DIỆN MẠO MỚI Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ KHU VỰC ĐBSCL
Kiên Giang - Giảm số ấp và xã đặc biệt khó khăn
14:41 - 17/08/2022
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Kiên Giang ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Phát triển hạ tầng vùng biên giới, hải đảo

Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với 258.347 người, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh. Trong đó, đông nhất là đồng bào dân tộc Khmer có 228.289 người, người Hoa có 29.036 người và các dân tộc thiểu số khác hơn 1.000 người. Đồng bào dân tộc thiểu số sống rải ở 15 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều ở huyện Gò Quao, Châu Thành, Hòn Đất và TP Hà Tiên.

Hà Tiên là thành phố biên giới, giáp với nước bạn Campuchia. Dân số thành phố 48.503 người, với 3 dân tộc chính là Kinh, Hoa và Khmer. Thời gian qua, TP Hà Tiên đã thực hiện nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là khu vực giáp biên giới với nước bạn.

Du khách thích thú xem chị Nguyễn Thị Cẩm Hà, ở khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên bắt ốc óng tay và hỏi mua để thưởng thức. Ảnh: Trung Chánh.

Du khách thích thú xem chị Nguyễn Thị Cẩm Hà, ở khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên bắt ốc óng tay và hỏi mua để thưởng thức. Ảnh: Trung Chánh.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Hà, có mẹ là người Khmer, cha người Kinh, ở khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên cho biết: “Được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi. Nhất là từ khi xã biên giới Mỹ Đức lên phường, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện hơn, thu hút thêm khách du lịch, tạo việc làm cho người dân”. 

Tỉnh Kiên Giang có 49 xã/144 xã, phường, thị trấn, được phân định khu vực thuộc vùng dân tộc thiểu số, trong đó 2 xã khu vực III, 1 xã khu vực II và 46 xã khu vực I. Có 9 xã an toàn khu, trong đó 5 xã an toàn khu thuộc vùng dân tộc thiểu số và có 15 ấp đặc biệt khó khăn.

Gia đình chị Hà chỉ có 2 cộng ruộng làm lúa 2 vụ/năm, nhưng có 6 miệng ăn nên kinh tế trước đây khá khó khăn. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với chương trình đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Du lịch phát triển, thu hút đông du khách đến với Hà Tiên, nên công việc xây dựng của chồng chị Hà là Chau Rơ cũng ổn định hơn. Còn bản thân chị ở nhà chăm sóc ruộng và nuôi dạy con cái. Hàng ngày khi nước rút, chị tranh thủ ra bãi triều ven biển bắt ốc móng tay, cải thiện bữa ăn gia đình, nhiều thì bán lại cho các cơ sở kinh doanh du lịch, mỗi ký khoảng 100.000 đồng, nên cũng có thêm thu nhập.

Tương tự, hộ ông Ong Vĩnh Kim ở ấp Hòa Phầu, xã Thuận Yên, TP Hà Tiên đầu tư phát mô hình nuôi nghêu thương phẩm kết hợp với làm du lịch trải nghiệm. Từ thành công của bản thân, ông Kim đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã nuôi nghêu ấp Hòa Phầu, gồm 13 thành viên, với diện tích 35 ha và giải quyết được nhiều việc làm cho nông dân địa phương.

Thông thường sau khoảng 8 tháng nuôi, nghêu đạt trọng lượng từ 30-40 con/kg, giá bán 25.000 - 30.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận mỗi tổ viên đạt khoảng 100 triệu đồng/vụ. “Mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Việc phát triển du lịch cũng tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ”, ông Ong Vĩnh Kim khẳng định.

Nghỉ hè, trẻ em dân tộc thiểu số theo cha mẹ ra bãi triều ven biển ở khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên bắt ốc óng tay, để bán cho du khách, có thêm thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.

Nghỉ hè, trẻ em dân tộc thiểu số theo cha mẹ ra bãi triều ven biển ở khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên bắt ốc óng tay, để bán cho du khách, có thêm thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.

 
 

Ông Nguyễn Đức Chín, Bí Thư Thành ủy, Chủ Tịch UBND TP Hà Tiên cho biết, thời gian qua, Trung ương, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn tạo điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được quan tâm đầu tư và phát triển, sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao và dần từng bước sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung.

Từ đó, tạo điều kiện cho TP Hà Tiên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn sang thành thị, từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Giảm nghèo bền vững, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số với cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều gắn với dạy nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở những thị trường lao động chất lượng cao.

Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư hoàn thiện hơn, thu hút đông khách du lịch, đã tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, nhất là dịch vụ phục vụ ăn uống. Ảnh: Trung Chánh.

Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư hoàn thiện hơn, thu hút đông khách du lịch, đã tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, nhất là dịch vụ phục vụ ăn uống. Ảnh: Trung Chánh.

Nâng cao thu nhập, giảm số ấp, xã đặc biệt khó khăn

Ông Danh Lắm, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Chương trình được thực hiện trên địa bàn các xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lắm, mục tiêu của Chương trình giai đoạn từ năm 2021 – 2025 là phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1,5-2%, phấn đấu có ít nhất 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn…

Đồng bào dân tộc thiểu số ở khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên có thu nhập ổn định từ việc thu hoạch nghêu, ốc... ở bãi triều ven biển để bán, phục vụ khách cho du lịch. Ảnh: Trung Chánh.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở khu phố Xà Xía, phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên có thu nhập ổn định từ việc thu hoạch nghêu, ốc... ở bãi triều ven biển để bán, phục vụ khách cho du lịch. Ảnh: Trung Chánh.

Để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, 6 tháng đầu năm 2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho 248 người dân tộc thiểu số tham gia học. Giải quyết việc làm cho 3.200 lượt người dân tộc thiểu số và cho 57 người dân tộc thiểu số vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, với số tiền gần 2,4 tỷ đồng, tham gia xuất khẩu lao động. Phấn đấu cả giai đoạn sẽ đào tạo nghề cho khoảng 22.589 người, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 10.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân tộc Kinh nghèo, cận nghèo ở xã, ấp đặc biệt khó khăn.

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh, đổi mới sángtạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh, bềnvững. Từng bước thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển, giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

Triển khai 10 dự án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Dự kiến tổng mức vốn và nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang gần 1.684 tỷ đồng. Nguồn vốn trên chủ yếu tập trung cho công tác đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng nâng cao năng lực sản xuất. Chương trình triển khai với 10 dự án lớn, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch…


Đ.T.CHÁNH – VĂN VŨ
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn