Từ thành công của Hải Dương, Thủ tướng chỉ ra 3 bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới
Ngày 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ thành công của Hải Dương, tại buổi lễ Thủ tướng chỉ ra 3 bài học kinh nghiệm trong xây dựng chương trình NTM.
Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược, khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tiến trình phát triển đất nước. Trong đó, xây dựng NTM là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm góp phần thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Đồng thời, Chính phủ luôn chú trọng đến xây dựng NTM với trọng tâm là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và triển khai nhiều đề án, dự án, chiến lược lớn, quan trọng, tổ chức thực hiện có hiệu quả.
Cũng theo Thủ tướng, nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng-một trung tâm sản xuất nông nghiệp quan trọng của đất nước, nhiều năm qua, Hải Dương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được thành tích đáng tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
|
Từ thành công của Hải Dương, tại buổi lễ Thủ tướng nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm trong xây dựng chương trình NTM. Ảnh: VGP |
Khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cũng như một số địa phương khác, Hải Dương gặp nhiều khó khăn trong việc huy động và bố trí nguồn lực thực hiện, tuy nhiên, Hải Dương đã phát huy vai trò chủ thể của nhân dân với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", tạo sự đồng thuận và sự hưởng ứng tham gia của người dân; sáng tạo trong huy động nguồn lực (từ doanh nghiệp, tín dụng, đóng góp của người dân...); ưu tiên hỗ trợ đầu tư các tiêu chí, hạng mục công trình cấp bách, thiết thực nhất (nước sạch, điện, y tế, trường học...), không đầu tư dàn trải, không để nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, Hải Dương là một điểm sáng trong việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao, với nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới như vải thiều, cà rốt, nhãn, thịt lợn sữa, rau, củ…
"Về Hải Dương, chúng ta vui mừng được thấy diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, cảnh quan môi trường được cải thiện ngày càng xanh-sạch-đẹp", Thủ tướng phát biểu.
Từ thành công của Hải Dương, Thủ tướng chỉ ra 3 bài học kinh nghiệm trong xây dựng chương trình NTM: Chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; sự liên kết, phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương.
Để góp phần cùng cả nước thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Thủ tướng đề nghị tỉnh Hải Dương tiếp tục quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045.
Cùng với đó triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương, quán triệt các quan điểm, định hướng lớn trong xây dựng, phát triển đất nước, vận dụng sáng tạo, triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương trên tinh thần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân".
Phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, bảo đảm kết nối giữa nông thôn với đô thị, giữa Trung ương với địa phương, giữa tỉnh với huyện, huyện với xã, giữa các địa phương với nhau; nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…
Đổi mới tư duy, chuyển đổi "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", từ "tìm kiếm thị trường" sang "nghiên cứu thị trường" để hướng tới "nông nghiệp đặt hàng".
Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc; phát triển mạnh sản phẩm OCOP với 5 yếu tố (xây dựng thương hiệu; quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển mẫu mã, bao bì; ứng dụng khoa học-công nghệ; hỗ trợ nguồn vốn).
Chú trọng công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn, nhất là quản lý rác thải, nước thải sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ; tập trung xử lý ô nhiễm ở làng nghề, bãi tập trung chôn lấp…
Thủ tướng yêu cầu phải hết sức quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Chú trọng phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; bảo đảm an ninh và trật tự xã hội.