Sau bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi Diễn Yên Thủy, cam Cao Phong Hòa Bình lần đầu có mặt tại thị trường Anh qua đường xuất khẩu chính ngạch, đánh dấu sự trở lại của loại trái cây đặc sản miền bắc trên thị trường thế giới sau hơn 40 năm.
|
Cam Cao Phong. (Ảnh minh họa: nhandan.vn) |
Theo TTXVN, để vào thị trường Anh, sản phẩm cam Cao Phong của Công ty cổ phần RYB (Hòa Bình) đã đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm và nguồn gốc xuất xứ, trong đó có yêu cầu phân tích, xét nghiệm bắt buộc gần 900 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.
Tập đoàn Longdan đã nhập khẩu gần 7 tấn cam Cao Phong và đưa vào bán tại chuỗi siêu thị Longdan tại London và một số thành phố ở Anh, đồng thời được phân phối tới các nhà bán buôn và bán lẻ các sản phẩm Việt Nam và châu Á tại Anh, bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại.
Trước đó, vào tháng 2, tập đoàn Longdan, nhà nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất tại Anh nhập khẩu hơn 5 tấn bưởi đỏ Tân Lạc và 11 tấn bưởi Diễn, đánh dấu sự ra mắt của hai loại quả đặc sản Hòa Bình tại Anh qua đường xuất khẩu chính ngạch.
Tham tán Thương mại Ðại sứ quán Việt Nam tại Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết, việc bưởi Diễn và cam Cao Phong xuất khẩu sang thị trường Anh cho thấy sự tiến bộ vượt bậc của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trái cây Việt Nam, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất Global GAP. Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, nhu cầu của thị trường Anh đối với cam và bưởi, đặc biệt là cam rất lớn, mỗi năm nhập khẩu khoảng 420 tấn cam, trị giá 263 triệu bảng (315 triệu USD), phần lớn từ Tây Ban Nha, Nam Phi, Maroc và Ai Cập.
Ông Cường cho rằng, trong khi hầu hết các loại trái cây tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh như vải, xoài, thanh long… đều gặp khó khăn về bảo quản, xuất khẩu cam và bưởi thuận lợi hơn do đặc điểm của các loại trái cây này, đặc biệt là bưởi, cần thời gian nhất định từ lúc thu hoạch tới lúc sử dụng để có chất lượng tốt. Tuy nhiên, ông lưu ý mặc dù cam Cao Phong và bưởi Diễn có chất lượng vượt trội so với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại tại Anh, yếu tố giá cả là một trong những bài toán các doanh nghiệp Việt Nam cần giải quyết để có thể cạnh tranh và mở rộng thị trường tại Anh.
Theo Tham tán Thương mại, cam và bưởi Việt Nam là những sản phẩm mới tại thị trường Anh, vì vậy doanh nghiệp xuất khẩu cần có chiến lược marketing, đặc biệt là digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số) để giới thiệu các loại trái cây đặc sản này tới người tiêu dùng Anh. Ông nhấn mạnh đây là xu hướng của thế giới mà doanh nghiệp Việt Nam cần sớm áp dụng tại một thị trường phát triển như Anh với khoảng cách địa lý khá xa Việt Nam.