Chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ ở đồng bằng sông Cửu Long
16:07 - 10/01/2023
Theo các chuyên gia, hoạt động khoa học và công nghệ tại đồng bằng sông Cửu Long cần được quan tâm hơn nữa để tương xứng với nhu cầu phát triển. Trong đó, cần ưu tiên tăng cường nghiên cứu, phổ biến và ứng dụng chuyển giao công nghệ để phục vụ trực tiếp cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tập trung nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ ưu tiên phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, y sinh...
 

Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố, chiếm 12% diện tích, 19% dân số của cả nước, có lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo.

Đây là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.

Theo một số chuyên gia, bao năm qua, thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long vẫn chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp. Hoạt động công nghiệp của vùng chưa có sự phát triển tương xứng tiềm năng.

Tuy là khu vực quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của cả nước, nhưng phần lớn doanh nghiệp là nhỏ, siêu nhỏ; thiếu lao động có tay nghề trình độ cao, năng suất lao động thấp.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ một số tỉnh, thành phố tại đồng bằng sông Cửu Long cho biết, hiện nay, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng khoa học-công nghệ dù được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng nhu cầu phát triển; tác động của khoa học và công nghệ đến kinh tế-xã hội chưa rõ nét, việc đánh giá hiệu quả tác động của các chương trình, dự án, đề tài khoa học và công nghệ triển khai thực hiện cần thời gian để nghiên cứu, ứng dụng hoàn thiện vào cuộc sống.

Cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ chưa thật sự tạo động lực phát huy hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ. Các quy định pháp luật và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp chưa đi vào chiều sâu.

Chất lượng các dịch vụ cung cấp cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp. Các tổ chức hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn dàn trải, hoạt động riêng lẻ ở từng ngành, lĩnh vực; thiếu đơn vị dẫn dắt cho nên một số hoạt động hỗ trợ vẫn còn thiếu sự liên kết.

Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, việc tăng hàm lượng khoa học và công nghệ cho các sản phẩm tại đồng bằng sông Cửu Long là hết sức cần thiết.

Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều chiến lược để giúp đồng bằng sông Cửu Long có thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế vùng. Ngày 28/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó chỉ rõ: Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới; chú trọng phát triển đồng bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ, tín hiệu đáng mừng là thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố đã được hình thành và dần hoàn thiện.

Sở tổ chức 59 chương trình đào tạo, hội thảo, tọa đàm, mini talkshow, với hơn 6.000 lượt tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp tham dự. Diễn đàn trực tuyến về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (www.canthostartup.vn) cũng được thành lập.

Thành phố hiện có 15 tổ chức khoa học và công nghệ, vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công lập và ngoài công lập, hỗ trợ hơn 100 dự án, ý tưởng khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo của các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, vận tải,... Cơ sở vật chất-kỹ thuật và trang thiết bị tại các tổ chức khoa học và công nghệ công lập đã được nâng cấp và cải thiện đáng kể.

Thời gian qua, do đại dịch Covid-19, đời sống kinh tế-xã hội của vùng bị ảnh hưởng lớn. Nhiều doanh nghiệp có công nghệ sản xuất, trang thiết bị cũ, lỗi thời, lạc hậu đối mặt nhiều khó khăn và thách thức.

Chỉ từ tháng 6 đến tháng 8/2021, gần 10 nghìn doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long rút khỏi thị trường (tạm dừng kinh doanh, ngừng hoạt động và giải thể). Nhiều chuyên gia đánh giá, kinh tế khu vực bị thiệt hại lớn một phần do ngành chủ lực là chế biến, nguyên liệu không thể lưu trữ hay bảo quản lâu được. Vì vậy, việc ứng dụng, phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm là vô cùng cần thiết.

Theo các chuyên gia, thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ ưu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, công nghệ chế tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, y sinh, năng lượng...; nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ mới, nhất là các công nghệ ứng dụng trong sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ thực hiện dự án tham gia chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp...


 
Nguồn: nhandan.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn