Cây dừa thầm lặng làm giàu
'Trẻ hóa' những vườn dừa già cỗi
09:35 - 21/09/2022
Dừa ở Bình Định hầu hết được trồng trước năm 1975, hiện cho năng suất rất thấp. Ngành chức năng tỉnh này đang phổ biến cách làm "trẻ hóa” những vườn dừa già cỗi.

“Ăn quả của nó, phải dành một ít đầu tư cho nó”

Đó là tâm niệm của người dân xứ dừa Hoài Nhơn (Bình Định) sau khi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh này hướng dẫn cách làm “trẻ hóa” những vườn dừa già cỗi, những vườn dừa có tuổi đời từ 20 - 40 năm, sau cả gần nửa thế kỷ cho quả giờ đã đuối sức. Đó là phương pháp thâm canh dừa theo hướng hữu cơ.

Những vườn dừa già cỗi càng ngày càng cho năng suất thấp. Ảnh: V.Đ.T.

Những vườn dừa già cỗi càng ngày càng cho năng suất thấp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, dừa trên địa bàn Bình Định hầu hết được trồng đã lâu năm, hiện đã già cỗi, chủ yếu trồng phân tán trong nông hộ. Từ trước đến nay, việc quản lý, phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại và đầu tư bón phân, chăm sóc cho vườn dừa hầu như bằng không. Do đó, hiện năng suất dừa rất thấp, chỉ khoảng hơn 30 quả/cây/năm. Do đó thu nhập của người trồng dừa đạt thấp, đã vậy, nguồn nguyên liệu cung ứng cho các cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa trên địa bàn không được ổn định.

“Để nâng cao thu nhập cho nông dân và ổn định nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến các sản phẩm từ dừa trên địa bàn, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai xây dựng nhiều mô hình thâm canh dừa theo hướng hữu cơ tại xứ dừa Hoài Nhơn.

Thông qua mô hình, chúng tôi chuyển giao các giải pháp kỹ thuật, nâng cao kỹ năng, trình độ thâm canh vườn dừa kinh doanh theo hướng hữu cơ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng dừa quả, tạo thu nhập bền vững cho nông dân. Đây cũng là cách góp phần tái cơ cấu cây trồng, phù hợp với trình độ canh tác trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay”, ông Huỳnh Việt Hùng cho hay.

Trung tâm Khuyến nông Bình Định xây dựng những mô hình thâm canh dừa theo hướng hữu cơ để “trẻ hóa” những vườn dừa già cỗi. Ảnh: V.Đ.T.

Trung tâm Khuyến nông Bình Định đang xây dựng những mô hình thâm canh dừa theo hướng hữu cơ để “trẻ hóa” những vườn dừa già cỗi. Ảnh: Lê Khánh.

Từ mô hình ở khu phố Phụng Du 1 (phường Hoài Hảo) đến mô hình tại thôn Tân An (xã Hoài Châu), các chủ vườn dừa ở Thị xã Hoài Nhơn đã từng bước học tập cách ứng dụng các giải pháp kỹ thuật đầu tư thâm canh cho vườn dừa. Song song đó, hình thành các nhóm, chi hội trồng dừa, xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân trồng dừa và cơ sở kinh doanh, chế biến để việc tiêu thụ dừa ổn định. Giải pháp kỹ thuật này đã nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của cây dừa, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, phát huy tiềm năng kinh tế của những vườn dừa hiện có.

Nông dân Nguyễn Ngọc Thảng, người hiện có 180 cây dừa đã “cao niên”, từ 45 - 50 tuổi ở khu phố Phụng Du 1 (phường Hoài Hảo), người tham gia mô hình thâm canh dừa theo hướng hữu cơ của Trung tâm Khuyến nông Bình Định từ tháng 6 năm 2021 với 500 cây dừa bộc bạch: “Suốt nửa thế kỷ nay tôi chỉ biết hái dừa bán chứ chưa bao giờ cho dừa ăn chút phân bón nào.

Giờ nghĩ lại thấy mình thật bất công với dừa, chỉ biết khai thác mà không đầu tư thì không cây ăn quả nào chịu thấu. Tham gia mô hình thâm canh dừa theo hướng hữu cơ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đầu tôi mới sáng ra ý nghĩ, ăn của dừa cũng phải dành lại chút đỉnh để đầu tư lại cho nó, có như vậy nó mới đủ sức cho tiền mình dài dài”.

Empty

Ông Nguyễn Ngọc Thảng ở khu phố Phụng Du 1, phường Hoài Hảo (Thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đào mương bón phân cho những cây dừa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

 

Theo nông dân Dương Minh Trưởng (67 tuổi) ở thôn Tân An, xã Hoài Châu (Thị xã Hoài Nhơn), trên diện tích trồng 36 cây dừa hiện đã gần 40 tuổi của ông, nếu không trồng dừa thì chỉ có trồng mì (sắn), nhưng cũng chẳng hiệu quả mấy. Dừa không cần chăm sóc, nhưng vẫn miệt mài cho quả hàng năm. Bây giờ, có giải pháp làm “trẻ hóa” những vườn dừa già cỗi, năng suất dừa sẽ được tăng cao mà không phải tốn công tốn của nhiều lắm, đây là cơ hội để giữ lại vườn dừa già cỗi, thu nhập lại tăng cao hơn so với trước đây.


Rễ phát triển mạnh, lá xanh hơn, năng suất gấp đôi

Theo nông dân Nguyễn Ngọc Thảng, giải pháp kỹ thuật thâm canh cây dừa không có gì khó. Từ gốc cây dừa cách ra khoảng 1,5 - 2m, nông dân đào 1 con mương hình tròn bao quanh gốc dừa, con mương có chiều rộng khoảng 20cm, sâu khoảng 15cm. Mỗi năm chủ nhà vườn dừa đổ xuống con mương chạy vòng quanh mỗi cây dừa 30kg phân hữu cơ từ mụn xơ dừa, loại phân hữu cơ ở vùng dừa nào cũng có rất nhiều, giá rẻ và 30kg tro trấu.

Vào đầu mùa mưa, chủ nhà vườn bón phân, để phân và tro thấm vào gốc, mùa nắng thì cây dừa được tưới nước định kỳ. Dưới tán dừa, ông Thảng trồng xen các loại cây ngắn ngày như cỏ phục vụ chăn nuôi, sả, cây cảnh, tiêu, cây ăn quả... để khi tưới cho các loại cây ngắn ngày nói trên, những gốc dừa cũng được tưới cùng.

Nhờ nhà có nuôi bò nên ngoài phân hữu cơ và tro trấu, ông Nguyễn Ngọc Thảng còn bón cho dừa phân bò. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài phân hữu cơ và tro trấu, ông Nguyễn Ngọc Thảng còn bón phân chuồng ủ hoai cho dừa. Ảnh: Lê Khánh.

Với cách này, chủ nhà vườn vừa có thu nhập thêm từ các loại cây ngắn ngày, vườn dừa cũng được “chia tay” với cảnh khô khốc quanh năm như trước đây. Bên cạnh đó, hiện nay ông Thảng đã biết quản lý phòng trừ dịch hại tổng hợp trong vườn dừa, vun bầu làm rãnh thoát úng khi có mưa lớn. Ông còn thường xuyên dọn vệ sinh cỏ dại quanh gốc, vệ sinh tàu lá khô trên ngọn dừa và dọn sạch tàu lá quanh ngọn dừa để cây dừa phát triển.

“Nhà tôi có chăn nuôi bò, nên mỗi gốc dừa ngoài phân hữu cơ mụn dừa và tro trấu, tôi còn cho thêm vào phân bò. Tôi đã biết áp dụng bón phân theo "4 đúng" (đúng lúc, đúng loại, đúng lượng, đúng cách) cho cây dừa trong thời kỳ kinh doanh. Từ trước đến giờ, vườn dừa của tôi tồn tại như loài cây hoang dã, không hề được chăm sóc. Giờ chúng được “ăn” phân, được “uống” nước, được chăm chút kỹ lưỡng nên rễ non phát triển mạnh, đọt ra xanh um, lá khỏe mạnh, hứa hẹn những vụ quả bội thu”, ông Thảng chia sẻ.

Theo ông Thảng, từ khi ông áp dụng giải pháp thâm canh dừa theo hướng hữu cơ đến nay là tròn 1 năm, những cây dừa thiếu sức sống trước đây như được hồi sinh. Vườn dừa sinh trưởng, phát triển tốt, bình quân số tàu lá xanh trên cây đạt hơn 30 tàu/cây, tăng hơn dừa ngoài mô hình; tàu lá có màu xanh bền, quanh gốc ra rễ mới nhiều hơn so với vườn dừa nằm ngoài mô hình.

Sau khi được áp dụng biện pháp thâm canh, vườn dừa già cỗi của ông Nguyễn Ngọc Thảng ra lá mượt hơn trước đây. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi được áp dụng biện pháp thâm canh, những vườn dừa già cỗi đã ra lá mượt mà hơn trước đây. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Mới chỉ qua 1 năm mà tôi thấy vườn dừa của mình hồi sinh rõ ràng. Những cây dừa trong mô hình được chăm sóc có số buồng cho quả và tỷ lệ đậu quả cao hơn trước đây. Năng suất dừa trong mô hình đạt bình quân 65 quả/cây/năm, tăng cao hơn trước đây 30 quả/cây/năm. Thực tế này cho thấy năng suất quả của những cây dừa trong mô hình tăng vượt trội nhờ được đầu tư bón phân và được chăm sóc tốt.

Thêm vào đó, nhờ được hỗ trợ dinh dưỡng, bón phân hợp lý, tưới nước giữ ẩm nên cây dừa có sức đề kháng, chống chịu tốt hơn với các loại sâu bệnh gây hại. Các đối tượng bọ dừa, bệnh đốm lá dừa tỷ lệ thấp hơn so với trước đây khoảng 12 - 15%; hiện tượng nứt trái, rụng trái non cũng không còn”, nông dân Nguyễn Ngọc Thảng cho hay.

“Dừa ở Hoài Nhơn chủ yếu được nông dân trồng phân tán trong vườn nhà, trên đất vườn thừa thẹo với mật độ trồng khoảng 160 cây/ha. Áp dụng quy trình kỹ thuật đầu tư thâm canh cho vườn dừa, chi phí sẽ tăng 38,4 triệu đồng/ha so với khi không đầu tư, nhưng nhờ năng suất tăng gấp đôi, nên lợi nhuận tăng hơn 9,6 triệu đồng/ha.

Về lâu dài, năng suất cây dừa được đầu tư thâm canh theo hướng hữu cơ sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn ở những năm tiếp theo, lợi nhuận của chủ nhà vườn theo đó cũng tăng theo. Cây dừa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, dừa còn đóng vai trò quan trọng trong việc chắn gió, chắn cát nếu được trồng các vùng ven biển, cây dừa rất thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay”, bà Trương Thị Thúy Ức, Phó phòng Kinh tế Thị xã Hoài Nhơn đánh giá.


Vũ Đình Thung - Lê Khánh
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn