Mùa vui ở vựa tre, mét xứ Nghệ
10:56 - 08/03/2022
So với cây keo, tre, mét cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần. Đây không chỉ là cây làm giàu, mà còn giúp bảo vệ môi trường, chống sạt lở rất tốt.

Trồng tre, mét, lợi nhiều đường

Những ngày tháng cuối năm là thời điểm người dân ở các huyện miền núi Nghệ An bước vào mùa thu hoạch tre, mét. Tre, mét năm nay được bán với giá khá cao, bình quân từ 20.000 - 30.000 đồng/cây, tùy cây to, nhỏ, dài, ngắn. Với giá đó, bà con nông dân rất phấn khởi. Nhiều hộ không những đã thoát nghèo nhờ tre, mét, mà còn khá giả hơn rất nhiều so với những năm trước đây.

Tre, mét là cây thoát nghèo bền vững, được trồng rất phổ biến ở các huyện miền núi Nghệ An hiện nay. Đi đến các huyện miền núi cao ở Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… hiện nay đều trông thấy ở phía dưới các chân đồi thấp, hai bên bờ sông, bờ khe, con suối… là những khu rừng tre, mét bạt ngàn, xanh biếc.

Ông Lô Văn Vệ thu hoạch tre. Ảnh: Doãn Trí Tuệ.

Ông Lô Văn Vệ thu hoạch tre. Ảnh: Doãn Trí Tuệ.

Ông Lô Văn Vệ ở bản Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông là người đang tham gia trồng, khoanh nuôi, bảo vệ 7 ha rừng. Ngoài các loại cây gỗ rừng ra, ông tận dụng các khoảng đất trống để trồng xen dắm cây tre, mét. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Vệ thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng từ tiền bán tre, mét cho khách hàng từ miền xuôi lên mua.

Ông Vệ cho biết, so với cây lâm nghiệp phổ biến hiện nay là cây keo thì tre, mét cho thu nhập cao hơn, thời gian từ trồng đến cho thu hoạch ngắn hơn. Trung bình mỗi bụi tre trưởng thành có từ 15 - 20 cây, hàng năm có thể chặt bán dần khi cần tiền và có khách hàng đến mua được giá là bán. Tuy nhiên, mùa thu hoạch tốt nhất đối với cây tre, mét là những tháng cuối năm. Thu hoạch lúc này tre, mét dùng vào việc gì cũng rất ít bị mối mọt phá hoại, đó là kinh nghiệm dân gian xưa nay để lại. "Nhờ có tre, mét mà năm nào gia đình tôi cũng có thu nhập để trang trải cuộc sống khá đầy đủ", ông Vệ phấn khởi bộc bạch.

Tại huyện Con Cuông, ông Lô Văn Lý, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 3.000ha tre, mét (chủ yếu là mét) tập trung nhiều ở các xã Châu Khê, Bồng Khê, Chi Khê, Bình Chuẩn, Lạng Khê, Môn Sơn, Lục Dạ… Con Cuông cũng là huyện có diện tích trồng tre, mét nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Bình quân mỗi năm toàn huyện thu hoạch và bán ra thị trường trên 1,5 triệu cây, thu về trên 30 tỉ đồng, góp phần nâng cao đời sống của bà con dân bản.

Đi ngược đường Quốc lộ 7, dọc theo dòng sông Lam đến huyện miền núi cao Tương Dương, ở đây hâu hết là đồng bào dân Thái, Khơ Mú… Đời sống trước đây của bà con dân bản gặp nhiều khó khăn, do đất ruộng gieo cấy lúa nước toàn huyện chỉ có 800ha, lúa nương rẫy 4.030 ha. Vì vậy cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà…

Tre, mét đã giúp bà con vùng cao nhiều huyện ở Nghệ An vươn lên làm giàu. Ảnh: Doãn Trí Tuệ.

Tre, mét đã giúp bà con vùng cao nhiều huyện ở Nghệ An vươn lên làm giàu. Ảnh: Doãn Trí Tuệ.

Từ ngày có các dự án của lâm nghiệp về phủ xanh đất trống, đồi trọc đến nay, toàn huyện có cơ hội phát triển mạnh cây tre, mét, góp phần làm thay đổi cuộc sống của bà con dân bản rất nhiều.

Ông Vi Văn Bón ở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương tâm sự: Gia đình ông trồng xen tre, mét vào hơn 5 ha rừng, hàng năm cứ vào tháng 12 trở đi khách hàng từ vùng xuôi lên mua nhiều, ông tiến hành chặt tỉa những cây già nhất bán dần. Hiện tại ông đang bán với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/cây, tùy theo cây to, dài bán với giá khác nhau. Trung bình mỗi năm, nguồn thu nhập từ bán tre, mét của gia đình ông trên 100 triệu đồng, đủ trang trải cho những nhu cầu cần thiết của gia đình và nuôi con cái ăn học.

Ông Nguyễn Duy Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Xá Lượng cho biết, toàn xã hiện có trên 45ha rừng tre, mét, thời điểm thu hoạch tre, mét nhiều nhất thường vào cuối năm do mùa này những cây tre, mét đã già, lá rụng nhiều, ruột cây đã đặc và thu hoạch lúc này về sau rất ít bị mối mọt phá hoại, nên được khách hàng ưa chuộng, mua nhiều, mua với giá khá cao. Những xã có diện tích trồng tre, mét nhiều thì đời sống ở đó khá hơn hẳn do có nguồn thu ổn định.

Ưu điểm của cây tre, mét là dễ trồng, đất ở miền núi chỗ nào cũng trồng được, thời gian từ trồng đến khi cho thu hoạch không kéo dài như trồng cây keo hay các loại cây lấy gỗ khác, thu hoạch linh hoạt, hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần trồng keo.

Ngoài ra, trồng tre, mét có tác dụng rất lớn trong việc phòng chống xói mòn đất, lở đất, nhất là các vùng đất dốc, đất hai bên bờ sông, bờ khe suối…


Phát triển thành vùng nguyên liệu lớn

Tre, mét là cây trồng rất phù hợp với đất đai, khí hậu ở Nghệ An nói chung, vùng miền núi nói riêng. Qua nhiều năm phát triển, người dân ở đây đều có chung nhận xét là tre, mét là cây trồng đem lại hiệu quả cao cả về mặt kinh tế lẫn môi trường và nhất là bảo vệ đất đai, chống xói lở, làm cản trở dòng chảy của nước ở những nơi thường xẩy ra lũ ống, lũ quét. Từ đó không chỉ người dân mà chính quyền các địa phương ở các huyện miền núi rất ưa chuộng loại cây trồng này.

Không chỉ là cây cho giá trị kinh tế cao, tre, mét còn giúp chống sạt lở, phòng chống lũ quét rất hiệu quả. Ảnh: BNA.

Không chỉ là cây cho giá trị kinh tế cao, tre, mét còn giúp chống sạt lở, phòng chống lũ quét rất hiệu quả. Ảnh: BNA.

Ngày 27/4/2021, UBND huyện Tương Dương đã ban hành quyết định số 342/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu tre, mét trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025. Theo quyết định này, tổng diện tích quy hoạch để phát triển cây tre, mét sẽ lên đến 32.097ha. Trong đó trồng xen tre, mét vào rừng tự nhiên nghèo kiệt 21.202ha và trồng mới hơn 9.260ha.

Ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tương Dương cho biết, đề án phát triển vùng nguyên liệu tre, mét của huyện giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được thực hiện ở 17 xã, thị trấn để tạo vùng nguyên liệu lớn, tập trung, bền vững cho các nhà máy sản xuất đũa, chiếu trúc và giấy với công suất 60.000 tấn tre, mét/năm. Hiện tại ở khu vực các huyện miền núi phía tây nam tỉnh Nghệ An đã có 3 nhà máy chế biến sản phảm từ tre, mét, trong đó 1 nhà máy tại huyện Tương Dương và 2 nhà máy tại huyện Con Cuông chuyên sản xuất đũa, chiếu trúc, giấy với công suất lên đến hàng ngàn tấn tre, mét mỗi năm.

Ngoài ra cây tre, cây mét còn là nơi cung cấp nguyên liệu cho hàng trăm cơ sở tiểu thủ công nghiệp, làng nghề mây, tre đan và vật liệu phục vụ xây dựng trong tỉnh. Theo thống kê năm 2020, toàn tỉnh Nghệ An có trên 7 triệu cây tre, mét 11,9 triệu cây. Khả năng những năm sắp tới diện tích tre, mét ở Nghệ An sẽ tiếp tục được mở rộng thêm hàng ngàn ha là điều chắc chắn.

Nghệ An đang xây dựng các vùng tre, mét ở các huyện miền núi thành các vùng nguyên liệu lớn gắn với chế biến. Ảnh: BNA.

Nghệ An đang xây dựng các vùng tre, mét ở các huyện miền núi thành các vùng nguyên liệu lớn gắn với chế biến. Ảnh: BNA.

Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay theo ông Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An đó là cùng với việc tập trung chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích trồng cây tre, mét, các địa phương và Chi cục Lâm nghiệp phải luôn luôn tuân thủ các biện pháp phòng chống cháy rừng, nhất là trong mùa khô.

Đồng thời, Sở NN-PTNT sẽ giao cho Chi cục Lâm nghiệp bám sát cơ sở sản xuất, giúp địa phương thiết kế trồng, chăm sóc, khai thác và có sự kết hợp với các biện pháp lâm sinh như việc trồng rừng hỗn giao phù hợp với địa hình, độ dốc, hướng gió chính để vừa phục hồi tái tạo rừng, vừa chống xói mòn đất, lở đất, đảm bảo phát triển rừng bền vững, hiệu quả lâu dài.


Doãn Trí Tuệ
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn