Kinh tế Việt Nam năm 2022: Ổn định, phát triển trong thế giới bất định
Năm 2022, với quan điểm chỉ đạo điều hành xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà phải tìm sự ổn định trong sự bất định; tìm sự chủ động trong thế bị động; tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn.
Nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có thể xem là “phép màu ở châu Á”, là “điểm sáng tăng trưởng kinh tế” trong số các nước châu Á-Thái Bình Dương.
“Điểm sáng” trong bức tranh kinh tế thế giới
“Chúng ta cần phải kể câu chuyện thành công của Việt Nam ra thế giới”, đó phát biểu của ông Tim Evans, Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn HSBC Việt Nam tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hồi tháng 9/2022.
Không chỉ ông Tim Evans mà nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới, các quan chức nước ngoài và truyền thông quốc tế cũng bày tỏ ấn tượng về sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Việt Nam năm 2022, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn.
Tại cuộc gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2022 ở Thái Lan, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá, kinh tế Việt Nam vẫn là “điểm sáng về tăng trưởng và ổn định” trong khu vực, với nền kinh tế mở, năng động, có sức chống chịu qua đại dịch Covid-19.
Điểm sáng nhất trong nền kinh tế Việt Nam năm 2022 chính là kiểm soát được tỷ lệ lạm phát tương đối thấp trong bối cảnh các nước trên thế giới chật vật đối phó với lạm phát phi mã và “bão giá”.
Chủ tịch điều hành Quỹ đầu tư Dragon Capital (Anh) - ông Dominic Scriven nhận định, trong khi sự bất ổn trên toàn cầu năm 2022, chủ yếu là do khủng hoảng lương thực và năng lượng, Việt Nam dường như không chịu tác động quá lớn. Việt Nam là nhà sản xuất lớn và tương đối ổn định, bên cạnh khả năng sản xuất năng lượng tương đối, trong khi lượng nhập khẩu xăng dầu không quá lớn so với quy mô của cả nền kinh tế.
Theo báo cáo của IMF, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 và áp dụng chiến lược sống chung với dịch, cũng như đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà. Sự chuyển hướng chiến lược sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã tạo ra tiền đề thuận lợi cho kinh tế Việt Nam từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển trong năm 2022.
Tìm sự chủ động trong thế bị động
Năm 2022, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, khó khăn hơn nhiều dự báo khi xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao…
Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Với quan điểm chỉ đạo điều hành xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà phải tìm sự ổn định trong sự bất định; tìm sự chủ động trong thế bị động; tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng. Thủ tướng đã đưa ra thông điệp quan trọng về tập trung thực hiện “4 ổn định”, “3 tăng cường”, “2 đẩy mạnh”, “1 tiết giảm” và “1 kiên quyết không” để phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
Chính phủ cũng hết sức quyết liệt yêu cầu các cấp, các ngành phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, của đất nước; các địa phương phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, đi lên từ “bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất” của mình, nỗ lực vượt lên chính mình, không trông chờ, ỷ lại; sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.
Kết quả, GDP năm 2022 tăng 8,02%, xếp hạng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Quy mô nền kinh tế nước ta ước đạt khoảng 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.000 USD; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt trên 730 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đều tăng trưởng ấn tượng; lương thực, thực phẩm được bảo đảm, đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế; thị trường lao động phục hồi nhanh, phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại tăng mạnh…
|
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 được nhiều định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm |
Nỗ lực vượt khó trong năm 2023
Năm 2023, dự báo tình hình thế giới tiếp tục phức tạp về mọi mặt; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Ở trong nước, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới với thế và lực mới; tuy nhiên, chúng ta cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức, nhất là tác động của suy thoái kinh tế, tài chính toàn cầu; dịch bệnh, đời sống, việc làm... Do đó, để phát huy những thành tựu của năm 2022, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì càng phải bình tĩnh, đoàn kết, thống nhất, sáng suốt vượt qua; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng cũng không hoang mang, dao động.
Biến thách thức thành cơ hội, kiên định mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, thận trọng, chủ động, linh hoạt; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác; không chuyển trạng thái đột ngột, không điều hành giật cục. Điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sát thực tiễn tình hình; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và các loại dịch bệnh khác, tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế, củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và cá thể hóa trách nhiệm; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Nhiệm vụ trước mắt hết sức nặng nề, khó khăn, thử thách chồng chất, để hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2023, Tổng Bí thư nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương: Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chúng ta cần chủ động đối phó với mọi tình huống, đặc biệt là những khó khăn thách thức mới phát sinh; tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với kết quả, thành tích đã đạt được... Phải quán triệt thật sâu sắc hơn nữa, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững... Quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế... Tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội... Đẩy mạnh và làm tốt hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị... Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc Chính phủ cùng các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tăng cường đoàn kết, nhất trí, nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia và Nhân dân lên trên hết, vì đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, vì một Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Năm 2023 nhất định phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022.
Các định chế tài chính quốc tế lớn đều có những đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam, là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Moody’s nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên Ba2 với triển vọng “ổn định”; S&P nâng hạng lên BB+ với triển vọng “ổn định”; Fitch Ratings xếp hạng BB với triển vọng “tích cực”. Nikkei Asia đánh giá chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu thế giới…
Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022, đồng thời, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019-2022).
Theo công bố của WIPO, Chỉ số về thể chế của Việt Nam tăng 32 bậc (từ 83 lên 51) trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 (GII). Forbes nhận định, GDP bình quân đầu người của Việt Nam giai đoạn 2006-2021 tăng gần 371% (tăng gần 5 lần).
|