Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn: Tăng cường kiểm tra, giám sát để tín dụng chính sách phát huy hiệu quả
14:41 - 17/08/2022
Đó là phát biểu chỉ đạo của ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tại buổi làm việc với Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang sáng 16/8. 

Tỉnh An Giang hiện có 20.129 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,82%); 31.288 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 5,93%); số hộ thoát nghèo từ năm 2019-2021 là 32.865 hộ; tỉnh có huyện Tri Tôn thuộc huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.


Hoạt động tín dụng chính sách đạt loại tốt

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Thế Loan – Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang, cho biết: Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang thực hiện giao dịch tại 156 điểm giao dịch/156 xã, phường, thị trấn, đang thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng.
 

Ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy viên HĐQT Ngân hàng CSXH cùng đoàn công tác làm việc với Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang sáng 16/8. Ảnh: Hồng Cẩm

Thực hiện Quy chế hoạt động của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH, Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, huyện đã tham mưu UBND cùng cấp củng cố, kiện toàn kịp thời thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp. Định kỳ Ban đại diện Ngân hàng CSXH các cấp đều tổ chức họp; hàng năm đã ban hành chương trình kiểm tra, giám sát và phân công cụ thể đối với thành viên.
 

Tính đến nay tổng nguồn vốn tín dụng chính sách là 3.988,165 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương chuyển về là 3.180,526 tỷ đồng (tăng 262,147 tỷ đồng so với đầu năm); nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất là 576,780 tỷ đồng (tăng 21,588 tỷ đồng so với đầu năm).
 

Về nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đến nay là 230,858 tỷ đồng (tăng 13,110 tỷ đồng so với đầu năm), đạt 52,44% kế hoạch, chiếm tỷ trọng 5,80% trong tổng nguồn vốn; về sử dụng vốn, doanh số cho vay trong 7 tháng đầu năm là 771,375 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 475,961 tỷ đồng. Số khách hàng còn dư nợ 146.662 khách hàng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng 3.974,729 tỷ đồng; tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng được giao vốn đạt 97,9% kế hoạch… Trong khi đó tổng nợ quá hạn giảm đáng kể so với cùng kỳ, tính đến 31/7 là 40,340 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,01%/ tổng dư nợ.
 

Với kết quả trên, 7 tháng đầu năm 2022, chất lượng tín dụng chính sách tại chi nhánh xếp loại tốt; có 9/11 Phòng Giao dịch xếp loại tốt, 2/11 Phòng Giao dịch xếp loại khá.
 

Theo ông Trần Thế Loan, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách của tỉnh thời gian qua vẫn còn gặp một số khó khăn, như: Nguồn vốn tại chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh được Trung ương giao và UBND các cấp bổ sung không đủ để đáp ứng được nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Một bộ phận người nông dân nghèo thiếu tư liệu sản xuất, bỏ xứ đi làm thuê ở các đô thị, các khu công nghiệp; nhiều trường hợp HSSV vay vốn khi ra trường chưa có việc làm hoặc đi làm ăn xa, không có ý thức trả nợ...
 

Tăng cường kiểm tra, giám sát để nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng

Tại buổi làm việc đại diện các ban ngành, đoàn thể tỉnh An Giang đã có nhiều ý kiến, đề nghị đến HĐQT Ngân hàng CSXH.
 

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lương Quốc Đoàn đánh giá cao hoạt động tín dụng chính sách của Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang.
 

Đồng thời để phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trong thời gian tới ông Lương Quốc Đoàn đề nghị Ban đại diện HĐQT tỉnh tiếp tục quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; Nghị quyết của HĐQT để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục hỗ trợ Ngân hàng CSXH về cơ sở vật chất, cân đối ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
 

Ban đại diện HĐQT các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về tín dụng chính sách đến người dân, gắn hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình xây dựng nông thôn mới, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. 
 

Đồng thời, thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp; duy trì đủ kỳ họp, đúng thời gian quy định để kịp thời triển khai các nghị quyết của HĐQT, văn bản chỉ đạo của Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH, Ban đại diện HĐQT các cấp và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
 

Đối với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH tích cực đôn đốc, xử lý, thu hồi nợ quá hạn; đặc biệt lưu ý thường xuyên theo dõi, có giải pháp đôn đốc thu hồi đối với các trường hợp đi làm ăn xa hoặc bỏ đi khỏi địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức Hội cấp dưới, tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ TK&VV; kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng ủy thác với Ngân hàng CSXH.
 

Riêng Chi nhánh Ngân hàng CSXH An Giang tăng cường phối hợp với Sở, ban ngành có liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT cần khẩn trương triển khai kịp thời có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo tốt công tác Phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình hoạt động. Khẩn trương tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách...
 

Đoàn kiểm tra, giám sát cũng ghi nhận những ý kiến, kiến nghị, đề xuất của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp và chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang để báo cáo HĐQT Ngân hàng CSXH.
 

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Thúy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Trưởng Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh An Giang, tiếp thu ý kiến đóng góp của các ngành, đoàn thể và các thành viên đoàn giám sát và sẽ có những kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh cũng như Ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách để hoạt động tín dụng của tỉnh trong thời gian tới hoạt động hiệu quả hơn.
 

Chiều 15/8, Đoàn công tác đã làm việc với Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Theo đánh giá của đoàn công tác, hoạt động tín dụng chính sách của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Chợ Mới khá tốt.
 
 
Tính đến 31/7 tổng nguồn vốn là 409 tỷ đồng, tăng 23,225 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương là 322,191 tỷ đồng, tăng 23,462 tỷ đồng; nguồn vốn huy động địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất là 77,038 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác là 19,624 tỷ đồng. Doanh số cho vay năm 2021 84,421 tỷ đồng, 7 tháng đầu năm là 67,522 tỷ đồng; tổng nợ các chương trình tín dụng là 408,659 tỷ đồng, tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng được giao đạt 98,23% kế hoạch tăng trưởng; nợ quá hạn và dư nợ chiếm 1,37% so với tổng dư nợ...

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn