Bảo vệ môi trường nông thôn từ những phong trào cụ thể, thiết thực
(MTNT) – Thời gian qua, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN luôn xác định việc thực hiện các tiêu chí về môi trường chính là nhiệm vụ trọng tâm, trực tiếp của các cấp Hội, đồng hành cùng chính quyền các địa phương trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu lớn là sự phát triển bền vững.
|
Hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy, hội viên, nông dân được nâng cao về nhận thức nên công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận |
Trên cơ sở đó, Trung ương Hội NDVN đã chỉ đạo Hội ND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, ký kết và tổ chức thực hiện chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường của các tỉnh, thành phố. Đồng thời, tích cực chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên gắn nội dung hoạt động bảo vệ môi trường vào chương trình công tác hàng năm và các phong trào thi đua của hội viên, nông dân, nhất là ở cấp cơ sở.
Đến nay, 63/63 Hội ND các tỉnh, thành phố đều đã tiến hành xong việc ký kết chương trình phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng cấp. Trong đó, nhiều địa phương cũng đã triển khai xây dựng những nội dung hoạt động cụ thể, phù hợp và đề ra những quy định rõ ràng trong vai trò, trách nhiệm của từng ngành.
Bên cạnh đó, hàng năm, các cấp Hội trong cả nước đã đẩy mạnh việc phát động các cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể, thiết thực. Với sự nỗ lực của các cấp Hội trong cả nước, công tác bảo vệ môi trường nông thôn trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững đất nước.
Đáng chú ý, nhiều hoạt động đã đi vào chiều sâu, trở thành việc làm thường xuyên giúp nâng cao hiệu quả quản lý cũng như nhận thức chung của cả cộng đồng đối với việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Từ đó, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các địa phương trong cả nước.
Thời gian qua, Hội ND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực nhằm phát huy tốt vai trò làm "trung tâm nòng cốt" trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Đặc biệt, trước tình hình đại dịch Covid-19 với những diễn biến khó lường, gây tác động mạnh mẽ đến đời sống hội viên, nông dân trong hơn hai năm qua, song các cấp Hội ND thành phố đã luôn chủ động, sáng tạo, duy trì tốt các mô hình bảo vệ môi trường.
Kết quả, các cấp Hội ND thành phố đã tổ chức, hướng dẫn đăng ký xây dựng được 534 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Cùng với đó, các cấp Hội cũng đang đảm nhận hơn 4.000 đoạn đường tự quản; trong đó, mỗi cơ sở Hội đều đã có một mô hình “Hàng cây nông dân”, “Đoạn đường nông dân kiểu mẫu”...
Tính đến nay, toàn thành phố đã tổ chức trồng và gắn biển 75 hàng cây nông dân với tổng số 12.535 cây xanh; trồng 112 tuyến đường hoa nông dân với độ dài 41 km2; xây dựng được 45 mô hình cánh đồng sạch; 38 mô hình hàng cây kiểu mẫu… Từ sức lan tỏa của các mô hình này đã góp phần tích cực vào công cuộc gìn giữ, bảo vệ môi trường thủ đô ngày càng sáng- xanh- sạch- đẹp.
Bên cạnh đó, năm 2021, Hội ND thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc triển khai cuộc vận động "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn cao". Đồng thời, các cấp Hội trên địa bàn thành phố đã vận động hội viên, nông dân hăng hái tham gia xây dựng mô hình "cánh đồng sạch", tổ chức các buổi ra quân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, "Hàng cây nông dân", "Đoạn đường nông dân kiểu mẫu".
Nhiều đơn vị Hội triển khai tốt hoạt động này, tiêu biểu như Hội ND huyện Chương Mỹ. Theo đó, các cấp Hội trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân liên kết nhau lại và thành lập các Câu lạc bộ bảo vệ môi trường. Mặt khác, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng, tạo dựng những tuyến đường hoa, trồng mới những hàng cây xanh...
Năm 2021, hội viên, nông dân trong huyện đã xây dựng được 40 mô hình bảo vệ môi trường; trong đó có 3 mô hình hàng cây nông dân với 195 cây xanh các loại. Cùng với đó, Hội ND phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiến hành việc khảo sát, thí điểm và triển khai mô hình "Cánh đồng không khói" trên địa bàn các xã gồm: Đồng Phú, Hòa Chính, Văn Võ, Thượng Vực…
Từ những kết quả thiết thực đạt được ban đầu cho thấy, thông qua việc vận động hội viên, nông dân nói không với thuốc bảo vệ thực vật, nhiều hộ nông dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau an toàn, lúa hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học… Qua đó, vừa tạo ra những sản phẩm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Những năm gần đây, tại huyện Đan Phượng, vấn đề môi trường nông thôn cũng đã có nhiều khởi sắc. Hiện, trên khắp các cánh đồng trải dài của huyện đã không còn xuất hiện tình trạng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị vứt bỏ bừa bãi như trước. Theo đó, các cấp Hội trong huyện đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để giúp hội viên, nông dân hiểu được những lợi ích thiết thực của việc sử dụng phân bón vi sinh, phân bón hữu cơ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, hầu hết Hội ND các xã trên địa bàn huyện Đan Phượng hiện nay đều đã và đang nhân rộng mô hình xử lý phế thải nông nghiệp sau khi thu hoạch để ủ làm phân hữu cơ. Nhất là mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ ngay trên đồng ruộng cũng đang được đông đảo hội viên, nông dân trong huyện hưởng ứng và tích cực thực hiện.
Đến nay, nhiều “mô hình xanh” do các cấp Hội trên địa bàn thành phố xây dựng đã có sức lan tỏa rộng khắp, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan, không gian xanh, sạch, đẹp, nâng cao đời sống cho người dân ở các vùng nông thôn ven đô. Tiêu biểu phải kể đến các mô hình như: “Tuyến đường nông dân tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp”, “Đoạn đường nông dân kiểu mẫu”, “Cánh đồng sạch, cánh đồng không đốt rơm rạ”, “Trồng rau hữu cơ, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học”; "Chi Hội nông dân đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng"; "Tổ Hội nông dân thu gom rác thải"; "Tổ thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật"; "Mô hình xây dựng bể chứa rác thải, thuốc bảo vệ thực vật"; "Một hố rác - một cây xanh"…
Không chỉ xây dựng những "mô hình xanh", các cấp Hội trên địa bàn thành phố còn vận động hội viên, nông dân tự giác tham gia làm vệ sinh môi trường hàng tuần trên khắp các tuyến đường làng, ngõ xóm và những địa điểm công cộng ở địa bàn các thôn, xã. Từ đó, đã góp phần xây dựng và lan tỏa được ý thức của mỗi người dân thủ đô đối với việc bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng.
Tại tỉnh Thanh Hóa, những năm gần đây, từ thực trạng tại nhiều địa phương cho thấy, do quá trình phát triển nhanh và mạnh trong lĩnh vực kinh tế, xã hội đã làm phát sinh khối lượng lớn các chất rác thải rắn từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Để nâng cao ý thức của người dân ở địa bàn nông thôn nói chung và của hội viên, nông dân nói riêng, những năm qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết; góp phần giữ gìn sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Theo thống kê, hiện bình quân mỗi ngày toàn tỉnh đang phát sinh khoảng trên 2.000 tấn chất thải rắn, rác thải sinh hoạt. Sau khi được thu gom về các điểm tập kết theo quy định, thông thường toàn bộ số rác thải này chủ yếu vẫn đang xử lý bằng cách chôn lấp. Mặc dù chính quyền tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo tích cực trong việc đầu tư xây dựng một số dự án xử lý rác tại nhiều địa phương, song hiệu quả đạt được hiện còn chưa đáp ứng được nhu cầu từ thực tế đặt ra.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh để xử lý hiện mới chỉ được triển khai tại các khu trung tâm như thành phố, huyện hoặc các xã, thị trấn có dân cư đông, sinh sống tập trung. Vì thế, tại các địa bàn còn nhiều khó khăn, chưa phát triển mạnh về giao thông đi lại thì việc thu gom rác vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả của công tác tuyên truyền và ý thức của từng hộ gia đình.
Trước những khó khăn đặt ra, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cùng chung tay bảo vệ môi trường. Thông qua nhiều hình thức, nội dung tổ chức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương đang cho thấy mang lại nhiều kết quả rõ rệt.
Đến nay, 100% các huyện, thành Hội đều xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường ở các cơ sở, chi tổ Hội, Câu lạc bộ nông dân. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức các hoạt động cao điểm trùng vào những đợt phát động hưởng ứng các ngày lễ lớn về môi trường đã giúp phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo hội viên, nông dân cũng như người dân nông thôn.
Hàng năm, các cấp Hội cũng tổ chức cho các chi, tổ Hội triển khai tới từng gia đình hội viên, nông dân ký cam kết thực hiện 6 nội dung "Gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường"; đồng thời, đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào chỉ tiêu xếp loại thi đua bình xét, đánh giá. Bên cạnh đó, phát động mỗi cơ sở Hội có một việc làm cụ thể để tham gia bảo vệ môi trường như: Thu gom rác thải trong thôn, xóm và khu dân cư; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; trồng mới, bảo vệ và chăm sóc hàng cây; xây dựng các tuyến đường không rác thải...
Một số đơn vị đã phối hợp triển khai rất tốt, mang lại kết quả thiết thực, điển hình như Hội ND huyện Quảng Xương. Những năm qua, huyện Hội đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thiết thực, giúp nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên, nông dân cùng chung tay bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần đảm bảo sức khỏe cộng đồng cũng như giữ sạch môi trường sinh thái ở nông thôn.
Hội ND huyện chỉ đạo các cơ sở Hội tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua các hoạt động được triển khai đã khuyến khích bà con nông dân nâng cao nhận thức, tích cực ứng dụng công nghệ mới, các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu; hạn chế việc sử dụng các nguồn nguyên, nhiên liệu làm phát sinh nhiều loại khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính...
Nhiều phong trào, mô hình và cách làm thiết thực, cụ thể khi được triển khai đã tạo ra hiệu ứng và sức lan tỏa, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân cùng tham gia. Tiêu biểu như chương trình “Ngày chủ nhật xanh” đã vận động đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bụi rậm, tháo gỡ biển quảng cáo trái phép để tránh che khuất tầm nhìn; góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông trên những tuyến đường liên thôn, liên xã.
Mặt khác, các cấp Hội còn phối hợp với các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn và vận động bà con nông dân tiến hành việc thu gom, phân loại chất thải, rác thải sinh hoạt tại gia đình; hình thành và duy trì các tổ thu gom, xử lý rác thải ở tất cả các thôn, xóm, khu dân cư để tập trung, vận chuyển tới các địa điểm xử lý theo quy định. Ngoài ra, huy động sự tham gia của cả cộng đồng trong hoạt động giám sát, quản lý chất thải tại địa bàn nông thôn…
Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng được 1.200 bể chứa rác thải, thuốc bảo vệ thực vật trên khắp các cánh đồng; xây dựng 290 mô hình đoạn đường nông dân tự quản...
Hội ND huyện còn phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho bà con nông dân để nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn nguồn nước sạch; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; không xả, vứt rác thải bừa bãi... Ngoài ra, vận động hội viên, nông dân hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch, cách trộn các loại chế phẩm sinh học để tận dụng nguồn phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trở thành phân bón hữu cơ phục vụ bón trên cây trồng.
Hay như Hội ND huyện Thọ Xuân cũng tăng cường phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, thu gom rác thải và hạn chế việc sử dụng túi ni-lon, đồ nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày. Qua đó, nâng cao kiến thức cho hội viên, nông dân về tác hại của các loại rác thải nhựa đối với môi trường sống; tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni-lon, thay thế bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn vận động hội viên, nông dân chiều thứ 7 hàng tuần tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường trên địa bàn các xã; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt trực tiếp ngay từ các hộ gia đình…
Hàng năm, Hội ND huyện còn tích cực phối hợp và tham gia cùng các đoàn đi kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các địa phương nhằm sớm phát hiện, xử lý kịp thời những phát sinh, điểm nóng, không để xảy ra những hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, 30 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức ký hợp đồng với Hợp tác xã dịch vụ môi trường, các tổ tiến hành đi thu gom để vận chuyển rác thải sinh hoạt và đưa về xử lý tại các lò đốt rác, kết hợp với việc chôn lấp theo quy định. Ước tính, tần suất thu gom rác thải trung bình 2 ngày/lần, đối với các khu vực thị trấn đông dân cư thì 1 ngày/lần. Nhờ đó, lượng rác trung bình được thu gom đem đi xử lý khoảng 126,7 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom rác thải đạt 96,3%, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra tại các địa phương.
Có thể thấy, thông qua công tác phối hợp chặt chẽ với ngành Tài nguyên và Môi trường các cấp đã góp phần giúp Hội ND các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai nhiều hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Qua đó, góp phần tích cực giải quyết một số vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường trên địa bàn nông thôn; phối hợp quản lý tốt nguồn tài nguyên; củng cố thêm lòng tin của hội viên, nông dân đối với Đảng, với Nhà nước và tổ chức Hội ND.