Huy động các nguồn lực hỗ trợ nông dân bảo vệ môi trường
08:22 - 01/05/2022
(MTNT) – Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp tích cực vận động, thu hút các nguồn lực và phát huy nội lực của hội viên, nông dân và cộng đồng cư dân nông thôn.
Các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ hội viên, nông dân bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ



Các cấp Hội đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, chính quyền các địa phương tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng chi cho các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các phong trào nông dân, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, nông dân, xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu để tuyên truyền, nhân rộng.


Hội phối hợp với tổ chức quốc tế ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (tổ chức BRACE) triển khai thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” với kinh phí 48 tỷ đồng Việt Nam, giúp khoảng 2,5 triệu người nông dân được hưởng lợi từ dự án, 120 giảng viên được đào tạo trở thành giảng viên nguồn về kỹ thuật và gần 2.000 nông dân được đào tạo và hướng dẫn áp dụng về kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường.


Năm 2020, Hội tổ chức quốc tế tiếp tục ủng hộ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam”, với số tiền hơn 70 tỷ đồng Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế, Dự án dự kiến sẽ xây dựng 135 mô hình tại 15 tỉnh, thành phố,tổ chức 405 khóa đào tạo cho 8.800 nông dân.


Hoạt động của các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở luôn hướng về các vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại, giúp đỡ hội viên, nông dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.


Hằng năm, các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ hội viên, nông dân bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra với giá trị hàng chục tỷ đồng.


Đặc biệt, năm 2020, vận động hơn 20.400 bộ đồ dùng thiết yếu trị giá gần 20 tỷ đồng cho nữ hội viên nông dân. Hội Nông dân các cấp đã vận động đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão, lũ, sạt lở đất với tổng số tiền trên 113,8 tỷ đồng.


Các cấp Hội ở địa phương đã tích cực vận động, phát huy nội lực của hội viên, nông dân tham gia đóng góp hàng triệu ngày công, vật tư, hiến đất xây dựng trên 78.000 km đường nông thôn, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương; trồng trên 12 ngàn cây keo lai, bạch đàn, tràm... xây dựng trên 30.500 mô hình về bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu.


Công tác giám sát, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, nông dân về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được Hội tích cực triển khai.
Các cấp Hội tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu



Trong đó, tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nông dân như: chính sách đất đai, vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng;giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường nông thôn.


Hội tham gia các đoàn giám sát do Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ngành chủ trì giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn.


Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nhân dân bị thiệt hại do ảnh hưởng của hiện tượng hải sản chết bất thường tại tỉnh Quảng Bình.


Hàng năm hội viên, nông dân đã phát hiện và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Thanh tra ngành Nông nghiệp kiểm tra, phát hiện, xử lý bình quân hàng năm trên 3.000 vụ việc vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, buôn bán phân bón.


Qua giám sát đã phát hiện, kiến nghị nhiều vấn đề cụ thể, thiết thực với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi, dấu hiệu vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật; điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của nông dân; bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, được các cấp, các ngành và xã hội ghi nhận và phản hồi tích cực.


Tới đây, các cấp Hội tiếp tục ăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nướcvề quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Trọng tâm là Hội sẽ tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thu gom, phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, chất thải làng nghề ở nông thôn; xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.


Sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đất đai, nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp. Trồng cây xanh, bảo vệ rừng; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, cây trồng vật nuôi phù hợp,thích ứng với biến đổi khí hậu.

 
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Lồng ghép các nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào các nội dung công tác Hội và các phong trào nông dân, sinh hoạt chi, tổ Hội; vận động hội viên, nông dân xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng thôn, ấp, bản, làng, xã văn hóa, sử dụng nước sạch, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp; hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần; thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt; không đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, tăng cường thu gom tái chế, tái sử dụng, chế biến (sử dụng công nghệ sinh học) thành phân bón hữu cơ, làm thức ăn cho gia súc, nguyên liệu sản xuất…


Đồng thời, vận động các hộ hội viên chăn nuôi gia súc, gia cầm phải có hệ thống xử lý chất thải, khuyến khích thu gom, tái chế, tái sử dụng, chế biến chất thải làm phân bón, các nguyên liệu, nhiên liệu đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường... Tích cực trồng, chăm sóc cây xanh và bảo vệ rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm đất đai, nguồn nước. Hình thành ý thức, kỹ năng chủ động phòng, tránh thiên tai,nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của sản xuất nông nghiệp với biến đổi khí hậu.Tham gia bảo vệ môi trường, phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
 



 

Thành Công
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn