Bàn giải pháp giúp các hộ kinh doanh rừng và trang trại quy mô nhỏ phát triển hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu
09:35 - 23/09/2022
Đó là một trong số những mục tiêu quan trọng được hướng tới của Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức sản xuất rừng và trang trại diễn ra trong hai ngày 22- 23/9, tại Hà Nội, với chủ đề: "Hãy bảo vệ tương lai của chúng ta: Hỗ trợ cho người dân địa phương đa dạng hóa để phục hồi trước biến đổi khí hậu và an ninh lương thực".

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế
 
Hội thảo quốc tế do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) chủ trì; có sự phối hợp cùng với Chương trình hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF)- một chương trình hợp tác giữa Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED), Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và AgriCord đồng tổ chức. Hội thảo diễn ra theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội.  

 
Tham dự Hội thảo quốc tế lần này có ông Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN; ông Phạm Văn Điển- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT); ông Mai Bắc Mỹ- Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội NDVN), Giám đốc Chương trình FFF II. Về phía đại biểu quốc tế có ông Ewald Rametsteiner- Phó Giám đốc, Ban Lâm nghiệp thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO); bà Tiina Huvio- Giám đốc điều hành tổ chức Phát triển rừng và lương thực Phần Lan (FFD), Chủ tịch Ban Điều hành Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) toàn cầu.

 
Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu; trong đó, có khoảng 90 đại biểu Việt Nam và 65 đại biểu nước ngoài đến từ 27 quốc gia. Các đại biểu là đại diện của các Bộ, ngành Trung ương của Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội NDVN, Hội ND các tỉnh, thành phố; đại diện của các tổ chức nông dân sản xuất rừng và trang trại (FFPOs) ở cấp cơ sở từ khắp Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Âu; các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cùng các bên liên quan khác…

 
Chủ trì tại Hội thảo có ông Lương Quốc Đoàn- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN; ông Phạm Văn Điển- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT); ông Mai Bắc Mỹ- Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội NDVN), Giám đốc Chương trình FFF II. Về phía đại biểu quốc tế có ông Ewald Rametsteiner- Phó Giám đốc, Ban Lâm nghiệp thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO); bà Tiina Huvio- Giám đốc điều hành tổ chức Phát triển rừng và lương thực Phần Lan (FFD), Chủ tịch Ban Điều hành Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) toàn cầu

 
Theo báo cáo của FAO, ước tính trên thế giới có khoảng 1,5 tỷ người sản xuất rừng và trang trại quy mô nhỏ. Đây cũng là lực lượng đang sản xuất khoảng 1/3 lượng lương thực, thực phẩm trên toàn thế giới. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều nông hộ nhỏ đang sản xuất ra các sản phẩm khác nhau trên cùng một diện tích canh tác.

 
Sự đa dạng hóa đó đã giúp giảm bớt tính dễ bị tổn thương của các nông hộ nhỏ trước tác động của các cú sốc liên quan đến khí hậu và thị trường. Do đó, nếu được quản lý đúng cách và hỗ trợ tài chính thích đáng, sự đa dạng hóa sản phẩm này cũng có thể góp phần cải thiện chất lượng đất đai và thúc đẩy dinh dưỡng cho người dân tốt hơn.

 
Với vai trò này, FAO khẳng định những nông hộ nhỏ chính là những tác nhân thay đổi chính trong việc triển khai các giải pháp chống chịu với biến đổi khí hậu hiện nay. Báo cáo của FAO cũng ví những nông hộ sản xuất rừng và trang trại giống như các “lính gác” chống biến đổi khí hậu của thế giới. Từ đó cũng đặt ra yêu cầu cần phải thúc đẩy sự hỗ trợ cho họ, phát triển các mô hình kinh doanh và cải thiện sinh kế cho người dân làm việc trong khu vực kinh tế này.


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế

 
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, theo Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho biết: Thực hiện chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” và các cam kết của Việt Nam tại COP26, với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đại diện cho 10,2 triệu hội viên, nông dân, Hội NDVN đã chủ động, tích cực triển khai tới cán bộ, hội viên, nông dân cả nước việc phát triển nền kinh tế xanh.

 
Những năm qua, Hội ND các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực tổ chức các phong trào thi đua yêu nước về giảm tiêu hao năng lượng, giảm chất thải rắn và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; cùng hội viên, nông dân và tổ chức Hội ND cơ sở xây dựng mô hình mẫu về “nông nghiệp xanh”, nhân rộng các mô hình tiên tiến và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp; tích cực góp ý xây dựng, vận động thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án quốc gia về sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất và nước, phục hồi và phát triển các nguồn vốn tự nhiên…

 
“Việc "xanh hóa" sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, làm thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nâng cao đời sống cho người dân”- Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.

 
Đáng chú ý, các cấp Hội NDVN đã tích cực hướng về cơ sở, cùng hội viên, nông dân xây dựng những mô hình mẫu về "nông nghiệp xanh"; nhân rộng các mô hình tiên tiến và hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp.

 
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, Hội NDVN là tổ chức đối tác chính thực hiện Chương trình FFF. Chương trình được triển khai tại 5 tỉnh gồm: Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên; với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại, tiếp cận thị trường và tài chính cho các tổ hợp tác, hợp tác xã áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp cận các dịch vụ, các giá trị văn hóa bản địa.

 
Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cũng khẳng định: Trong giai đoạn vừa qua, Chương trình đã đào tạo, tăng cường năng lực cho Hội ND các cấp để hoạt động hiệu quả hơn. Đồng thời, cung cấp dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ cho hội viên, nông dân, vận động và khai thác các nguồn lực, thúc đẩy thực thi chính sách tốt hơn cho nông dân.

 
Các tổ hợp tác, Hợp tác xã và cộng đồng sống dựa vào rừng tại các vùng dự án FFF đã được đào tạo về kiến thức, kỹ năng trong sản xuất, kinh doanh nông lâm sản, quản lý rủi ro, nâng cao sinh kế cũng như phát triển các mô hình trồng rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học, các biện pháp canh tác nông lâm nghiệp dựa vào hệ sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, tăng lượng hấp thụ các-bon. Từ đó, góp phần giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên và đa dạng hóa các biện pháp can thiệp.

 
Bên cạnh đó, Chương trình đã giúp nâng cao năng lực cho các tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất rừng và trang trại về phát triển tổ chức, cách thức quản lý, sản xuất kinh doanh rừng và trang trại theo chuỗi giá trị hiệu quả. Đồng thời, giúp các tổ hợp tác, Hợp tác xã khai thác tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội của địa phương để cung cấp cho các thành viên và cộng đồng.

 
Theo Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn đánh giá: Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh gỗ và lâm sản ngày càng chiếm vai trò lớn trong xuất khẩu của Việt Nam, đạt giá trị trên 15,87 tỷ USD trong năm 2021.

 
Diện tích rừng của Việt Nam hiện có 14,2 triệu ha, chiếm 43% diện tích lãnh thổ và tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2021 đạt 42,02%. Số lượng trang trại cũng đang phát triển mạnh và hiệu quả ngày càng cao, với 18.945 trang trại các loại gồm: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, tổng hợp...

 
Với tiềm năng này, việc phát triển lâm nghiệp và sử dụng đất bền vững được coi là một trong các yếu tố hạt nhân trong chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa tổng lượng phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050, như Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26.



“Phát triển kinh tế rừng và trang trại sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn bảo đảm rằng tự nhiên có đủ năng lực cung cấp nguồn lực sản xuất và môi trường sống”- Chủ tịch Trung ương Hội NDVN nói.

Ông Ewald Rametsteiner- Phó Giám đốc, Ban Lâm nghiệp của FAO chia sẻ tại Hội thảo quốc tế


Tại Hội thảo, khẳng định sự cần thiết trong việc hỗ trợ cho các nông hộ nhỏ, Ông Ewald Rametsteiner- Phó Giám đốc, Ban Lâm nghiệp của FAO chia sẻ: Các tổ chức sản xuất rừng và trang trại gồm thành viên là các hộ nông dân nhỏ đang chiếm tới 84% tổng số trang trại trên toàn thế giới, sản xuất ra 35% lương thực cho toàn cầu dù chỉ sử dụng khoảng 12% diện tích đất nông lâm nghiệp của thế giới. Nhưng hiện nay, các nông hộ nhỏ này lại đang phải cạnh tranh với hoạt động kinh doanh từ các công ty độc canh trên quy mô công nghiệp.
 

“Trong khi đang sở hữu hoặc quản lý ít nhất 4,35 tỷ ha cảnh quan rừng và trang trại trên toàn cầu, là những tác nhân chính trong việc phục hồi cảnh quan rừng; tuy nhiên những nông hộ nhỏ lại chỉ nhận được dưới 1,7% tài chính từ các chương trình hỗ trợ chống biến đổi khí hậu.

 
Với sự hỗ trợ phù hợp, các nông hộ nhỏ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cảnh quan rừng và nông trại trước tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực trên toàn thế giới”- Ông Ewald Rametsteiner cho biết.

 
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu và người sản xuất đã cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình hay. Đồng thời, xác định những thách thức nhằm tìm ra các giải pháp nhân rộng các sáng kiến, mô hình sản xuất kinh doanh rừng và trang trại hiệu quả, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giúp huy động sự tham gia và hỗ trợ các nguồn lực để thúc đẩy các mô hình kinh doanh liên kết với chuỗi giá trị toàn diện, công bằng và thích ứng với khí hậu.


Cùng dự Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu; trong đó 65 đại biểu quốc tế, đến từ 27 quốc gia


Trong khuôn khổ thời gian diễn ra Hội thảo quốc tế cũng sẽ diễn ra một triển lãm nhằm chia sẻ các sáng kiến đổi mới, nơi các nông hộ rừng và trang trại quy mô nhỏ giới thiệu các sản phẩm rừng và trang trại, lâm sản ngoài gỗ từ các trang trại của mình. Đây được coi là những sản phẩm có thể góp phần tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và an ninh lương thực.

Các đại biểu tham gia Hội thảo cùng nhau chụp ảnh lưu niệm

 
Đồng thời, các đại biểu tham dự cũng sẽ tham gia một chuyến thăm quan thực địa 2 ngày (24- 25/9) tại 5 tổ hợp tác, Hợp tác xã ở các tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn nhằm khuyến khích việc nhân rộng các thực hành tốt trong mạng lưới các tổ chức ở cấp cơ sở trên toàn cầu.
 

Trong số các địa điểm đến thăm quan có Hợp tác xã Quế Hồi Việt Nam (tại tỉnh Yên Bái)- một đơn vị đã liên tục phát triển mạnh mẽ mà không bị ảnh hưởng từ những vấn đề do nhiệt độ trung bình tăng cao, lượng mưa giảm, cũng như sâu bệnh. Hợp tác xã này đã tập trung đa dạng hóa trong chuỗi giá trị sản phẩm quế cốt lõi của mình; đồng thời phát triển các hoạt động kinh doanh khác nhằm tăng thu nhập trung bình trong vùng, bao gồm: Sản xuất cây dược liệu, mật ong, đồ thủ công mỹ nghệ, du lịch và tơ tằm. 
 
Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030 của Việt Nam là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường... Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu...

 
Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh Thập kỷ Liên Hợp quốc về Nông nghiệp hộ gia đình 2019- 2028 (UNDFF) đã nhấn mạnh vai trò của các nông hộ trong việc định hình tương lai của lương thực và thực phẩm, cũng như thúc đẩy các hệ thống lương thực- thực phẩm bền vững hơn trong bối cảnh khí hậu liên tục thay đổi.

 
Chính vì vậy, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ thảo luận và đưa ra các khuyến nghị quan trọng đối với những hành động nhằm tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và các khuyến nghị này sẽ được chia sẻ tại Diễn đàn Toàn cầu về Nông nghiệp hộ gia đình sẽ diễn ra trong tháng này.

Một số hình ảnh tại Hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức sản xuất rừng và trang trại:

Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn trao đổi thông tin với các đại biểu quốc tế bên lề cuộc Hội thảo


Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội thảo


Khá nhiều sản phẩm của các quốc gia được trưng bày, giới thiệu tại Hội thảo


Những sản phẩm tiêu biểu của Hội ND các tỉnh đang tham gia thực hiện Chương trình FFF II được đem tới trưng bày, giới thiệu


Niềm vui và tự hào của các thành viên tổ hợp tác, Hợp tác xã khi có những sản phẩm tiêu biểu được giới thiệu cho bạn bè quốc tế
Quang Tuấn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn