Tổ dân vận cộng đồng là gì, tổ này có vai trò như thế nào trong xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk?
Hoạt động hiệu quả của tổ dân vận cộng đồng góp phần không nhỏ trong công tác xây dựng nông thôn mới tại các địa phương khó khăn của tỉnh Đắk Lắk. Vậy tổ dân vận cộng đồng là gì, tổ này có vai trò như thế nào trong xây dựng nông thôn mới?
|
Con đường bê tông thôn Ea Uôl, xã Cư Pui được bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân |
Cư Pui là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk). Xã có 13 thôn, buôn, với gần 2.700 hộ dân, hơn 14.000 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên đời sống rất khó khăn.
Thành lập tổ dân vận cộng đồng
Trước tình hình đó, từ năm 2010, Đảng ủy xã Cư Pui đã thành lập các tổ dân vận bám sát địa bàn, phát huy vai trò tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế.
Theo đó, mỗi thôn, buôn thành lập một tổ dân vận, gồm 7 thành viên là những người trong cấp ủy, ban tự quản, chi hội trưởng các đoàn thể, già làng, người có uy tín.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, trong quá trình hoạt động, các tổ dân vận đã chủ động tạo mối quan hệ mật thiết, gần gũi với người dân, lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề có liên quan như phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, phòng chống dịch bệnh trong các cuộc họp thôn, buôn, sinh hoạt cộng đồng.
Về thôn Ea Uôl, xã Cư Pui những ngày này có thể nhận thấy sự chuyển mình rõ nét. Những con đường đất lầy lội, khó đi trước đây đã được mở rộng, trải nhựa và bê tông hoá khang trang, trải dài tới tận ngõ xóm.
Anh Hoàng Văn Thề, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận thôn cho biết, vào năm 2021, khi xã có chủ trương bê tông hóa tuyến đường liên thôn Ea Uôl với buôn Khanh dài 3 km thì các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường đã tự nguyện đóng góp hơn 40 triệu đồng, hiến đất và ngày công lao động để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Cả làng làm đường, làm tuyến đường hoa nông thôn mới
"Để có được kết quả như trên là cả một quá trình vận động. Khi triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tổ dân vận thôn đều tổ chức họp dân, lấy ý kiến đóng góp của người dân nên đã tạo được sự đồng thuận cao. Nếu cá nhân nào chưa hiểu rõ, các thành viên tổ dân vận phải kiên trì, mềm dẻo từng nhà để vận động, phân tích cho bà con hiểu. Nhờ phát huy dân chủ trong tổ chức thực hiện nên nhiều mục tiêu của thôn đã thành công", anh Thề cho hay.
Anh Thề cũng chia sẻ thêm, vào năm 2017, công trình nhà văn hóa thôn Ea Uôl quy mô 500 m2 với kinh phí xây dựng 150 triệu đồng; nhà văn hóa thôn Ea Lang xây dựng năm 2020, quy mô 2.000 m2 với kinh phí hơn 300 triệu đồng được hoàn thiện và đưa vào sử dụng với 100% kinh phí đều do nhân dân trong hai thôn đóng góp.
Theo thống kê của UBND xã Cư Pui, từ đầu năm 2022 đến nay, xã đã phối hợp với tổ dân vận các thôn, buôn vận động người dân tự nguyện đóng góp gần 420 triệu đồng, hơn 300 ngày công, hiến 3.344 m2 đất, phá bỏ gần 200 cây cà phê và di dời chuồng trại để làm đường giao thông, đường nông thôn mới, nhà văn hóa, trường học. Trên địa bàn xã đã có hơn 15 km đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, tạo điều kiện cho việc đi lại sản xuất và sinh hoạt thuận lợi.
Nhiều tuyến đường hoa nông thôn mới được người dân, cộng động chăm sóc, nhân rộng khiến cho cảnh quan nông thôn mới thêm sạch, đẹp.
"Sau 12 năm hoạt động, các tổ dân vận thôn, buôn trên địa bàn xã Cư Pui đã phát huy hiệu quả trong vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua ở cơ sở; làm nòng cốt nắm bắt tình hình dân tộc, tôn giáo; thực hiện tốt chức năng tham mưu cấp ủy quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự và chung sức xây dựng các tiêu chí nông thôn mới", ông Tâm khẳng định.