Ninh Bình: Phát huy tốt nguồn lực, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn hiệu quả
10:20 - 23/11/2022
(MTNT) – Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, các cấp Hội đã phát huy tốt nhiều nguồn lực để tạo đà xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn tại các địa phương và mang lại hiệu quả rõ nét.

Các phong trào như: “Sạch từ nhà ra ngõ - sạch từ ngõ vào nhà”;  “Ăn sạch - ở sạch - uống sạch”… được các cấp Hội phát động rộng rãi và thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân đồng tình hưởng ứng

 
Trên cơ sở các kế hoạch, chính sách được ban hành của các cấp chính quyền tỉnh, Hội ND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp Hội ở cơ sở tích cực, chủ động phối hợp cùng ngành chức năng trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể như: Khuyến khích nông dân sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường để ít tiêu hao nhiên liệu; hạn chế dần việc sử dụng nguồn nguyên, nhiên liệu có phát sinh khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính... trong các hoạt động sản xuất, chăn nuôi.

 
Thông qua các chiến dịch truyền thông lớn hàng năm, Hội ND tỉnh đã thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tổ chức phát động bằng nhiều hoạt động cụ thể, thu hút được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức, kĩ năng cho đội ngũ cán bộ Hội ND cấp huyện và cơ sở, Hội ND tỉnh còn quan tâm, phối hợp với ngành chức năng liên quan tổ chức các buổi tập huấn về nghiệp vụ.

 
Theo đó, các nội dung tập huấn chủ yếu gồm: Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; chính sách pháp luật, công tác quản lý của Nhà nước về bảo vệ môi trường; kỹ năng và phương pháp truyền thông vận động hội viên, nông dân nói riêng và Nhân dân nói chung tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch nhằm thay đổi hành vi về vệ sinh môi trường… Đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh việc vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn môi trường xanh- sạch- đẹp ở khu dân cư.


Kết quả, Hội ND tỉnh đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức 65 lớp tập huấn về bảo vệ môi trường cho 7.150 lượt hội viên, nông dân. Đồng thời, tỉnh Hội phối hợp tổ chức 185 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về: Sử dụng phân bón vi sinh; kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn hiệu quả; kỹ thuật trồng rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap…

 
Đáng chú ý, các cấp Hội trong tỉnh đã phát huy tốt các nguồn lực, hướng dẫn và xây dựng được 20 mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại nhiều địa bàn... Thông qua đó, giúp hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, dần chuyển đổi từ tập quán canh tác lạc hậu, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sang qui trình sản xuất hiện đại, cho hiệu quả kinh tế cao và ngày càng thân thiện với môi trường.

 
Đến nay, các phong trào như: “Sạch từ nhà ra ngõ - sạch từ ngõ vào nhà”;  “Ăn sạch - ở sạch - uống sạch”… đã được các cấp Hội phát động rộng rãi và thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân đồng tình hưởng ứng. Đồng thời, mỗi chi Hội ND đều chủ động đăng ký với chính quyền địa phương đảm nhận quản lý một tuyến đường, trong đó có nội dung tự quản về vệ sinh môi trường.

 
Đặc biệt, được sự quan tâm và hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tiến hành khảo sát, lựa chọn một số điểm nóng về môi trường như ở các làng nghề hay khu du lịch để triển khai xây dựng thí điểm 7 mô hình về bảo vệ môi trường. Các mô hình được triển khai làm điểm tại địa bàn các xã gồm: Gia Thịnh và Gia Hưng (thuộc huyện Gia Viễn); thị trấn Yên Ninh (huyện Yên Khánh); Lạng Phong và Phú Lộc (huyện Nho Quan); Ninh Hải (huyện Hoa Lư). Theo đó, có 5.861 hộ hội viên, nông dân tham gia các mô hình và có 21.347 lượt hộ được hưởng lợi.

 
Thông qua việc triển khai xây dựng thí điểm các mô hình về bảo vệ môi trường, các cấp Hội đã trang bị cho hội viên, nông dân 66 xe thu gom rác thải, 70 thùng đựng rác công cộng, 1.928 thùng đựng rác đặt tại các hộ gia đình. Đồng thời, xây dựng 02 bể xử lý rác thải, tổ chức gắn biển “Điểm du lịch không có rác”, vận động thành lập các Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”, tổ chức các đội đi thu gom rác thải tại các địa bàn…

 
Có thể thấy, hoạt động thu gom rác thải tại các địa phương được triển khai mô hình điểm đều đã đi vào nề nếp, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Đồng thời, hội viên, nông dân nhận thấy lợi ích thiết thực của các mô hình đã nhiệt tình tham gia, hưởng ứng, tự nguyện đóng góp bằng ngày công, kinh phí, sáng kiến để tiếp tục làm tốt việc thu gom, vận chuyển rác thải, góp phần cải tạo môi trường sống và cảnh quan nông thôn. 

 
Hội ND huyện Yên Mô được đánh giá là một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh về công tác bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Bằng nhiều cách làm hay, giải pháp phù hợp, các cấp Hội trong huyện đã tích cực tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, hội viên, nông dân trong việc tích cực tham gia bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng xanh- sạch- đẹp và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 
Hàng năm, Hội ND huyện tổ chức cho các cấp Hội tham gia đăng ký các chỉ tiêu thi đua. Cụ thể như: Không có người vi phạm bảo vệ môi trường; không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn; xây dựng các mô hình hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường…

 

 

Trên cơ sở khảo sát thực trạng vấn đề môi trường tại địa bàn xã Yên Thái, đồng thời căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội ND tỉnh đã xây dựng dự án mô hình điểm “Hội Nông dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình, cụm dân cư, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”. Đến nay, mô hình đã đạt được những thành công bước đầu đáng ghi nhận.

 
Để triển khai mô hình đạt hiệu quả, Hội ND tỉnh đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, quan tâm chỉ đạo các cấp Hội tổ chức việc khảo sát, lựa chọn các hộ nông dân nhiệt tình, có trách nhiệm trên địa bàn xóm Dầu để tham gia thực hiện mô hình, trên tinh thần đảm bảo tính công khai, dân chủ, khách quan.

 
Hội ND tỉnh trực tiếp tập huấn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” về những kỹ thuật như: Phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại hộ thành phân bón cho cây trồng; hướng dẫn các hộ đặt thùng ủ phân hữu cơ, các xô phân loại rác; dán tờ hướng dẫn kỹ thuật tại những vị trí phù hợp để thuận tiện cho việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải ngay tại nguồn… Nhờ đó, hội viên, nông dân tự giác thực hiện việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, biết tận dụng lượng rác hữu cơ (ủ rác bằng chế phẩm vi sinh) để xử lý thành phân bón cho các loại cây trồng.

 
Từ khi triển khai mô hình đã giúp giảm thiểu đáng kể lượng rác thải sinh hoạt cần phải thu gom, vận chuyển trên địa bàn xóm Dầu. Mặt khác, còn giúp giảm được khá nhiều chi phí trong việc thuê nhân công đi thu gom, vận chuyển và xử lí rác thải. Tham gia mô hình cũng đã giúp nâng cao nhận thức, ý thức của hội viên, nông dân trên địa bàn xã, từ đó dần thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo vệ môi trường và tham gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả.  
 

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, Hội sẽ tiếp tục quan tâm và nhân rộng các mô hình hiệu quả; tăng cường phối hợp với ngành chức năng triển khai các giải pháp cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giúp hội viên, nông dân yên tâm sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Thanh Hảo
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn