Cây ăn quả Nghệ An đang tăng mạnh cả về diện tích và chất lượng. Mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An đạt 50 nghìn ha cây ăn quả với giá trị 8.500–9.000 tỷ đồng.
Cam, dứa xuống dốc, chuối lên ngôi
Qua khảo sát về sự phát triển cây ăn quả của Nghệ An, điều đầu tiên dễ nhận thấy là ở nhà vườn nông hộ nào cũng có một số loại cây. Trước đây do không có quy hoạch, không thấy được lợi ích kinh tế nên cây ăn quả được trồng chỉ mang tính tự phát, rất manh mún và nhỏ lẻ.
Từ sau năm 2015, cùng với việc đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực thì chất lượng dinh dưỡng của người dân đòi hỏi nâng lên. Bữa ăn gia đình, ngoài ngũ cốc và cá thịt, thì nhóm rau củ quả là khẩu phần không thể thiếu. Rau xanh phát triển đã đành, cây ăn quả vì thế càng ngày được người dân quan tâm sản xuất mở rộng để tự cấp và phát triển kinh tế.
Theo đánh giá của Sở KH-CN Nghệ An, năm 2015, diện tích cây ăn quả cả tỉnh có 17.019ha, sản lượng đạt 179.350 tấn, nhưng đến năm 2020 diện tích cây ăn quả đã tăng lên 22.802ha, sản lượng đạt 260.695 tấn, giá trị sản xuất đạt từ 2.000 – 2.600 tỷ đồng/năm (bình quân 80 – 100 triệu đồng/ha), chiếm 8 – 10% giá trị sản xuất ngành trồng trọt.
Nghệ An phân chia cây ăn quả ra thành 3 nhóm: Nhóm ưu tiên phát triển, đây là nhóm chủ lực, bao gồm các loại cây gắn với công nghệ chế biến (chuối, dứa) và cây có múi (cam, chanh, bưởi, quýt); nhóm cây ăn quả có ưu thế với một số địa phương (mít, ổi, na, xoài, mận tam hoa) và nhóm cây ăn quả cơ bản ổn định diện tích (bơ, chanh leo, nhãn, vải, táo, thanh long…).
Cây chuối giai đoạn 2016 – 2020 mỗi năm phát triển tăng thêm 2,05%. Đến cuối năm 2020 đã có 4.132ha, trong đó: Vùng đồng bằng 1.793ha; vùng miền núi thấp 1.930ha; vùng núi cao 409ha. Lúc đầu chuối chủ yếu được trồng trong vườn hộ, kiểu nhà nào cũng có "trước trồng cau, sau trồng chuối".
Tuy nhiên lợi ích kinh tế thu về không những từ quả, mà thân và lá chuối cũng có giá trị cao phục vụ chăn nuôi. Thế cho nên chuối đã được người dân nhân ra từ vườn đến các cánh đồng màu và lúa cấy cưỡng. Các huyện có diện tích chuối nhiều gồm Thanh Chương 750ha, Nam Đàn 525ha, Yên Thành 400ha, Nghĩa Đàn 318ha, Qùy Hợp 230ha…
Chuối là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, thích hợp với nhiều vùng đất, năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Thị trường trong nước tiêu thụ lớn, đã có nhà đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như Công ty HD Farms ở xã Thuận Sơn (huyện Đô Lương); thị trường xuất khẩu tiềm năng có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Như vậy, môi trường và điều kiện để cho Nghệ An phát triển cây chuối thành những vùng hàng hóa tập trung là rất thuận lợi.
Cây dứa theo quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2001 - 2010 là 10.000ha. Đến cuối kỳ của kế hoạch (2010), người dân trồng được 5.000ha, đây cũng là vùng hàng hóa tập trung phục vụ nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến nước dứa cô đặc ở Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, khi Nhà máy đi vào bế tắc, diện tích dứa cũng theo đà lao dốc, đến nay chỉ còn 1.400ha, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh.
Xét về tiềm năng thì đất đai ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thị xã Hoàng Mai và Diễn Châu rất phù hợp với môi trường sinh thái để phát triển cây dứa, người dân đã có bề dày kinh nghiệm về canh tác. Thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài nội tỉnh, còn có Ninh Bình, Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… Thị trường xuất khẩu có Trung Quốc và các nước EU cũng đang rất ưa chuộng. Việc khôi phục và mở rộng diện tích dứa, trồng rải vụ các giống có năng suất, chất lượng cao là rất phù hợp.
Về cây ăn quả có múi, đến năm 2020 cả tỉnh có gần 10.000ha. Trong đó cam 4.735ha; quýt 1.524ha; chanh 2.036ha; bưởi 1.612ha. Sản phẩm của nhóm cây này đã đáp ứng thị trường trong và ngoài tỉnh, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng công nghệ chế biến sản phẩm sau thu hoạch là rất cần thiết. Với nhóm cây có ưu thế với một số địa phương và nhóm cây ổn định về diện tích đã có thị trường tiềm năng, song cần phải xúc tiến xây dựng thương hiệu để tạo đà cho việc mở rộng.
Ra cú hích đầu tư, tăng "chất xám" trong phát triển cây ăn quả
Nghệ An đất đai rộng lớn, ngoại trừ một số cây ăn quả đã hình thành vùng hàng hóa tập trung, nhưng chưa có công nghệ chế biến sau thu hoạch nên diện tích có xu hướng giảm mạnh như cam và dứa, số còn lại đa phần manh mún, nhỏ lẻ, có nhiều nơi cây trồng chồng chéo, có nơi còn để đất hoang hóa, hoặc để cây trồng không có hiệu quả chiếm giữ đất. Bên cạnh đó, nguồn lực lao động dồi dào, nhưng một lượng lớn phải ly hương.
Nhằm giải quyết những tồn tại vướng mắc trên, trong đề án phát triển cây ăn quả gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 – 2030, Nghệ An xác định mục tiêu chung là mở rộng, phát triển các vùng cây ăn quả có chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa. Áp dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị từ tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 50.000ha cây ăn quả, giá trị sản xuất đạt 8.500 – 9.000 tỷ đồng; hình thành và phát triển sản phẩm hàng hóa từ trái cây để xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu đạt 80 - 100 triệu USD và giải quyết cho khoảng 50.000 lao động có việc làm thường xuyên. Diện tích mở rộng 27.198ha cây ăn quả chủ yếu lấy trên đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả và trên đất lúa cấy cưỡng.
Để đạt được mục tiêu, trước mắt Nghệ An cần cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất giống; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đưa tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết với các viện, trung tâm thuộc Bộ NN-PTNT nhằm nghiên cứu, chọn tạo, phục tráng, du nhập, nhân các giống cây ăn quả có năng suất cao, chất lượng tốt vào địa phương, nhưng phải phù hợp với môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng.
Bên cạnh đó, đầu tư thâm canh, đưa giá trị sản xuất cây ăn quả đạt 180 – 220 triệu đồng/ha, (áp dụng quy trình sản xuất được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 300 - 500 triệu đồng/ha). Nghệ An khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư kinh phí, xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản trái cây theo dây chuyền công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Thu hút ít nhất 3 cơ sở chế biến với công suất 200.000 – 250.000 tấn sản phẩm/năm.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất, hướng dẫn nông dân thành lập các HTX, tổ hợp tác, trang trại. Tập trung công tác đào tạo, tập huấn khuyến nông, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ, đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn tiêu thụ trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử.
Cùng với sự cần cù lao động, khát vọng vươn lên của người dân, cộng với sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi trong việc phát triển mở rộng diện tích cây ăn quả đến năm 2030. Theo đó, mức hỗ trợ đầu tư kinh phí phát triển sản xuất hơn 337 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm; 120 tỉ đồng hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm; phát triển thị trường tiêu thụ 11 tỉ đồng.
Trước mắt, theo kế hoạch đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu đạt 30.000ha cây ăn quả, (diện tích đã có 22.802ha), tránh tình trạng sản xuất dàn trải, chồng chéo, đảm bảo hiệu quả 140 - 160 triệu đồng/ha. UBND tỉnh đã phân giao chỉ tiêu cho các huyện, thị, khi thực hiện mở rộng diện tích phải sản xuất các nhóm cây đúng như quy định đã ban hành.