Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ dịp Tết cho lao động phải nghỉ việc, giãn việc dài ngày do đơn hàng giảm.
|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 7 khóa IX, ngày 27/12 |
Vừa qua, dự hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 7 khóa IX, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại quan điểm Việt Nam cần phát triển nhanh hơn để đuổi kịp các nước, nhưng phải bền vững, lo cho môi trường và đảm bảo công bằng xã hội.
Đến nay, toàn quốc có 55 triệu lượt người được hỗ trợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 85.000 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hưởng ứng, kêu gọi người dân, doanh nghiệp đóng góp cho các quỹ phòng chống Covid-19. Xã hội tạo được đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ.
"Yêu cầu phát triển hiện nay không chỉ tăng trưởng nhanh, đơn thuần mà còn phải bền vững, từ bảo vệ môi trường đến chú trọng các vấn đề văn hóa, xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau", Phó thủ tướng nói.
Dự báo năm 2023 tốc độ tăng trưởng thấp hơn năm nay. Ông Đam kỳ vọng, bằng những tiềm lực tích tụ được, Việt Nam sẽ duy trì đảm bảo an sinh xã hội, điều chỉnh một số chính sách cho các nhóm cần đặc biệt quan tâm.
Một ngày trước, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết dự kiến chi tiền mặt hỗ trợ hơn 100.000 lao động bị giảm việc, mất việc mức 1-3 triệu đồng, tổng kinh phí 300 tỷ đồng. Gói hỗ trợ từ tài chính công đoàn được gấp rút triển khai trong bối cảnh gần 483.000 lao động bị giảm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng tại 1.240 doanh nghiệp ở 44 tỉnh thành.
Tổng liên đoàn dự tính người bị giảm việc, giảm giờ làm hưởng một triệu đồng mỗi người; lao động chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận 2 triệu đồng và công nhân chấm dứt hợp đồng nhưng chưa tìm được việc làm mới được hỗ trợ 3 triệu đồng.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức, giảm 17 tổng cục, 145 vụ, ban thuộc cơ quan hành chính, dành biên chế cho những chỗ cần thiết. Uy tín việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. "Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống khi hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới lao đao", ông Đam nói.
Ông cho rằng đa số các nước đang phát triển đều tập trung phát triển kinh tế, sau đó mới chú ý đến môi trường, nhưng vấn đề văn hóa - xã hội đều không dành nhiều nguồn lực. Nguyên nhân là trong ngắn hạn, văn hóa không làm ra tiền mà chỉ tiêu tiền, lại chưa phải vấn đề cấp bách "cháy nhà, chết người". Ai cũng cảm thấy mình biết về văn hóa - xã hội, nên ít coi trọng ý kiến chuyên gia, người có kinh nghiệm thực tiễn.
"Sau hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021, vấn đề này đã chuyển biến rõ rệt. Tôi mong muốn thời gian tới các đơn vị quan tâm, dành nhiều thời gian, đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho văn hóa xã hội", Phó thủ tướng nói.
Đến cuối tháng 11, hơn 1.200 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã làm ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 8,8%). Số bị giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động là 91,2%. Trong đó, 30.300 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và hơn 9.400 người đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới một tuổi.