Vận động nông dân tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản
16:02 - 01/10/2022
Sáng ngày 01/10, tại tỉnh An Giang, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản - Vai trò và nhiệm vụ của Hội Nông dân”. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ của Hội thi “Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ V và Ngày hội Tam nông”.

Đồng chí Cao Xuân Thu Vân- Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN tham dự và chủ trì buổi Hội thảo

 
Tham dự và chủ trì buổi Hội thảo có các đồng chí: Cao Xuân Thu Vân- Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN; Lê Văn Phước- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh, các doanh nghiệp và gần 200 hội viên, nông dân tham dự.

 
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Cao Xuân Thu Vân đã trăn trở đặt ra nhiều vấn đề trong hoạt động sản xuất nông sản; trong đó, nhấn mạnh việc cần phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường. Thời gian qua, vai trò của Hội NDVN ngày càng được khẳng định rõ nét trong việc hướng dẫn các ứng dụng khoa học kỹ thuật, tổ chức kết nối với nhà khoa học và chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến đến với người nông dân một cách hiệu quả nhất…


Theo Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân cho rằng, đã đến lúc người nông dân không thể sản xuất tự phát, không thể sản xuất theo dạng có gì bán đó, mù mờ về thông tin thị trường như trước được nữa. Thay vào đó, nông dân rất cần phải thay đổi, phải kịp thời nắm bắt được thông tin thị trường đang cần gì.
 

“Tôi biết có nhiều nông dân bơ vơ không biết tìm ai, tự nông dân đi tìm nhà khoa học không được, nhà khoa học tìm kiếm nông dân cũng rất khó. Để sản xuất thành công và mang lại lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, cách tốt nhất là nông dân phải tham gia vào tổ hợp tác, Hợp tác xã. Chưa dừng lại ở đó, khi tham gia vào tổ hợp tác, Hợp tác xã, nông dân cần phải “hợp tác thật sự” và “giữ uy tín thật sự””- Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

 
Do đó, Hội thảo là một nhịp cầu kết nối để người nông dân có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các nhà quản lý. Từ đó để cùng chia sẻ kinh nghiệm, được tư vấn, chuyển giao công nghệ hiện đại, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ở cả thị trường trong và ngoài nước. Các cấp Hội cần kêu gọi nông dân liên kết và có cách nhìn xa; mỗi người phải có trách nhiệm khi tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Theo đó, yêu cầu Hội ND các cấp tiếp tục nỗ lực hỗ trợ hội viên, nông dân.


 

Theo Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân cho rằng, đã đến lúc người nông dân không thể sản xuất tự phát, không thể sản xuất theo dạng có gì bán đó, mù mờ về thông tin thị trường như trước được nữa


“Hiện liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản đang trở thành hướng đi mới, hướng tới mục tiêu thực hiện thành công số hoá nền nông nghiệp, đáp ứng xu thế nông nghiệp của thế giới; phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân thời hội nhập. Đã đến lúc chúng ta cần phải vươn ra thế giới. Không còn con đường nào khác, chúng tôi phải hỗ trợ nhau, trên cơ sở hỗ trợ của những nhà chuyên nghiệp”- Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân nói.

 
Theo Trưởng Ban Kinh tế- Trung ương Hội NDVN Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: Những năm qua, các cấp Hội trong cả nước đã xây dựng và thành lập được 1.443 chi Hội ND nghề nghiệp, với 62.673 hội viên; 24.342 tổ Hội ND nghề nghiệp với 341.722 hội viên. Qua đó nhằm tạo cơ sở nền tảng phát triển thành các tổ hợp tác, Hợp tác xã. Thông qua các mô hình kinh tế tập thể, các chi Hội, tổ Hội ND nghề nghiệp giúp cho ngày càng nâng cao cả về tư duy, nhận thức, hành động trong việc liên kết, hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản của hội viên, nông dân. Đồng thời, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, hội viên với doanh nghiệp thêm chặt chẽ hơn, góp phần đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân.

 
Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, các cấp Hội ND còn chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 15 triệu lượt hội viên, nông dân về sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng trên 12.000 mô hình điểm trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Từ kết quả của các mô hình điểm, các cấp Hội đã tổ chức cho hội viên, nông dân đến tham quan, học tập để tiếp tục nhân rộng. Trên cơ sở đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

 
Thời gian tới, các cấp Hội ND cần vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tổ chức sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, khuyến cáo của ngành chức năng; tăng cường việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là giống, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến bảo quản, chế biến, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kinh doanh... Từ đó để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 
Trong việc thực hiện “liên kết 4 nhà”, các cấp Hội ND cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, chủ động kết nối với các doanh nghiệp có uy tín để xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, giúp nông dân tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số để thúc đẩy, gia tăng giá trị trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ.

 
Đồng thời, cần hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã vùng trồng; đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa... Từ đó, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cũng như sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chính ngạch”- Trưởng Ban Kinh tế- Trung ương Hội NDVN Nguyễn Thị Kim Hoa đưa ra giải pháp.

 
Các đồng chí lãnh đạo tham gia điều hành và trả lời các câu hỏi của đại biểu tại Hội thảo


Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, vai trò, trách nhiệm của Hội NDVN trong việc hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ nông sản, vận động nông dân chuyển biến tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là hết sức quan trọng. Qua đó, giúp người nông dân từ việc coi trọng về số lượng chuyển sang nâng cao về chất lượng sản phẩm, giá trị lợi nhuận cao; từ sản xuất cá thể đơn lẻ chuyển sang liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất.


Hội thảo thu hút rất đông các đại biểu của Sở, ngành trong tỉnh, các doanh nghiệp và gần 200 hội viên, nông dân tham dự


Một số ý kiến của chuyên gia cũng đề nghị Nhà nước cần tập trung vào vai trò hướng dẫn, hỗ trợ thị trường; trong đó đổi mới chính sách về quy hoạch, về quyền tiếp cận đất đai của các hình thức liên kết nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp hàng hoá, quy hoạch vùng nguyên liệu với sự tham gia của doanh nghiệp... Đặc biệt, Nhà nước xây dựng chính sách và môi trường pháp lý bảo vệ sự liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất - thương mại; có chính sách giúp nông dân tiêu thụ nông sản; trong đó, có chính sách trực tiếp thu mua nông sản dư thừa của nông dân, tránh tình trạng người nông dân bị ép giá...

 
Theo ông Huỳnh Văn Thòn- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ tại Hội thảo rằng cần phải đặt tinh thần trách nhiệm của nông dân đi trước, để làm đúng, đảm bảo quy trình sản xuất và chủ động theo dõi nhu cầu thị trường.
 

"Chúng tôi phải bỏ ra thời gian hơn 10 năm ròng bù lỗ cho sản xuất lúa gạo, song song với quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở chế biến, liên kết thị trường tiêu thụ là một hành trình gian nan. Theo tôi, Nhà nước sẽ là trọng tài và chế tài trong việc liên kết này, để chúng ta đi cùng với nhau xa hơn, có đi sẽ có tới”- Ông Huỳnh Văn Thòn bày tỏ. 

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm cùng Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Cao Xuân Thu Vân


Trong 5 năm qua, các cấp Hội trong cả nước đã phối hợp với các doanh nghiệp, các địa phương tổ chức 82 hội chợ triển lãm nông sản. Trong đó Trung ương Hội NDVN tổ chức được 40 hội chợ nông nghiệp- thương mại cấp khu vực, Festival nông nghiệp, Festival lúa gạo (tại 3 khu vực Bắc, Trung, Nam) với hàng nghìn gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố.

 
Năm 2020, Trung ương Hội NDVN phối hợp với Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Festival "Sản phẩm vật tư nông nghiệp và thương mại toàn quốc năm 2020" tại thành phố Buôn Ma Thuột có quy mô 400 gian hàng đến từ Hội ND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các doanh nghiệp trong cả nước.

 
Gần đây nhất, Trung ương Hội NDVN đã phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức thành công “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022” với trên 320 gian hàng nông sản và các sản phẩm OCOP của 55 tỉnh, thành phố. Qua đó, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu và mua sắm.

 
Ngoài ra, các cấp Hội còn liên kết với các doanh nghiệp, các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối ký kết trên 95.000 hợp đồng tiêu thụ nông sản, trị giá 5.483 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho hơn 1.500 sản phẩm.

 
Hàng năm, Trung ương Hội NDVN tổ chức Lễ tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Tính đến nay, đã có hơn 1.000 sản phẩm nông sản của nông dân đã được tôn vinh, biểu dương.
Ngọc Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn