Tận dụng lợi thế diện tích mặt hồ thủy điện rộng lớn, nông dân huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng, tạo thu nhập ổn định.
Quỳnh Nhai có hơn 10.000 ha mặt nước nuôi cá lồng phát triển kinh tế
Với diện tích mặt nước rộng hơn 10.000 ha trải rộng trên địa bàn, đây lợi thế để huyện Quỳnh Nhai nuôi trồng thủy sản. Để phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có này, những năm qua, địa phương này đã huy động các nguồn lực thúc đẩy sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp vùng lòng hồ, vận động nhân dân chuyển từ trồng cây hàng năm sang nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ.
Bản Ít là bản tái định cư thủy điện Sơn La theo diện di chuyển nội xã vào năm 2007. Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, người dân bản Ít đã phát huy lợi thế vùng lòng hồ để nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản. Các hộ dân liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) thủy sản, tham gia nuôi tập trung, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng, năng suất, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Anh Tòng Văn Loán, Giám đốc HTX thủy sản Ngọc Hùng Cho biết: HTX Ngọc Hùng, Xã Mường Sại, Huyện Quỳnh Nhai, (Sơn La) được thành lập tháng 3/2017, với 14 thành viên, nuôi 162 lồng cá; nuôi chủ yếu các loại cá trắm, lăng, chép, rô phi, nheo, trê… Để nuôi cá đạt hiệu quả, tạo ra sản phẩm sạch, năng suất chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, HTX đã tận dụng rau củ, bột ngô, sắn, cỏ voi VA06 tự trồng trên nương, ven lòng hồ, làm vó bè để lấy cá tạp làm thức ăn cho cá. Hàng năm HTX đã thu được hơn 20-30 tấn cá các loại với giá từ 70 - 80 nghìn đồng/kg, tùy từng loại cá khác nhau, đem lại doanh thu nhập hàng tỷ triệu đồng.
"Các thành viên trong HTX tập trung nuôi cá theo quy trình VietGAP, áp dụng từ khâu chọn cá giống, mật độ thả cá, lựa chọn thức ăn… Qua đó, tạo ra các sản phẩm có chất lượng sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu cá lồng của HTX. Năm 2019, sản phẩm cá lồng của HTX thủy sản Ngọc Hùng đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP" ông Loán nói.
Nhiều giải pháp xây dựng thương hiệu sản phẩm cá sông Đà từ cá lồng trên lòng hồ
Trao đổi với phóng viên, ông Điêu Chính Hải, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) cho biết: Với diện tích lòng hồ thủy điện Sơn La tại Quỳnh Nhai hơn 10.000ha, trải dọc 9 trong số 11 xã với chiều dài khoảng 72km, từ năm 2010, Quỳnh Nhai triển khai nuôi thí điểm cá lồng. Đến nay, Quỳnh Nhai đã có 47 HTX thủy sản với khoảng 6.000 lồng cá các loại; sản lượng nuôi trồng, đánh bắt mỗi năm khoảng gần 1.000 tấn cá. Bình quân mỗi vụ, tùy số lượng lồng cá mà mỗi hộ có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
|
Việc phát triển nuôi cá lồng của người ven lòng hồ thủy điện Sơn La ở bản Ít đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Ảnh: A Mua |
Để giúp người dân phát triển cá lồng, huyện Quỳnh Nhai đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân; xây dựng mô hình khuyến nông tái định cư; chuyển giao kỹ thuật, trang bị kiến thức và công nghệ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cho người dân; gắn khai thác thủy sản với các quy ước bảo vệ nguồn nước, nguồn thủy sản; cũng như tích cực giao mặt nước cho các hộ dân nuôi cá lồng…
Ngoài ra huyện cũng tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn, hướng dẫn người dân trên địa bàn sản xuất theo hướng nuôi cá sạch, tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng thức ăn sẵn có như cá tép sông, sắn, cỏ voi, cây chuối… tạo thương hiệu riêng đối với cá sông Đà, nâng cao uy tín với người tiêu dùng.
Nhờ vậy mà những năm gần đây, thương hiệu về sản phẩm cá sông Đà của huyện ngày càng có uy tín trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Với việc duy trì và phát triển nhãn hiệu sản phẩm cá sông Đà, đã góp phần tạo điều kiện cho bà con yên tâm gắn bó với nghề nuôi cá. Đồng thời, giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập ổn định, qua đó đưa nông dân thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Có thể nói nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà thuộc huyện Quỳnh Nhai đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực về kinh tế. Tuy nhiên để nghề nuôi cá lồng phát triển đồng bộ hơn nữa, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị đầu mối, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con vùng lòng hồ khai thác tốt lợi thế về mặt nước. Tạo điều kiện cho nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sông nước giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương.