Quỳ Châu là huyện nghèo, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao đã gặt hái được trái ngọt khi thực hiện chương trình OCOP.
|
Quỳ Châu có nhiều sản phẩm đặc trưng, lợi thế. Ảnh: Anh Khôi. |
2 năm qua, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An), nơi điều kiện thực tế còn nhiều khốn khó. Dù vậy với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của người dân nhiều điểm sáng đã xuất hiện.
Mấu chốt là khi chú trọng thực hiện Đề án số 06- ĐA/HU của BTV Huyện ủy về “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025”. Từ cơ sở này, huyện Quỳ Châu đã tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu OCOP.
Nói thì dễ nhưng xắn tay vào làm lại là câu chuyện khác. Bởi lẽ Qùy Châu vốn dĩ là huyện nghèo, xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế, trình độ nhận thức người dân chưa cao...
Lực cản không ít nhưng bù lại Qùy Châu có nhiều ngành nghề truyền thống, có nét đẹp văn hóa ẩm thực đa dạng và phong phú, là nền móng cho sự phát triển của các sản phẩm mang đậm nét văn hóa nơi phủ Qùy (Dệt thổ cầm, trồng tơ nuôi tằm, đan lát mây tre đan, hương trầm…). Những yếu tố trên kết hợp với sự chỉ đạo, nhập cuộc sâu sát của cả hệ thống chính trị, “mầm xanh” OCOP dần đơm hoa kết trái.
Lấy HTX Phúc Thịnh Phát làm điển hình, dù tuổi đời còn khá non trẻ (mới thành lập hơn 2 năm) nhưng đơn vị này tự hào có đến 4 sản phẩm được chứng thực OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao, gồm chè hoa vàng Pù Huống, mật ong rừng Pù Huống, rượu Mú Tửn, rượu nấm lim xanh.
Là một HTX kiểu mới, Phúc Thịnh Phát tức thì mang lại làn gió tươi mát thông qua dòng sản phẩm đặc trưng với nhiều điểm nhấn tươi mới. Xuyên suốt các khâu, tất thảy quy trình vận hành đều thể hiện tính khoa học, chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của xu thế mới: Chọn lựa kỹ nguyên liệu đầu vào, tỉ mẩn khi đóng gói sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu, có mã tem QR truy suất nguồn gốc…
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hoàng Anh cũng là địa chỉ OCOP đáng tin cậy. 1.200 cây cam trên diện tích khoảng 3 ha mỗi vụ HTX thu về từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Ngay cả thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nơi ứ đọng nguồn hàng nhưng tại đât vẫn đắt hàng như thường, nguyên nhân nhờ sản phẩm đảm bảo tiêu chí “sạch”.
Xác định chất lượng đóng vai trò tiên quyết, Quá trình canh tác HTX nông nghiệp Hoàng Anh không phun thuốc trừ sâu công nghiệp, thay vào đó là các chế phẩm sinh học nhiên nhiên. Từ cách làm nay, năm 2021 HTX đã đăng ký thương hiệu cam Vinh và dán tem QR truy xuất nguồn gốc.
Ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu chia sẻ: Đến nay huyện Quỳ Châu có 9 sản phẩm đạt chuẩn 3- 4 sao OCOP. Giai đoạn 2022-2025, huyện Qùy phấn đấu phát triển các sản phẩm có lợi thế (trứng gà cỏ, thịt gà cỏ, thịt lợn giàng, thịt bò giàng, thịt trâu gác bếp, vịt bầu Qùy, măng muối tỏi ớt) và sản phẩm đặc sản của địa phương nhằm cung ứng cho Làng du lịch cộng đồng, các điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh gắn với du lịch trải nghiệm trên địa bàn.