“Đối với nông dân, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng, không chỉ là sinh kế của hơn 1/3 dân số cả nước với hơn 9,1 triệu hộ nông dân mà còn là nền tảng cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong những năm qua, nông dân là lực lượng chủ yếu với tư liệu sản xuất chính là đất đai đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực vươn lên trở thành một nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, thủy sản và một số nông sản khác với hàng hóa nông sản có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa nông nghiệp phát triển trở thành trụ đỡ của nền kinh tế (đặc biệt là trong các giai đoạn khủng hoảng về tài chính, khó khăn do đại dịch)”- Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn khẳng định.
Trên cơ sở đó, thực hiện Nghị quyết số 671 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Nghị quyết số 170 ngày 31/12/2022 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); ngày 30/01/2023 Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 552 về việc tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong toàn hệ thống Hội từ Trung ương đến cơ sở và hội viên, nông dân.
|
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi |
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, liên quan đến tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, của mỗi người dân. Trong đó, người nông dân hiện nay chiếm hơn 60% dân số, tham gia hoạt động trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 15 triệu người. Chính vì vậy, việc lấy ý kiến của cán bộ, hội viên, nông dân hết sức quan trọng, tác động rất lớn trong quá trình xây dựng chính sách. Qua theo dõi, Chính phủ thấy các cấp Hội ND tổ chức lấy ý kiến rất bài bản, khoa học, thiết thực, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng.
“Các nội dung chính sách liên quan đến người nông dân đã được cơ quan chủ trì soạn thảo thể chế trong dự thảo Luật Đất đai. Tại Hội nghị này, tôi mong được lắng nghe các ý kiến xem việc thể chế như vậy đã đầy đủ chưa, có khả thi không, những chính sách nào cần tiếp tục được thể chế, những chính sách nào đã được thể chế đầy đủ. Còn những chính sách nào mà mặc dù Nghị quyết 18 không nêu nhưng quá trình thực thi còn vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành…
Chính phủ rất mong muốn tập hợp được những ý kiến tâm huyết, trí tuệ của tất cả các tầng lớp Nhân dân về dự án Luật đặc biệt quan trọng này. Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn thể hiện sự tôn trọng của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Đây là vấn đề có tính cấp thiết và ý nghĩa khoa học về quyền dân chủ đối với tài sản là đất đai của Nhân dân. Có như vậy, người dân mới nâng cao trách nhiệm, nhận thức của mình đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước”- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu yêu cầu.
Trong việc gợi mở các vấn đề liên quan đến đất nông nghiệp, đất rừng, tích tụ ruộng đất (liên quan cá nhân hay tổ chức, quy định hạn mức; việc thể chế hóa, tăng cường sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể chính trị các cấp, cho phép người dân giám sát, tham gia quá trình lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật, Phó Thủ tướng đề nghị các ý kiến đóng góp tại Hội nghị cần hết sức cụ thể, đi vào các quy định trực tiếp trong các khoản, điều luật, tránh phân tích chính sách chung chung, khó tổng hợp.
Tham gia phát biểu nêu ý kiến đóng góp tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Hội ND các tỉnh, thành phố đã tập trung đề xuất đến việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan tới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thời gian cho thuê đất nông, lâm nghiệp; quyền sở hữu và kế thừa đất nông nghiệp; quy định về đất khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; đất lõi vùng di sản, đảm bảo hài hòa giá trị di sản với phát triển sản xuất nông nghiệp; bồi thường về sinh kế cho bà con ở vùng bị thu hồi đất; tích tụ đất đai, dồn điền đổi thửa… Đồng thời, các quy định về đền bù, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên, nông dân.
Ngoài các ý kiến đã phát biểu trực tiếp, những ý kiến còn lại sẽ được tổng hợp bằng văn bản để báo cáo cấp có thẩm quyền nhằm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Dự thảo Luật, để Luật thực sự đi vào cuộc sống.
|
Đồng chí Nguyễn Đức Hải- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải bày tỏ vui mừng khi thấy không chỉ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội mà các cơ quan, tổ chức khác đã lên kế hoạch chi tiết, có phân công cụ thể để tổ chức lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); đúng với tinh thần kỹ lưỡng, công phu, chất lượng tốt, bảo đảm tính thực tiễn, tính khoa học và khả thi đã được Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Hội NDVN, cảm ơn và trân trọng các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, có chất lượng của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học. Đã có khá nhiều ý kiến góp ý chuyên sâu, cụ thể, mang tính thực tiễn và phản biện cao, đặc biệt là các quy định của Luật Đất đai liên quan đến sản xuất, canh tác và đời sống của người nông dân. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đây là nguồn thông tin quan trọng để Chính phủ, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội.
“Bên cạnh đó, Hội NDVN cần thực hiện tốt công tác truyền thông về dự án Luật Đất đai sửa đổi, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, trung thực về các nội dung, chính sách lớn trong dự án Luật, nhất là những vấn đề mới, vấn đề sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời, tăng cường tiếp nhận các thông tin, ý kiến phản biện từ cộng đồng, xã hội- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Kinh tế, các cơ quan có liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật xin ý kiến hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, trình UBTVQH, Quốc hội tại kỳ họp tới đây. Đại diện cơ quan soạn thảo có mặt hôm nay cần lắng nghe, báo cáo đầy đủ với cấp có thẩm quyền, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật. Các bộ, ngành hữu quan, các đại biểu tiếp tục đồng hành với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để đóng góp ý kiến quý báu cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tập trung nghiên cứu tài liệu |
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này đã có nhiều chính sách liên quan đến người nông dân như: Tập trung, tích tụ đất nông nghiệp; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
Mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hoá, suy giảm chất lượng đất.
Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Chính sách ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất; chính sách thu hồi đất giao khoán không đầu tư từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng, miền... |