Bỏ Sài Gòn về quê tận Hà Giang kiếm tiền tỷ nhờ nuôi giống bò gì mà ai cũng hỏi "sao nó to thế"
09:38 - 06/05/2022
Thay vì chăn nuôi theo hướng truyền thống, trang trại Cát Lý do anh Thượng Thái Cát, thôn Mịch B, xã Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) làm chủ đã thực hiện mô hình nuôi bò 3B với quy mô trên 120 con, bước đầu đem lại hiệu quả, thu nhập cao.
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, nên đàn bò mà đa số là bò 3B của gia đình anh Cát luôn sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.



Sau một thời gian lập nghiệp trong thành phố Hồ Chí Minh, anh Thượng Thái Cát, sinh năm 1981 nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi bò lai 3B, anh đã quyết định về quê hương để khởi nghiệp. 

Nghĩ là làm, anh Cát dốc toàn bộ số vốn dành dụm được để chuẩn bị chuồng nuôi, lên kế hoạch chăm sóc bò cẩn thận.

Lúc đầu anh mua 17 con. Tuy nhiên, do ban đầu chưa có kinh nghiệm nên bò bị mắc bệnh. Quyết tâm không chịu thất bại, anh quyết định tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi bò 3B trên sách báo và ti vi; tích cực đi học tập các mô hình kinh tế trong, ngoài tỉnh Hà Giang.

Sau thời gian tìm tòi, học hỏi cùng những kinh nghiệm của bản thân, anh Cát đã trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về kỹ thuật nuôi bò và làm tốt công tác vệ sinh, phòng bệnh. Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình chăn nuôi, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn bò của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, ít dịch bệnh. 

Đến nay, sau gần 2 năm chăn nuôi, đàng bò của gia đình anh Cát đã lên đến hơn 120 con, chủ yếu là bò lai 3B và bò vàng địa phương. Thị trường tiêu thụ bò chủ yếu cung cấp cho các lò mổ tại Hà Nội. Năm 2021, trang trại xuất bán khoảng 50 con bò, trung bình mỗi con có trọng lượng 600 – 700kg với giá bán 95.000 đồng/kg, cho doanh thu gần 3 tỷ đồng. 

Anh Cát chia sẻ: “ Bò 3B là giống bò cao sản nuôi không khó bởi có sức đề kháng cao, phàm ăn nên sản lượng thịt rất cao, Bò 3B ưu điểm là tăng trưởng nhanh. Quan trọng là quá trình chăn nuôi cần tiêm đủ hai loại vắcxin phòng bệnh là lở mồm long móng và tụ huyết trùng. Chuồng trại nuôi bò không cần cầu kỳ quá nhưng phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông...".

Theo anh Cát, giống bò 3B này nuôi 8 - 9 tháng tuổi là bắt đầu vỗ béo. Sau 1,5 năm, trọng lượng của bò 3B có thể lên tới 700kg. Ngoài ra anh cũng tận dụng nguồn phân bò để xử lý làm phân vi sinh cung cấp cho bà con trong và ngoài huyện Vị Xuyên.

Để phục vụ thức ăn cho đàn bò, anh Cát còn trồng thêm 5ha cỏ, đồng thời thu mua ngô sinh khối của bà con trong xã để dự trữ thức ăn cho bò trong mùa Đông. 

Thành công bước đầu từ mô hình chăn nuôi bò 3B, anh Cát là một trong những tấm gương sáng về phát triển kinh tế trên địa bàn xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang).

Đây thực sự là mô hình chăn nuôi có hiệu quả, khai thác được lợi thế của địa phương và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của người dân, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ông Phạm Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa đánh giá: “ Mô hình nuôi bò 3B của anh Thượng Thái Cát là mô hình nuôi bò có số lượng lớn trên địa bàn xã Thuận Hòa, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. 

Trong quá trình chăn nuôi, anh Cát đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học rải trên nền chuồng nuôi bò. 

"Với cách làm này, vừa khử được mùi hôi của phân bò vừa hạn chế được bệnh tật, giúp bò sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh”, ông Phạm Văn Tuân cho hay.

Để mở rộng chăn nuôi, thời gian tới, với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, anh Cát dự định sẽ thành lập HTX để liên kết sản xuất giữa các hộ chăn nuôi bò cùng hợp tác phát triển với mục đích chăn nuôi an toàn sinh học, tạo ra sản phẩm an toàn có chỗ đứng trên thị trường...


 

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn