Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng chính sách vượt trội phát triển TP HCM
11:54 - 03/01/2023
Bộ Chính trị yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP HCM.
Đường Võ Văn Kiệt, TP HCM. 


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 30/12 thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Chính trị yêu cầu Thành ủy TP HCM chỉ đạo chính quyền thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhanh chóng xây dựng, hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017, trình Quốc hội sớm nhất.

Bên cạnh ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54, cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP HCM, Đảng đoàn Quốc hội còn được Bộ Chính trị giao xây dựng cơ chế để cụ thể hoá thực hiện Kết luận số 14, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đảng đoàn Quốc hội cũng phải xem xét hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị; sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết có liên quan để bảo đảm đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát thực hiện Nghị quyết mới.

Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp hoàn chỉnh Đề án ban hành Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP HCM trình Quốc hội; ban hành Nghị định của Chính phủ cụ thể hoá tổ chức thực hiện Nghị quyết; đồng thời phối hợp với TP HCM thí điểm một số cơ chế, chính sách vượt trội.

Ban cán sự đảng Chính phủ được giao phân cấp, phân quyền cho TP HCM trên một số lĩnh vực theo Chương trình hành động của Chính phủ; đề xuất nghiên cứu hoàn thiện thể chế pháp luật về đô thị đặc biệt và sửa đổi các luật, nghị định liên quan.

Từ tháng 1/2018, TP HCM thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Thành phố được trao một số quyền ở 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý, gồm: Đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức. Thời gian thí điểm 5 năm.

Tuy nhiên, Chính phủ kiến nghị cho phép TP HCM tiếp tục thí điểm một số cơ chế đặc thù đến hết năm 2023, thay vì cuối năm 2022. Nguyên nhân là TP HCM có 5 năm thí điểm thì năm đầu tiên dành cho xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị triển khai. Sau đó, thành phố lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong hai năm 2020-2021 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết này.Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, TP HCM sẽ trở thành "thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao". Đây cũng là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa..., có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân của thành phố cần đạt 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hoá phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Chính trị đã đưa ra 6 giải pháp chủ yếu. Thứ nhất là tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững; cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất phải quy hoạch, chuyển đổi theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bộ Chính trị yêu cầu phát triển thành phố Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP HCM. TP HCM phải được xây dựng thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp; hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TP HCM...

Thứ hai, thành phố phải nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững. Quy hoạch cần có tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, trọng tâm là lập Quy hoạch TP HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các quy hoạch phải đồng bộ từ phát triển các không gian ngầm, xanh, sông nước, văn hoá, đặc biệt là khu vực trung tâm, các khu đô thị mới, xung quanh các nhà ga Metro theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).

Hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông cần phải được ưu tiên đầu tư hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng. Việc đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia cần đẩy nhanh tiến độ, nhất là tuyến vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt TP HCM - Cần Thơ, nâng cấp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mạng lưới đường sắt kết nối vùng TP HCM.

Bốn giải pháp còn lại gồm phát triển mạnh mẽ văn hoá, xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; ban hành chính sách vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy tính năng động, sáng tạo.

Bộ Chính trị yêu cầu TP HCM sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền tinh gọn, hiện đại; cho phép HĐND TP quyết định việc giao một số nhiệm vụ cho UBND TP Thủ Đức trong phạm vi địa bàn thành phố Thủ Đức.

Bộ Chính trị đã đánh giá, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16 của Bộ Chính trị khoá XI, TP HCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô kinh tế năm 2020 tăng 2,7 lần so với năm 2010, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người tăng gấp đôi. Tuy nhiên, tiềm năng, lợi thế của TP HCM vẫn chưa được khai thác hiệu quả, vai trò đầu tàu đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm. Việc ban hành Nghị quyết mới nhằm khắc phục vướng mắc, phát huy lợi thế, xây dựng và phát triển TP HCM văn minh, hiện đại.


 
Nguồn: VNE
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn