 Trung tâm ở các tỉnh/thành phố.


Về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm cơ bản các Trung tâm đã được phê duyệt Đề án tổ chức, bộ máy. Có 9 Trung tâm đã xây dựng vị trí việc làm. Hiện có 22 Trung tâm đã được phê duyệt phương án tự chủ tài chính, trong đó có 3 Trung tâm ở mức tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên.


Đến 20/3/2023, có 37 dự án đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh đã được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, trong đó Trung ương Hội đã tiến hành bàn giao tài sản của dự án cho 32 tỉnh, thành Hội.


Hàng năm, các Trung tâm và các cấp Hội đã tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hàng nghìn lượt hội viên, nông dân; hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tổ chức cung ứng phân bón, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, máy nông cụ cho nông dân.


Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành Hội đã có nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân với nhiều hình thức đa dạng như: Phối hợp với các công ty sản xuất phân bón hằng năm cung cấp hàng nghìn tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho hội viên.


Đồng thời, cung ứng cho hội viên hàng nghìn giống cây trồng, vật nuôi; cung cấp thức ăn gia súc, vật tư nông nghiệp qua đó tạo điều kiện giúp hội viên phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả; mở nhiều lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật để nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, xây dựng nhiều mô hình sản xuất phát triển kinh tế; tổ chức được nhiều cuộc hội thảo, hội nghị, triển lãm, hội chợ để kết nối, nâng cao các hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản.


Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc như: Hoạt động của các Trung tâm chủ yếu là tự phát, thiếu tính liên kết giữa các Trung tâm trong hệ thống Hội, vai trò của Trung tâm Hỗ trợ nông dân nông thôn Trung ương Hội với hệ thống Trung tâm các tỉnh, thành Hội chưa rõ và chưa có cơ chế phối hợp.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu


Bên cạnh đó, việc gắn kết với các doanh nghiệp còn hạn chế nên việc cung ứng vật tư đầu vào và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều Trung tâm chưa có nguồn thu ổn định nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động. Hoạt động hỗ trợ và cho vay vốn gặp nhiều khó khăn, Quỹ hỗ trợ nông dân hạn hẹp nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn.


Nhiều Trung tâm chưa được bàn giao cơ sở vật chất. Trụ sở của một số Trung tâm chưa được đầu tư mới, nhiều Trung tâm có trụ sở nhưng không được sửa chữa nâng cấp, hiện đã xuống cấp ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động. Nhiều Trung tâm chưa xây dựng đề án vị trí việc làm và phương án tự chủ tài chính hoặc đã xây dựng nhưng chưa được phê duyệt.


Sau khi đổi tên, nhiều Trung tâm không còn chức năng đào tạo nghề trình độ sơ cấp và hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn do các quy định cơ quan quản lý nhà nước.


Có ý kiến cho rằng, hiện nhiều Trung tâm chưa có biên chế mà cán bộ, chuyên viên Hội Nông dân tỉnh phải kiêm nhiệm nên nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân còn chưa rõ ràng giữa các ban, đơn vị và Trung tâm nên chưa phát huy được vai trò...


Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của các Trung tâm trong thời gian qua.Nhằm phát huy những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch đề nghị: Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội ND các tỉnh thành Hội mạnh dạn vào cuộc  thực hiện các chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội.


Các Trung tâm tiếp tục xây dựng đề án việc làm, xây dựng phương án tự chủ tài chính và xây dựng phương án sử dụng tài sản công, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật theo quy định pháp luật.


Đồng thời đề nghị Thường trực tỉnh ủy, UBND, Ban Tổ chức, Ban Dân vận và các sở ngành liên quan các tỉnh quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ BTV Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các Trung tâm góp phần thực hiện tốt Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ.
 
 
Các Trung tâm cần rà soát lại tất cả các nội dung hỗ trợ nông dân, trong đó chú trọng các hoạt động hỗ trợ vốn. Đồng thời, cần chủ động liên kết với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, HTX xây dựng các mô hình, chuyển giao KHKT, cung cấp thông tin, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, triển khai  tốt hoạt động hỗ trợ nông dân tại địa phương; quan tâm bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ các Trung tâm...


 
Phương Lan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn