|
Phụ nữ làm chủ chuỗi giá trị cây gai xanh tại xã Chiềng Ken (Văn Bàn-Lào Cai). Ảnh: LĐXH |
Trong thời đại mới, bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, người phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Ngày càng có nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động. Quyền của phụ nữ về kinh tế được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định phụ nữ cùng đứng tên với nam giới trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà ở và tài sản. Việt Nam cũng là một trong số ít các quốc gia đã hoàn thành báo cáo về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW). Đặc biệt, hệ thống các ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được thành lập ở các bộ ngành, tỉnh, thành và địa phương. Mạng lưới cán bộ tư vấn về giới hoạt động hiệu quả, hệ thống pháp luật bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ được tăng cường, Luật Bình đẳng giới chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2007.
Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình. Nó có thể giảm nhẹ gánh nặng việc nhà cho phụ nữ, tạo cho họ nhiều thời gian hơn để tham gia vào các hoạt động khác. Đồng thời, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trên thị trường lao động, v.v.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục trong bình đẳng giới, nhất là về mặt tư tưởng, quan điểm của con người trong xã hội, kể cả nam giới và nữ giới. Không chỉ có nam giới chưa nhận thức hoặc có thái độ không chấp nhận vai trò, vị trí của phụ nữ mà ngay chính bản thân nhiều phụ nữ cũng hiểu biết mơ hồ, từ đó có những thái độ lệch lạc và không thể có cách giải quyết đúng đắn các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống có liên quan đến vai trò, vị trí về giới của mình.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, để khẳng định và phát huy vai trò của mình, phụ nữ Việt Nam nói chung, chị em phụ nữ ở nông thôn, làm nông nghiệp nói riêng, cần tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt của mình trong đời sống gia đình và xã hội, góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn.
Bạo lực giới vẫn là một thách thức
Bà Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), cho rằng, nguyên nhân của bạo lực gia đình, một phần do người phụ nữ cam chịu và chấp nhận để chồng bạo hành cả thể chất và tinh thần mà không phản kháng. Nhiều người phụ nữ chưa nhận thức được quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới.
Họ vẫn mang nặng tư tưởng “nam tôn, nữ ti”, coi người chồng có quyền lực hơn vợ và có thể dùng quyền của mình để giữ “tôn ti trật tự” trong gia đình thông qua việc “trừng phạt” người vợ nếu họ không tuân thủ trật tự đó. Họ vẫn áp đặt phụ nữ phải chịu hy sinh, phải nghe lời chồng và luôn cho rằng công việc gia đình là “thiên chức” của phụ nữ.
“Từ trước đến nay, nam giới trong xã hội của chúng ta luôn đứng ở vị trí cao nhất rồi mới đến phụ nữ. Người phụ nữ từ trước đến nay vẫn coi là bị thiệt thòi nhất. Chúng ta phải chỉ ra rằng, cách người ta thay đổi khi nghĩ về bản thân hay cách họ thay đổi để nghĩ về phụ nữ thì mang lại lợi ích cho họ thì dễ nhưng để nghĩ ra những giải pháp cụ thể, những hoạt động cụ thể không phải là dễ, sẽ phải cần nhiều sự sáng tạo, tư duy của nhiều người để cùng tìm ra cách tiếp cận phù hợp nhất với những nhóm nam giới khác nhau. Và chắc chắn, tất cả mọi người đều phải coi đó là việc của mình”, bà Hồng khẳng định.
Khi nào xã hội còn chưa coi bạo hành giới trong gia đình là vấn đề mà xã hội phải có trách nhiệm can thiệp thì khi đó bạo hành vẫn giới hạn đằng sau cánh cửa mỗi ngôi nhà và phụ nữ vẫn tiếp tục phải chịu đựng bạo hành từ chồng hoặc các thành viên khác trong gia đình. Việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái đòi hỏi sự tham gia tích cực của nam giới, bởi họ chính là những người tạo nên sự thay đổi. Trách nhiệm này là của mỗi người để cùng tham gia hành động chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, ngăn ngừa những hình thức bạo lực trước khi nó xảy ra.
Tô đậm vai trò người đàn ông trong gia đình
Tiến sĩ Trần Công Chánh, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý Giáo dục tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, hạnh phúc gia đình được xây dựng dựa trên 3 nền tảng cơ bản: Kinh tế, nuôi dạy con cái thành đạt và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với cộng đồng. Trong 3 yếu tố này, vai trò của người đàn ông cực kỳ quan trọng. Mặc dù hiện nay người phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế của gia đình, nhưng người đàn ông vẫn còn là trụ cột kinh tế, bởi họ có thế mạnh về sức khỏe, được giải phóng về thời gian… nên triết lý “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa trong xã hội hiện đại.
Ngoài 3 yếu tố ấy, trong xã hội hiện đại, người đàn ông còn giữ một số vai trò mới như: Có chức năng tư vấn, làm chỗ dựa tinh thần cho các thành viên trong gia đình... Đặc biệt, người chồng còn phải cùng vợ lo việc “đối nội”, “đối ngoại” trong cuộc sống gia đình…
Khi có sự chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ vai trò của người đàn ông thì người phụ nữ càng khẳng định mình hơn. Bởi lẽ, khi người chồng chia sẻ công việc với người vợ thì người vợ sẽ phải cố gắng lao động, sáng tạo nhiều hơn. Nếu như ngày trước hai người sống chung một mái nhà lại theo đuổi hai mục tiêu khác nhau, thì ngày nay họ đã cùng hướng về một mục tiêu, nên vai trò của cả hai không những không mờ nhạt mà càng được tô đậm thêm, và để có một kết quả viên mãn là có một gia đình hạnh phúc.
Không để phụ nữ bị bỏ lại phía sau
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc nhận thức rõ các vấn đề giới nảy sinh trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan chức năng liên quan hoàn thiện khung chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này.
“Do đó, việc nâng cao nhận thức về các cơ hội giáo dục và xoá bỏ khuôn mẫu giới trong chương trình giảng dạy, định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là trong đào tạo các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) được xem là chìa khoá để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chuyển đổi số…”, bà Hà nhấn mạnh.
Theo bà Hà, việc thay đổi các kỳ vọng về khuôn mẫu giới trong nghề nghiệp, bao gồm cả việc thúc đẩy các hình mẫu phụ nữ tham gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng sẽ tạo lực đẩy thôi thúc sự tự tin của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
“Trang bị cho phụ nữ các kỹ năng và hỗ trợ họ chuyển đổi sang các hình thức việc làm liên quan đến kỹ thuật số là rất quan trọng để đảm bảo rằng phụ nữ không bị bỏ lại phía sau”, bà Hà nói.
Bà Pauline Tamaris, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Chủ đề ưu tiên của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay mang đến cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng xem xét lại các tác động về giới trong đổi mới và công nghệ, đồng thời xác định các khuyến nghị để quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở Việt Nam bao trùm và bình đẳng hơn…”
Trong bối cảnh đó, Liên Hợp quốc đã đưa ra một số đề xuất thảo luận như sau: Cần đảm bảo quan điểm giới trong các chính sách quốc gia về kỹ thuật và phân bổ nguồn lực để thực hiện đầy đủ; Tăng cường giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái; dự đoán nhu cầu công việc và kỹ năng cần có trong tương lai; tăng cường thu thập dữ liệu và giải quyết bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến.