Đắk Lắk: Trồng cây đặc sản miền Bắc trên đất sỏi, gặp năm trúng mùa được giá, nông dân khấm khá mấy hồi
Sau bốn năm trồng cây vải chín sớm, người dân tại thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) rất phấn khởi vì loại cây đặc sản miền Bắc này phát triển xanh tốt trên đất sỏi.
|
Những quả vải thiều chín sớm phát triển tốt trên đất hộ ông Chảo A Pính (thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) |
Thôn Giang Đông là một thôn nghèo, vùng sâu vùng xa tại xã Ea Dăh, nơi đây đa số là đất cát pha sỏi, kém dinh dưỡng cộng thêm khí hậu khắc nghiệt nên việc trồng trọt, chăn nuôi của người dân không mấy hiệu quả.
Trước đây, người dân đa số trồng các loại cây bắp, khoai mì,… theo mùa vụ nhưng năng suất rất thấp. Mặc dù chính quyền địa phương mang nhiều giống cây như bơ, sầu riêng... về thử nghiệm, nhưng đất đai nghèo dinh dưỡng lại ở vùng đồi dốc nên kém hiệu quả.
Từ năm 2018, Phòng NNPTNT huyện Krông Năng (Đắk Lắk) phối với chính quyền địa phương hỗ trợ người dân trồng vải thiều chín sớm.
Hộ gia đình ông Chảo A Pính (thôn Giang Đông, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) được hỗ trợ để trồng thử nghiệm cây đặc sản này. Sau 4 năm trồng vải thiều, diện tích đất nay đã được phủ xanh, hộ ông Pính đã có để thu bói, bước đầu mang lại nhiều chuyển biến tích cực.
Trước đó, ông Pính trồng cà phê xen các loại cây bắp, khoai mì trên 1,5ha đất. Tuy nhiên vì đất trọc ít dinh dưỡng và thiếu nước nên cây trồng không cho năng suất cao.
"Đất của nhà tôi là đất cát trắng pha sỏi ở vùng đồi núi nên mặc dù đã thử nghiệm trồng nhiều loại cây khác nhau như bơ, cà phê... nhưng vẫn không hiệu quả, cây thiếu chất dinh dưỡng nên còi cọc, vàng úa", ông Pính kể.
Theo ông Pính, ban đầu ông cũng rất ngại, sợ cây vải thiều cũng sẽ không phát triển được như những loại cây khác. Nhưng sau 4 năm trồng và chăm sóc cây vải, đất của gia đình ông Pính xanh ngắt quanh năm, vải thiều bắt đầu cho thu hoạch những quả chín bói đầu tiên.
Anh Pính phấn khởi chia sẻ: "Vụ này cây vải đang cho thu lứa đầu, dự kiến sẽ thu hoạch được khoảng 1 tấn trái, bán theo giá thị trường hiện tại khoảng 25 - 30 nghìn đồng/kg. Như vậy, tôi sẽ kiếm được khoản thu kha khá".
Tương tự, hộ ông Chảo Pí Ngọc (thôn Giang Đông) được hỗ trợ để trồng vải thiều trên 5 sào đất nay cũng không giấu nổi niềm vui. Anh kể, trước kia đất đai khô cằn, mùa mưa mới trồng được các loại cây như sắn, ngô, đậu...
Tuy nhiên, những loại cây trồng này cho năng suất thấp, mỗi mùa gia đình anh chỉ thu được khoảng 6 - 7 triệu đồng, không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt. Còn mùa khô, đất để hoang, hai vợ chồng đành lên rừng kiếm sống, làm thuê khắp nơi để nuôi 3 đứa con ăn học.
Sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ trồng vải, đến nay vườn vải của gia đình phát triển tốt, có những cây trĩu quả.
"Năm nay, vườn vải nhà tôi dự kiến thu được khoảng 3 - 5 tạ, tôi không nghĩ là đất khô cằn như thế này lại trồng được loại cây đặc sản vải thiều. Hy vọng cây vải thiều sẽ mang lại một khởi đầu mới cho vùng kinh tế nơi đây, giúp người dân giảm đói, giảm nghèo".
Theo ông Nguyễn Nhật Phùng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) từ những chuyển biến tích cực trong việc trồng vải thiều, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ giống, cây trồng nhân rộng loại cây trồng này tại các thôn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự thôn Giang Đông. Bên cạnh cây vải thiều chín sớm, chính quyền địa phương cũng đang nghiên cứu các giống cây trồng khác phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu để giúp người dân áp dụng vào thực tế nhằm tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống.