Trắng đêm bắt cá đồng mùa nước nổi
14:26 - 23/09/2022
ĐỒNG THÁP - Ra đồng từ nửa đêm, gia đình bà Nguyễn Thị Hằng thu lưới bắt gần 10 kg cá khoai, 3 kg cá mồi bán hơn 200.000 đồng trong mùa nước nổi.
Sau một đêm mưu sinh bà Hằng cùng chồng cân cá bán cho tiểu thương thu hơn 200.000 đồng


Vợ chồng bà cùng hai người con trai chia nhau đi trên hai xuồng lưới, ra cánh đồng sau nhà, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự đổ dớn (một loại ngư cụ). Người phụ nữ hơn 50 tuổi, đội chiếc đèn pin lên đầu sau khi đã quấn chiếc khăn rằn màu đỏ, mặc thêm áo khoác thun chống những cơn gió ngoài đồng.

Xuồng chuẩn bị rời bến người phụ nữ vùng biên kiểm tra số dụng cụ gồm thau lớn, vài chiếc rổ đủ kích cỡ, vợt xúc, can đựng cá... Tiếng máy honda 4 mã lực xua tan màn đêm tĩnh mịch. Chiếc xuồng vọt ra giữa đồng nước.

Bốn ánh đèn nhỏ trên hai chiếc xuồng lưới chia ra hai hướng, hòa vào hàng chục ánh đèn khác cũng đang mưu sinh trên cánh đồng rộng hàng trăm ha, cách biên giới Campuchia chỉ con sông Sở Thượng rộng gần 100 m.

Đến nơi đặt dớn, con trai phăng lưới đổ cá vào thau, bà Hằng lựa riêng từng loại cho vào khoang xuồng để nước xăm xắp để nhốt cá. Mất 10-15 phút thu cá cho mỗi dớn chưa kể thời gian di chuyển. "Phải hai xuồng mới thu kịp 25 cái dớn, bán cá trước trời sáng cho tiểu thương kịp mang ra chợ", bà giải thích.

Mùa nước nổi là nét đặc trưng của miền Tây. Nước về giúp đồng ruộng vệ sinh, bồi đắp phù sa, diệt trừ cỏ dại, chuột... Nước cũng mang về các sản vật như cá linh, cua đồng, lươn, rắn, bông súng, bông điên điển... Mùa nước nổi thường bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, tức tháng 8-11 dương lịch.

Gần hai tháng trước, khi nước từ thượng nguồn Mekong bắt đầu đổ về hạ nguồn, sớm nhất là tại các huyện biên giới giáp Campuchia. Người dân vùng biên sửa soạn ngư cụ cho vụ đánh bắt kéo dài khoảng ba tháng.

"Đặt dớn mất gần 10 ngày, chờ thêm 10 ngày nữa nước lên nhiều mới có cá", bà Hằng nói, rồi cho biết cách đây một tuần nước lên cao, bắt được rất nhiều cá. Một đêm chủ xuồng cá có thể kiếm tròn trèm một triệu đồng cho hơn 30 kg cá linh giá 20.000 - 25.000 đồng mỗi kg, vài chục kg cá mồi (cá nhỏ lộn xộn) giá 5.000 đồng một kg.

"Cá trúng được mấy đêm là hết. Như bữa nay nước bình được không bao nhiêu, tính ra mỗi người kiếm được vài chục nghìn đồng", Thanh Tùng - con trai của bà Hằng phía cuối xuồng nói vọng ra.Theo kinh nghiệm người vùng lũ đợi con nước 30 tháng 8 âm lịch nếu nước tiếp tục dâng cao, cá tôm sẽ lại nhiều. Trường hợp nước tiếp tục rút, mùa đánh bắt sớm kết thúc, họ phải dọn dẹp ngư cụ để chủ ruộng sạ lúa. Những đêm cá nhiều, hai xuồng cá của bà Hằng kết thúc đêm làm việc lúc 5h.

Cách đó không xa, ông Huỳnh Văn Tưng, cũng đang thu lưới đổ cá nhưng toàn ốc bươu vàng, cua, một vài con lươn. Người đàn ông gần 60 tuổi, chỉ mặc áo thun, quần ngắn, người ướt từ đầu đến chân song tay phăng lưới rất nhanh. Hàng đêm ông thức từ 0h đổ cá đến 6h mới xong.

Đầu mùa nước, người đàn ông không ruộng đất thả hơn 30 cái cửa ngục (gần giống dớn). Mỗi cái từ vài chục mét lưới đến cả trăm mét, tiền vốn đầu tư 300.000-400.000 đồng mỗi cái, có thể xài 4-5 năm. Hết mùa nước nổi ông thu lưới, vá lại những đoạn lưới rách rồi mang xuống sông tiếp tục mưu sinh. "Tui sống nghề con cá từ nhỏ, đi khắp các đồng cá nhưng nghèo vẫn cứ nghèo", ông Tưng chia sẻ.

Trên tuyến đê bao quanh cánh đồng nước nổi xã Thường Lạc, bà Nguyễn Thị Điểm, một tiểu thương cân cá đồng, cất căn chòi nhỏ ven đê. Khoảng 3h bà treo chiếc đèn pin nhỏ trên nóc nhà, bày vài chiếc ghế mũ cùng bình trà nóng phía trước chòi chờ ngư dân mang cá vào cân.

Buôn bán hai mươi năm bà Điểm quen hết những người sống nghề con cá ở vùng này. Trung bình mỗi đêm bà mua vài chục đến hơn 100 kg cá các loại, của hơn 20 xuồng lưới. "Nhiều nhất là cá linh, sau là cá khoai, cá chạch, lươn, cua. Mấy năm nay ít có cá lóc, cá trê, cá rô lắm", bà nói. Trung bình mỗi kg bán lại cho tiểu thương ở chợ, bà Điểm lời 2.000-5.000 đồng.

Để tăng thêm thu nhập bà bán thêm nước giải khát. Đầu mùa bà nuôi gần trăm con vịt để chúng ăn cá vụn, cá rơi vãi, kiếm được vài triệu đồng khi phá bầy. Hôm nào trúng cá chủ xuồng uống nước đến sáng mới về. Gặp hôm cá ít họ cân xong về luôn.

Hết mùa nước vợ chồng người phụ nữ vùng biên đóng căn chòi, về nhà chính. Vợ làm nghề mua bán nhỏ, chồng làm hồ. "Nghề con cá, làm đến đâu xài đến đó, chỉ đủ sống chứ khó khá giả, giàu có lắm", bà Điểm đúc kết.


 
Nguồn: VNE
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn