Một ông nông dân Lâm Đồng thu hàng tỷ nhờ mô hình trồng cây lựu đỏ Ấn Độ
08:45 - 16/08/2022
Một nông dân Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) trồng hàng ngàn cây lựu, chiết cành cung ứng giống lựu cho khắp khu vực. Giống lựu đỏ Ấn Độ đang được cung cấp rộng rãi khắp cả nước từ một vườn giống giản dị trên đồi Tân Văn.
Ông Võ Văn Hiệp bên luống lựu giống của gia đình ở thôn Tân Hòa, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Ông Hiệp trồng lựu đỏ Ấn Độ.



Gia đình ông Võ Văn Hiệp, thôn Tân Hòa, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) rất nổi tiếng trong cộng đồng trồng lựu Việt Nam. Bởi mỗi năm, vườn lựu của gia đình đã cung cấp hàng chục ngàn cây lựu giống cho người trồng khắp nơi. 

Từ sở thích ban đầu, giờ vườn lựu giống đã trở thành nguồn thu lớn cho gia đình.

Ông Võ Văn Hiệp kể lại, năm 2020, ông trồng thử vài chục cây lựu Ấn Độ, thứ lựu theo người bán giới thiệu là cho trái rất to, thịt trái đỏ rực, vị ngọt đậm đà, nước nhiều, hạt nhỏ. Mới trồng 8 tháng, không ngờ lựu đã cho trái, có trái nặng tới 0,8kg, vị rất ngon ngọt, đúng như lời người bán giống cam kết. 

Thấy cây lựu Ấn Độ hợp đất Lâm Hà và theo ông tìm hiểu, hợp với hầu hết các vùng khí hậu nóng trong cả nước, ông Hiệp nảy ra ý định trồng lựu vừa để lấy trái, vừa để cung cấp giống. 

Vậy là tháng 4/2020, ông cải tạo mảnh vườn 2 ha nằm trên sườn đồi, xuống giống 3.500 gốc lựu Ấn Độ. Hợp đất, hợp khí hậu, những cây lựu lớn nhanh, cho hàng ngàn cây lựu giống mỗi tháng.

Theo ông Hiệp, cây lựu trồng khoảng chừng 7- 8 tháng, khi bắt đầu ra hoa kết trái là có thể sản xuất giống. Giống được sản xuất theo kỹ thuật chiết cành truyền thống. 

Trên cây lựu mẹ, ông chọn những cành trưởng thành, vanh cành 2-4 cm, cao khoảng 60-80 cm tiến hành khoanh vỏ. Sau khi khoanh vỏ, cần để vết khoanh 1 tuần để se vết thương, sau đó quét thuốc kích rễ và tiến hành bó “bồng” bằng giá thể. Sau khoảng 1-2 tháng, cành chiết ra rễ là có thể cắt khỏi cây mẹ, xuất bán tới tay người trồng. Một cây lựu, tùy tuổi, sức sống có thể cho từ 10-15 cây con/năm.

Điều khá đặc biệt ở vườn lựu giống của gia đình ông Võ Văn Hiệp là phương pháp canh tác thuận tự nhiên. Vì vườn nằm trên sườn đồi nên khi trồng, ông Hiệp cho đánh luống cao, trồng cây lựu trên luống để hạn chế xói mòn và mất nước. 

Hệ thống tưới được treo cao, nước phun trực tiếp vào các cành chiết, đảm bảo cành luôn đạt độ ẩm thích hợp. Vườn không sử dụng các loại thuốc diệt cỏ mà để cỏ mọc phủ luống. 

Khi cỏ mọc cao, ông dùng máy cắt cỏ, ủ trực tiếp vào luống lựu, phun men vi sinh để cỏ phân hủy thành phân xanh. Loại cỏ khô này có tác dụng giữ ẩm cho gốc lựu, hạn chế cỏ mọc sát gốc và khi phân hủy hoàn toàn sẽ trở thành một loại phân hoai mục, bổ sung dinh dưỡng cho đất.

Gia đình ông Võ Văn Hiệp cũng là nông hộ áp dụng công nghệ 4.0 vào cung ứng cây trồng. Con trai ông Hiệp, Võ Trung Nguyên là một bạn trẻ rất năng động. Nguyên rao bán giống thông qua các nền tảng xã hội như facebook, zalo, tiktok…, giới thiệu sản phẩm thông qua các nhóm cộng đồng. 

Thông qua mạng xã hội, Nguyên cung cấp giống lựu, kỹ thuật trồng, chăm sóc tới khách hàng khắp cả nước. Võ Trung Nguyên chia sẻ: “Nông dân nếu chỉ bán theo kiểu truyền thống, truyền tai thì sức lan tỏa khá chậm. Tôi quảng bá sản phẩm dựa trên các nền tảng xã hội, do đó tiếp cận được đa dạng khách hàng, rất thuận lợi cho nông hộ và chi phí cũng không đáng kể”.

Mỗi năm sản xuất từ 35 - 40 ngàn cây lựu giống, với giá bán 60 ngàn đồng/cây, gia đình ông Võ Văn Hiệp thu hàng tỷ đồng. Ông Hiệp cũng cho biết, lựu Ấn Độ sức sống rất tốt. Sau này, khi nhu cầu giống lựu giảm dần, gia đình sẽ chuyển dần một phần diện tích sang trồng lấy trái thương phẩm cung cấp cho người tiêu dùng. 

Ông tin chắc trong thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ có số lượng lớn trái lựu Ấn Độ ngon, ngọt, giảm bớt lượng lựu nhập khẩu.

Bà Lương Nữ Hoài Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) nhận xét, ông Võ Văn Hiệp là nông dân sản xuất giỏi nổi tiếng trong vùng. Ông Hiệp sẵn sàng áp dụng kỹ thuật mới, trồng giống cây mới, “đi tắt đón đầu” và đạt những kết quả rất tốt trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ông Hiệp còn là người nhiệt tình với cộng đồng, sẵn sàng đóng góp tiền bạc, công sức vào xây dựng thôn Tân Hòa cũng như xã Tân Văn, là điển hình nông dân thời đại 4.0 làm giàu cho gia đình và chia sẻ cùng cộng đồng.



 

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn