Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn
10:20 - 15/11/2022
(MTNT) – Thời gian qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Hội Nông dân các cấp cùng những nỗ lực triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã giúp cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Nhờ nhận thức rõ vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động chính là giải pháp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hàng năm, các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức tổ chức để tăng tính hiệu quả. Thông qua đó, các cấp Hội thường xuyên vận động cán bộ, hội viên, nông dân nghiêm túc, chủ động thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực triển khai hoạt động của các cấp Hội trong lĩnh vực tham gia bảo vệ tài nguyên, môi trường.


Tại nhiều địa phương, những mô hình “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” cho thấy đã mang lại kết quả thiết thực, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn sạch đẹp

 
Các cấp Hội tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn phát động nhiều phong trào, xây dựng và nhân rộng các mô hình thiết thực nhằm bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình khi triển khai thực hiện đã cho thấy phát huy được những kết quả tích cực, thu hút sự quan tâm, đồng tình cùng việc tham gia, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân trong cả nước. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cũng như nhận thức chung của cả cộng đồng trong việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 
Để hoạt động bảo vệ môi trường dần đi vào nề nếp, Hội ND tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia hưởng ứng. Thông qua các hoạt động và nhiều mô hình cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện ở từng địa phương, hội viên, nông dân trong tỉnh đã góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm; đồng thời, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, đô thị ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp và văn minh.

 
Ngay từ đầu năm, Hội ND tỉnh cũng chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch và tham gia các hoạt động để hưởng ứng các sự kiện, chủ đề lớn về môi trường. Đồng thời, các cấp Hội phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trang bị và bổ sung kiến thức về bảo vệ môi trường nông thôn cho cán bộ, hội viên, nông dân; vận động nông dân chuyển đổi sản xuất theo quy trình trồng trọt, chăn nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP…

 
Đáng chú ý, Hội ND tỉnh còn đưa chỉ tiêu “Tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường” trở thành một trong những chỉ tiêu chính để tiến hành việc đánh giá, xếp loại hàng năm. Trên cơ sở đó, các cấp Hội xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành để triển khai thực hiện các chương trình, hoạt động. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội đã huy động được sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên, nông dân trong thực hiện tiêu chí về môi trường.
Những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo việc tiến hành thu gom, xử lý, tiêu hủy đúng quy định các loại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp. Nhận thức rõ tầm quan trọng của hoạt động này, các cấp Hội đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân và người dân cùng chung tay thực hiện.

 
Đến nay, trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, phong trào hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Tại nhiều cánh đồng sản xuất đang được bà con nông dân hưởng ứng bằng việc xây dựng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt gắn với thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng.

 
Hiện, có nhiều mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn gắn với sản xuất, kinh doanh an toàn đã được xây dựng và nhân rộng tại các địa phương như: Huyện Quảng Yên, huyện Đầm Hà, thị xã Đông Triều, thành phố Hạ Long... Qua đó, từng bước giúp hội viên, nông dân khắc phục thói quen xả thải các phế phẩm nông nghiệp, vỏ chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, bừa bãi khắp nơi như trước đây.

 
Kết quả, các cấp Hội đã xây dựng và duy trì gần 100 mô hình bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các khu vực sản xuất; xây dựng 215 hầm biogas. Đồng thời, các cấp Hội tập trung chỉ đạo việc xây dựng các mô hình xử lý rác thải, mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi… Đáng chú ý, các cấp Hội cũng đang tích cực triển khai và duy trì hoạt động của trên 640 mô hình chi Hội thực hiện tiêu chí “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng” mang lại nhiều hiệu quả rõ nét.

 
Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về đề án trồng 1 tỷ cây xanh, thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia trồng mới hàng trăm ha rừng, nhất là các loại cây gỗ lớn. Qua đó, góp phần phủ xanh nhiều diện tích đất rừng, cải thiện môi trường sinh thái, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập bền vững cho người dân.

 
Để công tác bảo vệ môi trường mang lại kết quả tích cực, những năm qua, Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ sở Hội chủ động phối hợp với các cấp, các ngành chức năng tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, đa dạng để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng, cùng chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng cũng như giữ sạch môi trường sinh thái ở nông thôn.

 
Đến nay, 100% các huyện, thành Hội đều xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường ở các cơ sở, chi, tổ Hội, Câu lạc bộ nông dân. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức các hoạt động cao điểm trùng vào những đợt phát động hưởng ứng các ngày lễ lớn về môi trường đã giúp phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo hội viên, nông dân cũng như người dân nông thôn.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, vận động về công tác bảo vệ môi trường. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức cho các cán bộ, hội viên, nông dân để ngày càng có trách nhiệm và xây dựng nếp sống thân thiện với môi trường.

 
Đáng chú ý, Hội ND tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực của Trung ương Hội triển khai nhiều mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ” mang lại hiệu quả thiết thực và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của hội viên, nông dân. Thông qua đó, các cấp Hội hướng dẫn hội viên, nông dân phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn; hỗ trợ giống cây trồng rừng ngập mặn; hỗ trợ xe chở rác, thùng đựng rác, chế phẩm sinh học để ủ rác thành phân bón hữu cơ; thành lập các tổ tự quản về bảo vệ môi trường….
 

Hàng năm, các cấp Hội cũng tổ chức cho các chi, tổ Hội triển khai tới từng gia đình hội viên, nông dân ký cam kết thực hiện 6 nội dung "Gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường"; đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào chỉ tiêu xếp loại thi đua bình xét, đánh giá. Đồng thời, phát động mỗi cơ sở Hội có một việc làm cụ thể để tham gia bảo vệ môi trường như: Thu gom rác thải trong thôn, xóm và khu dân cư; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; trồng mới, bảo vệ và chăm sóc hàng cây; xây dựng các tuyến đường không rác thải...

 
Một số đơn vị đã phối hợp triển khai rất tốt, điển hình như Hội ND huyện Quảng Xương thời gian qua đã triển khai và nhân rộng các mô hình “Tổ tự quản Bảo vệ môi trường”, “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật” mang lại kết quả thiết thực… Qua đó, các cấp Hội đã vận động xây dựng được 2.613 thùng chứa rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên khắp các cánh đồng; xây dựng 290 mô hình đoạn đường nông dân tự quản...

 
Hội ND huyện còn phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho hội viên, nông dân để nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn nguồn nước sạch; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; không xả, vứt rác thải bừa bãi... Ngoài ra, các cấp Hội vận động hội viên, nông dân hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch, cách pha trộn các loại chế phẩm sinh học để tận dụng nguồn phế, phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tái chế trở thành phân bón hữu cơ đem phục vụ cho cây trồng.

 
Nhiều phong trào, mô hình và cách làm hay khi được triển khai đã tạo ra hiệu ứng và có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân cùng tham gia. Tiêu biểu như chương trình “Ngày chủ nhật xanh” đã vận động đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia dọn dẹp, làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, tháo gỡ biển quảng cáo trái phép để tránh che khuất tầm nhìn. Nhờ đó góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên những tuyến đường liên thôn, liên xã.

 
Mặt khác, các cấp Hội còn phối hợp với các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn và vận động hội viên, nông dân tiến hành việc thu gom, phân loại chất thải, rác thải sinh hoạt tại gia đình; hình thành và duy trì các tổ thu gom, xử lý rác thải ở tất cả các thôn, xóm, khu dân cư đem tập trung, vận chuyển rác tới các địa điểm để xử lý theo quy định. Các cấp Hội cũng huy động được sự tham gia của cả cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải tại địa bàn nông thôn nhằm sớm phát hiện, xử lý kịp thời những phát sinh, điểm nóng, không để xảy ra những hành vi gây ô nhiễm môi trường.

 
Có thể thấy, thông qua những hoạt động được các cấp Hội triển khai đã khuyến khích hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu việc tiêu hao nhiên liệu. Đồng thời, còn giúp hạn chế dần việc sử dụng các nguồn nguyên, nhiên liệu làm phát sinh nhiều loại khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính... Nhờ đó, công tác bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng có những tín hiệu vui, đi vào chiều sâu, góp phần tích cực trong việc xây dựng các địa phương sạch đẹp và văn minh.

 

Thành Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn