Nông dân Đắk Lắk tất bật chăm sóc vườn cà-phê sau Tết Nguyên đán Quý Mão
08:13 - 01/02/2023
Sau những ngày đón Tết, vui Xuân Quý Mão 2023, người trồng cà-phê ở Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên lại hối hả ra đồng tưới nước đợt 2 cho vườn cà-phê niên vụ 2022-2023, để cây cà-phê kịp bung hoa, đậu quả.
Ngoài cách tưới truyền thống trực tiếp bằng ống, nhiều người trồng cà-phê ở Đắk Lắk đã áp dụng công nghệ tưới tự động để tiết kiệm nước, thích ứng biến đổi khí hậu.


Thời tiết những ngày sau Tết ở Tây Nguyên khá lạnh và gió, nhưng người dân ở các buôn làng đều ra rẫy, người thì đặt máy bơm, người kéo ống nước, người tưới nước... tạo không khí lao động sản xuất vui tươi, rộn ràng trong những ngày đầu Xuân mới.

Việc tưới cà-phê đúng thời điểm và tưới đủ lượng nước để hoa cà-phê nở đều, không ra hoa chanh có tính quyết định đến năng suất, sản lượng cà-phê của niên vụ. Vì vậy, người trồng cà-phê dành rất nhiều công sức, tâm huyết và đầu tư cho việc tưới, chăm sóc vườn cà-phê.

Sau khi thu hoạch xong cà-phê niên vụ 2021-2022, trước Tết người dân đã cắt tỉa cành và tưới đợt 1, đến ngày 29/1 (tức ngày mùng 8 Tết) là đúng 20 đến 25 ngày, thời điểm tưới nước đợt thứ 2 để cây cà-phê đủ lượng nước tiếp tục ra hoa và nuôi quả non trong mùa nắng hạn.

Gắn bó với cây cà-phê hơn 30 năm nay, ông Trần Văn Đức ở thôn Quyết Thắng, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk sau khi kéo ống nước và bật cầu dao điện bơm nước tưới xong, cho biết: Gia đình ông hiện làm được 2,5ha cà-phê, niên vụ vừa qua ông thu hoạch được gần 10 tấn cà-phê nhân, năng suất cao nhất trong vùng. Theo ông, việc trồng, chăm sóc cây cà-phê quan trọng nhất là thời điểm tưới nước, nếu như mình tưới không đúng thời điểm hay tưới thiếu nước, vườn cà-phê ra hoa chanh sẽ không đậu quả, ảnh hưởng đến năm suất. Còn nếu tưới đúng thời điểm, tưới đủ lượng nước, vườn cà-phê sẽ nở hoa đều và đậu quả nhiều, cho năng suất cao. “Vì vậy, sau những ngày đón Tết, vui Xuân cùng người thân và bà con xóm giềng, ngày mùng 8 Tết gia đình tôi ra rẫy tập trung bơm nước tưới đầy đủ cho vườn cà-phê, hy vọng năm nay vườn cà-phê cũng cho năng suất cao như mọi năm”, ông Đức chia sẻ.

Còn ông Y Thu Niê ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin đang lắp máy bơm điện tưới nước cho hơn 1ha cà-phê của gia đình tâm sự: "Thời tiết ở Đắk Lắk năm nay không nắng gắt như những năm trước đây và cũng chưa xảy ra tình trạng thiếu nước tưới, nhưng hôm nay mùng 8 Tết mình phải đi tưới để bảo đảm đủ nguồn nước cho cây cà-phê nuôi quả. Cà-phê là giống cây trồng cần nhiều nước trong mùa khô và được chia thành nhiều đợt tưới. Thường mỗi vụ cà-phê người dân tưới khoảng 3 đến 4 đợt. Những gia đình tưới nước đầy đủ, đúng thời điểm và chăm sóc tốt thì cuối năm vườn cây cho năng suất cao, còn những gia đình tưới nước không đầy đủ, chăm sóc không đúng kỹ thuật thì năng suất thấp, thậm chí thu không đủ chi…".

Không chỉ ở huyện Cư M’gar, Cư Kuin mà trong ngày 29/1, nông dân các huyện trọng điểm trồng cà-phê ở Đắk Lắk như Krông Pắc, Krông Năng, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ… đều ra đồng kéo dây, bắt bơm tưới cà-phê bắt đầu cho một vụ mùa mới. Nhiều gia đình tranh thủ tưới cà-phê từ ngày mồng 6 Tết để con cái đi làm ăn xa.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, niên vụ cà-phê 2021-2022, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 213.000ha cà-phê, tăng hơn 3.300ha, tổng sản lượng ước đạt hơn 526.000 tấn, tăng hơn 17.800 tấn so với niên vụ trước.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà-phê của tỉnh đạt hơn 810 triệu USD, chiếm tỷ trọng 21% so với cả nước. Dự kiến diện tích cà-phê niên vụ 2022-2023 toàn tỉnh có khoảng 204.000ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 526.000 tấn.

Đến nay, sản phẩm cà-phê Đắk Lắk đã xuất khẩu đến 64 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản tiếp tục là thị trường lớn nhất của cà-phê Đắk Lắk. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà-phê của tỉnh đạt hơn 810 triệu USD, chiếm tỷ trọng 21% so với cả nước. Dự kiến diện tích cà-phê niên vụ 2022-2023 toàn tỉnh có khoảng 204.000ha, tổng sản lượng ước đạt khoảng 526.000 tấn.

Cà-phê vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk và phần lớn người nông dân trên địa bàn đều sản xuất cà-phê. Tuy nhiên, việc sản xuất cà-phê ở Đắk Lắk vẫn còn một số hạn chế như: Hình thức tổ chức sản xuất còn rời rạc, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng xuống cấp, thiếu đồng bộ, cà-phê có chỉ dẫn địa lý còn ít, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, khó khăn trong vay vốn ngân hàng, biến động giá vật tư đầu vào, phí vận chuyển tăng cao, nhiều diện tích cà-phê già cỗi, năng suất, chất lượng thấp chưa được tái canh kịp thời… đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của người sản xuất cà-phê.

Để khắc phục những hạn chế, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cà-phê, nhất là trong công đoạn tưới nước, những năm gần đây, ngoài cách tưới truyền thống trực tiếp bằng ống, nhiều người trồng cà-phê ở Đắk Lắk đã áp dụng công nghệ tưới tự động để tiết kiệm nước, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến…

Mùa hoa cà-phê là mùa đẹp nhất trong năm ở Tây Nguyên, hoa cà-phê nở trắng nương rẫy, trên các sườn đồi, những đàn ong di cư đổ về các rẫy cà-phê tìm mật. Hòa trong tiết trời đầu Xuân, người nông dân ngày đêm thức tưới nước cho các vườn cà-phê đâm hoa nảy lộc, với bao hy vọng đón chờ một vụ mùa bội thu, giúp người nông dân bớt khó khăn, cơ cực.

 
Nguồn: nhandan.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn