Xuất khẩu gạo năm nay đã sôi động ngay từ những ngày đầu năm, báo hiệu một năm thuận lợi hơn về đầu ra của lúa gạo Việt Nam.
|
Xuất khẩu gạo của Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Trần Trung. |
Sôi động ngay từ đầu năm
Xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm 2022 khá sôi động, nhất là ở những doanh nghiệp lớn. Mới đây, Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời thuộc Tập đoàn Lộc Trời, đã hoàn thành việc giao đợt hàng đầu năm hơn 4.500 tấn trị giá hơn 3 triệu USD (80 tỉ đồng), gồm gạo thơm, gạo trắng, gạo lứt và nếp.
Lượng gạo này được giao lần lượt từ đầu năm đến giữa tháng 2/2022 cho các đối tác đã làm ăn lâu dài với Tập đoàn Lộc Trời khắp 4 châu lục như Ý, Pháp, Canada, Hongkong, Singapore, Philippines, Kuwait… bao gồm những công ty thương mại nông sản hàng đầu khối Liên minh châu Âu đã có hơn 10 năm mua gạo của Lộc Trời.
Toàn bộ đợt hàng này là sản phẩm của quá trình tổ chức sản xuất, canh tác khoa học từ hạt giống đến hạt gạo, kiểm soát chất lượng chặt chẽ đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường và có sự chia sẻ lợi ích cùng các hộ nông dân tham gia liên kết với Tập đoàn Lộc Trời.
Ngay trong những ngày đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) cũng đã xuất lô hàng gạo hơn 11.000 tấn sang Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Trung An cũng đã xuất khẩu nhiều lô hàng gạo thơm tới các thị trường khác. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc TAR, cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã liên tục xếp gạo xuống tàu để đưa tới nhiều thị trường.
Sự sôi động trong xuất khẩu gạo đầu năm nay, thể hiện rõ qua số liệu từ Tổng cục Hải quan. Theo đó, trong tháng 1, xuất khẩu gạo đạt xuất khẩu gạo đạt 505.741 tấn, tương đương 246,02 triệu USD, tăng mạnh 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về kim ngạch so với tháng 1/2021.
Thị trường thuận lợi
Theo ông Phạm Thái Bình, thị trường xuất khẩu gạo trong năm nay sẽ thuận lợi hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân là do nhiều thị trường đang hồi phục sau đại dịch Covid-19, nhiều chuỗi cung ứng vốn từng bị đứt gãy do đại dịch, cũng đang được kết nối lại giúp cho sức mua bán tăng lên. Bên cạnh đó, những bất ổn trên toàn cầu, mà mới đây là cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine cũng khiến cho người dân nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực.
Trên bình diện ngành lúa gạo toàn cầu, trong năm nay, cả sản lượng lẫn tiêu thụ đều được dự báo tăng, nhưng mức tăng tiêu thụ cao hơn nhiều so với mức tăng sản lượng. Đây cũng là tín hiệu tốt cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Cụ thể, theo báo cáo tháng 1/2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 được dự báo đạt kỷ lục 509,9 triệu tấn (xay xát), tăng hơn 2,6 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021. Tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 dự báo đạt kỷ lục 510,3 triệu tấn, tăng gần 7,8 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021.
Ổn định về lượng, tăng giá trị
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu gạo đạt 6,24 triệu tấn gạo, trị giá gần 3,29 tỷ USD, giá trung bình đạt 526,8 USD/tấn. So với năm 2020, xuất khẩu gạo trong năm qua giảm nhẹ 0,2% về khối lượng nhưng tăng 5,3% kim ngạch nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,5%.
Như vậy, có thể thấy hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tiếp tục đi theo hướng không chạy theo khối lượng mà tập trung nhiều hơn cho việc nâng cao giá trị gạo xuất khẩu. Điều này đã thể hiện khá rõ nét qua hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường EU.
11 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo sang EU chỉ đạt 53.910 tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do khu vực thị trường này giảm nhập khẩu gạo và cước vận tải biển tăng quá cao. Tuy lượng gạo xuất khẩu sang EU gần như không tăng, nhưng trị giá lại tăng mạnh khi đạt 38,07 triệu USD, tăng tới 21,6%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, kết quả này cho thấy các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU. Trong số 10 nguồn cung gạo ngoại khối lớn cho EU trong 9 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vào EU đạt mức tăng mạnh nhất, tăng 20,3%, đạt trung bình 781 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu sang EU tăng mạnh, có nguyên nhân quan trọng là gạo thơm đã tăng đáng kể về tỷ trọng trong cơ cấu gạo xuất khẩu. Trong 11 tháng năm 2021, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 37.390 tấn, trị giá 26,82 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và tăng 28,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU. Tỉ trọng gạo thơm trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng đã tăng lên 70% trong 11 tháng năm 2021 so với 64% của cùng kỳ năm 2020.
Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo xu hướng ổn định về lượng và nâng cao giá trị. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo xuất khẩu trong năm nay dự kiến vẫn chỉ ở mức trên 6 triệu tấn và có thể đạt 6,3 triệu tấn, tức là tương đương hoặc tăng không đáng kể so với năm 2021.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc TAR cho biết, giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL hiện đang ở mức cao. Lúa tươi ST24, ST25 của vụ đông xuân sớm, có giá bán tại ruộng tới 8.300-8.500 đồng/kg. Trong vụ đông xuân chính vụ, giá lúa tươi ST24, ST25 tuy giảm do sản lượng nhiều, nhưng vẫn ở mức cao từ 7.200-7.300 đồng/kg. Các giống lúa khác đang có giá bán tại ruộng từ 5.700-5.800 đồng/kg. Đây là những mức giá cao, mang lại lợi nhuận tốt cho người trồng lúa.
Khai thác tốt hơn EVFTA
Trong năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác những lợi thế từ Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU. EU hiện chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam (chiếm 1% về lượng và 1,3% về kim ngạch) nhưng đây lại là thị trường tiềm năng về xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao.
Theo VFA, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ không dưới 60.000 tấn bởi chất lượng gạo Việt Nam đã có sự thay đổi trong con mắt các nhà nhập khẩu. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam đã có một lượng khách hàng truyền thống tại Đức, Hà Lan, Italy và Ba Lan.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhận định, năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo còn tăng khá. Chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đã và đang đánh trúng được vào thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Việc tận dụng lợi thế EVFTA để xuất khẩu gạo thơm với thuế 0% nằm trong tay các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao như Lộc Trời, Tân Long, Trung An … Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm. Cam kết này sẽ giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn gạo vào EU mỗi năm.
Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù vậy, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại châu Âu, cước vận tải biển vẫn duy trì ở mức cao có thể khiến việc khai thác các lợi thế của EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường EU gặp khó khăn trong năm 2022.