Để nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc
08:28 - 28/06/2022
Thực tế nhiều năm qua, nhất là những lúc khó khăn nhất của đất nước, vai trò của nông nghiệp càng được thể hiện rõ.

Trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng nhanh bởi đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukraine và những lệnh cấm vận của các nước phương Tây lên Nga, khiến nhiều mặt hàng, nhất là lương thực, thực phẩm trở nên khan hiếm và giá tăng phi mã. Việc có đủ lương thực, thực phẩm của người dân nhiều quốc gia ngày càng khó khăn mới thấy rõ vai trò trụ đỡ của nông nghiệp - nông dân - nông thôn Việt Nam. Không chỉ đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu người với giá hợp lý mà còn đóng góp lớn cho xuất khẩu và xuất siêu (năm 2021 xuất khẩu 48,6 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước).
 

Hoạt động xuất khẩu gạo tại Tổng công ty Lương thực Miền nam. Ảnh: Vũ Sinh

Mặc dù đạt được những kết quả đáng tự hào như vậy nhưng trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vừa qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ rõ những bất cập của ngành nông nghiệp: Chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường. Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, do sản xuất còn manh mún, tự phát. Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp còn thấp. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Nông sản, nhất là rau quả, vẫn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng “được mùa mất giá”, ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hàng năm, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế xã hội.
 

Cũng trên tinh thần nhìn thẳng sự thật, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thành tựu rực rỡ nhất của nông nghiệp không phải là trở thành mảng xuất khẩu quan trọng mà là đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tạo nền tảng cho kinh tế Việt Nam phát triển vững chắc hơn. Tuy nhiên, nhiều khuyết điểm, tồn tại được chỉ ra từ lâu vẫn chậm được khắc phục, như: Tăng trưởng không bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ còn yếu, nguồn lực con người chưa phát huy được, lực lượng sản xuất chính vẫn là các nông hộ nhỏ. Cùng với đó, cơ cấu kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn vẫn chuyển biến chậm, môi trường vẫn ô nhiễm, ứng phó với thiên tai còn nhiều thách thức... Đặc biệt, ông nhấn mạnh: Vấn đề đáng chú ý nhất là nông dân. Dù các nghị quyết của Trung ương đã đặt những vấn đề lớn như xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp nhưng lại chưa có đề án cụ thể nào tập trung cho nông dân. Nghị quyết số 26 năm 2008 về nông nghiệp-nông dân-nông thôn đã xác định nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, nhưng thực tế đội ngũ này chưa được phát triển như mong đợi.
 

Theo Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động cả nước năm 2020 là 54,844 triệu người; lao động trong khu vực nông thôn là 36,671 triệu chiếm 66,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong nông nghiệp khá thấp, năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn chỉ là 16%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của thành thị (39,3%). Thêm nữa, hầu hết lao động trẻ, được đào tạo lại bỏ nông thôn đến các khu công nghiệp, đô thị nên lao động chính tại nhiều vùng nông thôn chủ yếu là ông già, bà già, trẻ em. Đây là thách thức lớn trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nhất là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
 

Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh, đồng thời giúp bà con nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp thì việc đầu tiên và liên tục là phải đào tạo cho bà con. Thứ hai, cung cấp cho người nông dân kiến thức đa dạng, từ kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái đến kiến thức về quản lý, quản trị, liên kết, bán hàng, làm chủ thiết bị công nghệ mới, tư duy kinh tế nông nghiệp theo nhu cầu phát triển các ngành kinh tế, vùng sản xuất…Thứ ba, đa dạng các loại hình đào tạo. Thứ tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn. Thứ năm, Chính phủ phải là nhà đầu tư lớn nhất, toàn diện nhất  trong vấn đề này.
 

Trong tham luận tại Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh: “Muốn có một nền nông nghiệp chuyên nghiệp, phải có đội ngũ nông dân được chuyên nghiệp hoá. Muốn có một nền nông nghiệp tri thức trong nền kinh tế tri thức, người nông dân phải được trí thức hoá”. Nghĩa là, muốn nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc thì nền tảng của nó – người nông dân phải được đào tạo, nâng cao kỹ năng làm việc, kiến thức mọi mặt.

Nguồn: kinhtenongthon.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn