Nằm trong vành đai xanh của Thủ đô, để phát triển bứt phá, huyện Ứng Hòa tập trung chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, bền vững.
|
Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gạo Khu Cháy chất lượng cao hoạt động hiệu quả |
Đồng thời quy hoạch lại các tổ hợp cụm, điểm công nghiệp, khu dịch vụ đô thị bảo đảm tiêu chí xanh, sạch, đồng bộ.
Giá trị, sản lượng tăng
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng lúa đạt trên dưới 8.000ha/vụ.
So với năm 2021, huyện Ứng Hòa đã có sự chuyển dịch tăng diện tích gieo trồng các cây hoa màu mang lại năng suất, sản lượng tốt và giảm diện tích gieo trồng các giống cây mang lại hiệu quả trung bình. Đáng chú ý, diện tích trồng lúa chất lượng cao tiếp tục được duy trì và tăng trưởng.Đơn cử, tỷ lệ lúa chất lượng cao vẫn duy trì ở mức khá đạt 5.664ha (lúa nếp, lúa thơm, J02), chiếm 67,9% diện tích gieo trồng lúa (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước). Năng suất lúa vụ Xuân đạt 64,8 tạ/ha, sản lượng đạt 54.140 tấn (tăng 51 tấn so với cùng kỳ năm trước). Tổng giá trị sản xuất 9 tháng năm 2022 (giá so sánh 2010) ước đạt 9.061 tỷ đồng, đạt 65,7% kế hoạch (tăng 7,66% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 3.025 tỷ đồng, đạt 64,79% kế hoạch năm (tăng 5,8% so cùng kỳ năm trước).
Để tăng diện tích gieo trồng cây hoa màu có hiệu quả kinh tế cao, huyện Ứng Hòa đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa theo Đề án 3534 của UBND huyện về “Phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Ứng Hòa theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả bền vững giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Triển khai hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Quyết định 1270/QĐ-UBND ngày 9/4/2021 của UBND huyện, đến nay, huyện Ứng Hòa đã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông nghiệp TP thực hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản năm 2022 tại các xã Phù Lưu, Phương Tú, Tảo Dương Văn, Đồng Tiến, Minh Đức, Đại Hùng và mô hình chăn nuôi tại các xã Cao Thành, Phù Lưu và Đội Bình.
Huyện cũng chỉ đạo các xã vận động nông dân xây dựng thêm các mô hình nhà lưới, nhà màng trồng rau, quả an toàn; định hướng các loại cây trồng cho phù hợp với thổ nhưỡng, tập quán canh tác, có giá trị kinh tế cao. Đến nay, huyện đã thực hiện được 9 mô hình với tổng diện tích 30.984m2, trong đó vùng được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo VietGAP đạt 15,5ha tại Hợp tác xã nông nghiệp thôn Vĩnh Thượng, xã Sơn Công.
Huyện cũng phối hợp với Sở KH&CN đề xuất xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu: Thịt lợn an toàn Ứng Hòa, bưởi ngọt Đồng Tiến và thủy sản an toàn Trầm Lộng trong năm 2022 - 2023. Đến nay, huyện đã được công nhận nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng Khu Cháy, vịt Vân Đình; nhãn hiệu hàng hóa trứng vịt Đông Lỗ.
Với chăn nuôi, thủy sản, huyện Ứng Hòa phát triển các vùng sản xuất tập trung, trang trại quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các xã Phương Tú, Hòa Lâm, Vạn Thái, Liên Bạt và Hồng Quang.