Xuất khẩu cá tra năm 2022 ước đạt 2,4 tỷ USD
16:17 - 19/12/2022
Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức Hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023”.

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì Hội nghị.
 

Kết quả tăng trưởng ấn tượng

Thủy sản là ngành hàng có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022 với kim ngạch xuất khẩu dự kiến vượt 11 tỷ USD, riêng kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021.
 

Hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất là Trung Quốc (chiếm 30%), Mỹ (chiếm 23%). Giá trung bình xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,26 USD/kg, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như EU, Thái Lan, Mexico v.v.. 
 

Theo số liệu thống kê, diện tích thả nuôi cá tra trong năm 2022 của cả nước ước đạt 5.750 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 1,68 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến 30/11/2022, có 356 giấy chứng nhận VietGAP thủy sản đã được cấp cho 356 cơ sở nuôi cá tra với diện tích 3.192 ha tại 11 tỉnh.
 

Cả nước hiện có 105 cơ sở sản xuất giống, tập trung tại tỉnh An Giang và Đồng Tháp; có 2.570 cơ sở ương dưỡng giống cá tra đang hoạt động, tập trung tại các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An và thành phố Cần Thơ.
 

Ước tính sản lượng giống sản xuất được trong năm 2022 đạt 27 tỷ con cá tra bột và 3,8 tỷ con cá tra giống.
 

Theo VASEP, giá xuất khẩu cá tra phi lê tăng từ 28 - 66% so với cùng kỳ năm 2021, kéo theo giá cá tra nguyên liệu cũng tăng. Giá thu mua cá nguyên liệu trong năm 2022 duy trì mức 27.000 - 29.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giữ ở mức 30.000 - 31.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021 nên nhìn chung, doanh nghiệp, cơ sở nuôi tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra đều có lãi.
 

Xuất khẩu cá tra năm 2022 ước đạt 2,4 tỷ USD

Tại Hội nghị, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực ngành hàng cá tra như: Tăng cường quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trong công đoạn nuôi; tiếp tục tổ chức hợp tác, liên kết chuỗi; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra nhằm khẳng định vị thế sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thương mại thế giới; tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho thị trường nội địa, đặc biệt quan tâm đến bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học v.v..
 

Theo ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, để phát triển ngành hàng cá tra cần thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng nuôi; bố trí nguồn lực thực hiện sản xuất con giống, nuôi trồng, chế biến đạt hiệu quả; mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc không thực hiện các quy định pháp luật trong nuôi trồng, chế biến cá tra v.v..
 

Đồng Tháp “vươn ra biển lớn” với ngành hàng “tỷ đô”

Tính đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất ngành thuỷ sản của tỉnh đạt 12.831 tỷ đồng, trong đó, ngành hàng cá tra đạt 8.232 tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 985 triệu USD. Tổng diện tích thả nuôi là 2.450 ha, trong đó có 62% diện tích là vùng nuôi thuộc các doanh nghiệp, 38% diện tích là các hộ nuôi cá thể có liên kết đầu vào và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sản lượng hằng năm trên 505 nghìn tấn, cung cấp trên 92% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
 

Toàn tỉnh có 379 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp mã số nhận diện ao nuôi với diện tích trên 1.627,6 ha mặt nước, trong đó có 661,7 ha của 24 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu và 965,9 của hộ cá thể; áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương với trên 42% diện tích thả nuôi.
 

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành hàng cá tra bên cạnh những kết quả khả quan thì vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi đã làm một số bệnh trên thủy sản nuôi xuất hiện thường xuyên và khó điều trị, gây thiệt hại cho người ương nuôi; giá thành sản xuất tăng đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nuôi; chi phí logistics tăng v.v..
 

Nhằm hướng tới nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng cá tra, phát triển ngành sản xuất cá tra thành ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh theo hướng bền vững, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch số 309/KH-UBND về phát triển ngành hàng cá tra tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 theo hướng bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn