|
Ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.H |
Ông Nguyễn Hữu Thiết – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết: Trong những năm qua, các cấp Hội trên địa bàn thành phố đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng đến tạo ra sản phẩm chủ lực, đặc trưng, ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đến nay, toàn thành phố có 6.080 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương có 42 hộ, cấp thành phố có 325 hộ, cấp quận/huyện có 1.167 hộ và cấp cơ sở có 4.546 hộ. Giai đoạn 2017- 2021 so với giai đoạn 2012- 2016 số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tăng 23%, trong đó, số hộ có mức thu nhập từ 300- 500 triệu đồng/năm tăng 12%; trên 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm tăng 14,5%.
Hiện nay đang phát triển nhiều mô hình trồng hoa lan, hoa treo các loại theo hướng ứng dụng công nghệ cao phục vụ hoạt động du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố; các mô hình nuôi trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu như bưởi da xanh ở xã Hòa Ninh diện tích 6ha; vùng trồng cây nguyên liệu kết hợp cây dược liệu tập trung hoặc phân tán dưới tán rừng tại các xã Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), chủ yếu là trồng các loài dược liệu bản địa (chè dây, đinh lăng)…
Ông Thiết cho biết thêm, phát triển nông nghiệp đô thị tại Đà Nẵng thể hiện rõ nét nhất là việc nông dân đã tập trung phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu và mở rộng diện tích trồng hoa - cây cảnh phục vụ nhu cầu của người dân thành phố trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán hàng năm.
Về mô hình trồng nấm hiện nay có khoảng hơn 300 hộ tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho 1.000 lao động với sản lượng nấm đạt gần 950 tấn/năm, một số hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi tổ Hội nông dân nghề nghiệp sản xuất nấm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, nấm linh chi Đà Nẵng được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể…
Tại hội nghị, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã mạnh dạn đưa ra một số đề xuất để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững đó là, cần phải lưu ý đến sự ổn định, quy hoạch địa bàn sản xuất nông nghiệp đô thị; lựa chọn khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp đô thị.
Nông nghiệp đô thị phải cung cấp những dịch vụ và sản phẩm cao cấp nhất cho người dân đô thị; Trung ương Hội quan tâm hỗ trợ các chương trình, dự án để Hội Nông dân thành phố xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp đô thị; đề xuất Trung ương Hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết, Đề án về định hướng phát triển nông nghiệp đô thị giai đoạn 2023- 2028, để các tỉnh, thành phố áp dụng…
Phát biểu tham luận tại hội nghị, bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết, việc ứng dụng Khoa học và Công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua tuy đã đạt được một số thành tựu đáng khích lệ nhưng vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục như việc gắn kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân trong quá trình hoạt động nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ vào sản xuất chưa liên tục và chặt chẽ.
Ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, cơ giới hóa, vật liệu mới… vào sản xuất chưa đồng bộ; các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao còn khá nhỏ lẻ, chưa được phát triển mạnh mẽ….
Bà Hậu chia sẻ, những năm qua ngành Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các tổ chức Khoa học và Công nghệ, các địa phương và các ngành triển khai nhiều hoạt động ứng dụng và chuyển giao tiến bộ Khoa học và Công nghệ theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông nghiệp đô thị.
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm thuộc chương trình OCOP trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và nâng cao đời sống người dân.
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, việc phát triển nông nghiệp đô thị tại Đà Nẵng gặp một số vấn đề về quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp; các yếu tố đầu vào, lựa chọn các mô hình sản xuất phải phù hợp với khí hậu khắc nghiệt của địa phương; ứng dụng công nghệ, tự động hóa sản xuất chưa nhiều.
Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chưa được chặt chẽ, liên kết; vấn đề xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm chưa được nông dân quan tâm; chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển dành cho các nhà đầu tư cần thiết thực hơn…
Kết luận tại hội nghị, ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, những vấn đề đặt ra tại hội nghị hôm nay là rất thiết thực và hữu ích. Những khó khăn, hạn chế mà Đà Nẵng đang gặp phải trong phát triển nông nghiệp đô thị cũng là khó khăn chung của các thành phố lớn khác, hiện nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài chúng tôi đang tập hợp để đề ra các giải pháp cho phù hợp nhằm phát triển nông nghiệp đô thị một cách bền vững, hiệu quả.
Ông Đính cũng đánh giá cao các tham luận và các ý kiến của đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tại hội nghị. Đây là những tài liệu quý giá, để nhóm nghiên cứu tập hợp, xây dựng hoàn thiện đề tài "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị tại các thành phố trực thuộc Trung ương".